Trò chuyện với con gái liệt sỹ cách mạng Nguyễn Văn Phúc (tức Nguyễn Phúc)
- Cập nhật: Thứ sáu, 2/2/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Cuốn bút ký lịch sử "Ông Phủ Tùng" hay "Chuyện cha tôi" do Nhà xuất bản Giao thông Vận tải ấn hành đã được nhiều người đón đọc. Một trong số đó là vợ đồng chí Nguyễn Lam, cố Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Bà đã đọc một mạch cuốn sách và tỏ ý muốn gặp tác giả để hỏi thêm một số chuyện về chồng bà những ngày ở tù thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Một góc phố Nguyễn Phúc hôm nay.
|
Qua câu chuyện bà Lam cho biết ông Nguyễn Văn Phúc là Phó chủ tịch UBND cách mạng lâm thời tỉnh Yên Bái năm 1945, người cùng bị bắt giam với ông Phủ Tùng và sau đó bị chúng thủ tiêu có hai người con gái còn sống. Một người là Nguyễn Thị Hồng Đức hiện ở khu Trung Hòa, Nhân Chính, một người là Nguyễn Thị Hồng Vân cũng đang sống ở Hà Nội.
Là tác giả cuốn sách, tôi thực sự xúc động trước tình cảm của độc giả, nhất là lớp người lớn tuổi cùng thời với cha tôi. Một ngày đầu năm 2007, tôi tìm đến căn phòng số 1605 tầng 16 nhà 17T7. Bấm chuông mãi mà không thấy ai ra mở cửa. Khi bấm chuông nhà bên cạnh để hỏi thăm thì cửa căn phòng kẹt mở. Một bà cụ già phúc hậu, mái tóc bạc phơ, chân đi khập khiễng bước ra. Đúng là bà Hồng Đức rồi !
Bà Đức sống cùng người giúp việc trong một căn hộ rộng rãi, được trang trí nội thất khá đẹp. Trên bộ sô-pha màu trắng ngà, tôi đã có dịp được trò chuyện với con gái của một chiến sỹ cách mạng tiền bối đã hy sinh vào buổi bình minh của chính quyền mới.
Bà kể: Ông nội tôi là công nhân tàu thủy trên tuyến đường Nam Định - Hà Nội. Cụ có cả thảy 8 người con, bố tôi (tức ông Nguyễn Văn Phúc) là thứ hai nhưng là con trai cả. Trên Yên Bái có ghi công cha tôi khi đặt tên một phường của thành phố Yên Bái là phường Nguyễn Phúc, nhưng tên đầy đủ của cha tôi là Nguyễn Văn Phúc kia! Quê tôi là làng Trung Nghĩa, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Nhà nghèo nên ít được học hành. Năm cha tôi 20 tuổi thì ông nội mất, cha phải lấy vợ sớm, năm 22 tuổi thì đẻ tôi, đặt tên là Hồng Đức. Năm nay tôi đã 83 tuổi rồi. Năm 1938, sau khi đi tù Côn Đảo về cha tôi sinh đứa em gái Hồng Vân. Chỉ có thế thôi! Còn suốt đời cha tôi đi tù và đi hoạt động cách mạng. Hai chị em tôi lớn lên trong tình thương yêu của mẹ.
Ngừng một lát để hồi tưởng lại kỷ niệm về người cha trong ký ức, bà Đức nói tiếp: Năm tôi lên sáu tuổi, được mẹ cho đến thăm bố tại nhà lao Hỏa Lò. Cùng đi có mẹ con anh Đặng Xuân Kỳ, con trai đồng chí Trường Chinh. Lúc đó anh Kỳ mới một tuổi nên bọn cai ngục cho bế vào để đồng chí Trường Chinh xem mặt. Còn tôi vội lẻn chui qua cửa chứa thùng đựng quà nên đến được bên bố Phúc. Tôi nép mình vào bên ông và nói nhỏ: "Chú Tạo bị bắt rồi, bố ạ". Bọn cai ngục không ngờ tôi đã làm liên lạc cho cộng sản từ hồi mới lên sáu tuổi. Thông tin một cơ sở của Đảng bị lộ rất có tác dụng với anh em tù chính trị để sẵn sàng đối phó với âm mưu tra tấn dụ dỗ của kẻ thù.
Cha tôi tham gia cách mạng rất sớm. Hoạt động Thanh niên cách mạng Đồng chí hội cùng với các đồng chí Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Trần Quang Tạo, ông là Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình rồi Nam Định. Năm 1930 ông lãnh đạo phong trào nổi dậy của nông dân huyện Tiền Hải, Thái Bình sau đó bị bắt giam và tra tấn dã man. Cùng bị tra tấn với ông có anh Hoàng Kỳ bị đánh đến thương tật. Năm 1931, sau cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, ông lên Hà Nội họp Xứ ủy Bắc kỳ thì bị Pháp bắt tại số nhà 46 phố Bà Triệu. Từ đó ông trải qua rất nhiều nhà tù của thực dân ở Hỏa Lò (Hà Nội), Sơn La, lại trở lại Hỏa Lò rồi đi Côn Đảo. Mãi đến năm 1936 khi Mặt trận Bình dân thắng thế, ông mới được trả tự do. Ra tù, ông lao ngay vào hoạt động công khai. Năm 1937 làm Chủ nhiệm Hà Thành thời báo, một tờ báo của Đảng do đồng chí Trần Huy Liệu làm chủ bút, đồng chí Trần Quốc Hoàn làm quản lý. Năm 1939 cha tôi bị bắt lại, lại qua các nhà tù Bắc Mê, Nghĩa Lộ, Yên Bái. Chuyện sau đó thì anh đã kể trong cuốn sách "Ông Phủ Tùng".
Bà Hồng Đức rất xúc động biết việc ông Phủ Tùng theo chỉ thị của Việt Minh đã cứu ông Phúc thoát khỏi nhà tù ở Yên Bái để trở về tham gia cướp chính quyền năm 1945. Bây giờ bà mới biết thêm ông Tùng vì muốn cứu ông Phúc nên cũng bị Việt Nam Quốc dân đảng ở Yên Bái bắt giam và hai người thân nhau như hai anh em trong tù. Năm 1945, cả gia đình ông Tùng và ông Phúc đều tìm cách vận động bọn trùm Quốc dân đảng ở Hà Nội thả hai ông. Trong khi cô Nga, con gái lớn ông Tùng mang vàng đến đút lót bọn Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh thì bà Hồng Đức tìm cách vận động tướng Lư Hán can thiệp thông qua viên thiếu tá phiên dịch. Kết quả, ông Tùng được thả còn ông Phúc sau đó bị chúng thủ tiêu.
Bà Hồng Đức hồi nhỏ được mẹ cho học trường Sơ của nhà trường. Khi ra tù ông Phúc không cho học trường đạo mà chuyển đến học trường Thăng Long, bà là học trò của thầy Đặng Thai Mai. Tuy nhỏ tuổi nhưng bà đã sớm tham gia cách mạng. Bà thường xuyên liên lạc với bà Quang Thái để chuyển các chỉ thị của Đảng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp (bà Thái là vợ trước của đồng chí Giáp), là liên lạc của Việt Minh do đồng chí Trần Duy Hưng làm đại diện. Bà được công nhận là cán bộ tiền khởi nghĩa. Năm 1946 bà lấy chồng là một người Hoa rồi theo chồng về Côn Minh, Trung Quốc. Họ sống với nhau 14 năm và có năm người con. Ở Côn Minh, bà Hồng Đức tham gia dạy học ở Hội Liên hiệp Việt kiều Côn Minh. Năm 1949 cách mạng Trung Quốc thành công, bà làm y tá ở Học viện Sư phạm Côn Minh. Năm 1960, hai ông bà ly hôn, bà mang theo năm người con về nước.
Bà Hồng Đức rất tự hào về người cha của mình. Bà nói: Ông Phúc là người rất liêm khiết, cùng với ông Nguyễn Lương Bằng, hai ông được trông nom ngân sách của Đảng. Tiếc thay ông đã hy sinh quá sớm mà không được hưởng thành quả cách mạng. Tại quê nhà, bà Hồng Đức cho xây ngôi nhà tưởng niệm liệt sỹ Nguyễn Văn Phúc. Nhà sử học Dương Trung Quốc trong chương trình "Một giọt đồng" đã cho dựng tượng của ông Phúc. Bà rất cảm ơn Tỉnh ủy, UBND tỉnh Yên Bái đã cho lấy tên ông Phúc đặt tên cho một phường. Bà hỏi tôi có cách gì đề nghị Hà Nội đặt tên một phố là phố Nguyễn Văn Phúc. Tôi thấy vấn đề không có gì lớn lắm. Nhiều đồng chí cùng hoạt động với ông Nguyễn Văn Phúc đã được đặt tên phố, không lý gì ông Phúc không được đặt tên! Tôi mách bà Hồng Đức làm đơn gửi bà Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, đồng kính gửi Hội đồng đặt tên đường phố của Hà Nội. Tôi tin rằng Hà Nội đang xây dựng rất nhiều con đường mới, chắc chắn một ngày không xa sẽ có một đường phố mới khang trang to đẹp mang tên Nguyễn Văn Phúc.
Mỗi con người có một cuộc đời riêng, một số phận riêng. Hôm nay ngồi nói chuyện với bà Hồng Đức, tôi lại thấy đó là một cuộc đời khác. Một cuộc đời từ trẻ đến lúc chết chỉ có biết hy sinh. Dấn thân theo con đường cách mạng, tất cả những chiến sỹ của Đảng đều như vậy. Họ sống thanh thản và chết cũng rất thanh thản. Vấn đề là ở thế hệ con cháu chúng ta ứng xử ra sao với công lao to lớn của các bậc tiền bối. Mới đấy mà Đảng ta đã bước sang tuổi thứ 77, cách mạng Việt Nam do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đang vững bước tiến lên. Nhân ngày sinh của Đảng, qua câu chuyện với người con gái của một liệt sỹ cách mạng, chúng ta biết thêm một cuộc đời, tự hào về thế hệ cha ông đi trước để mãi mãi xứng đáng là con cháu của họ.
An Thanh Lương
Các tin khác
YBĐT - Kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam 3/2/1930- 3/2/2007 và đón xuân Đinh Hợi. Tối 30/1, Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với Sở Văn Hoá- Thông tin tổ chức đêm biểu diễn nghệ thuật quần chúng do Công nhân, Viên chức, Lao động biểu diễn.
YBĐT - Một sáng mai thức giấc, khe khẽ hé mở cánh cửa, một luồng khí mát rượi như hương bạc hà, một chút gió se se lạnh. Trên đám cỏ xanh rì đọng lại những hạt sương nhỏ li ti như mưa bụi. Hàng trăm, hàng ngàn hạt nhỏ li ti ấy tụ lại thành hạt nước sương lớn, tinh khiết. Rồi ta khẽ khàng thốt lên: "Mùa đông đã về!".
YBĐT - Trong quan hệ gia đình, cộng đồng, người Mông thường tiến hành một số tục lệ cổ truyền, ví dụ sinh đẻ, cưới xin, lễ tết, ma chay… Những tục này đều phản ánh ước muốn một cuộc sống tốt đẹp cho mọi người, thậm chí là sự thanh thản cho những người đã khuất. Tục lệ đôi khi kèm theo những nghi lễ (có yếu tố thần linh) nên rất phức tạp, đa dạng.
YBĐT - Trời đã cuối đông, những đợt rét đậm kéo dài dần được xua tan bằng những tia nắng xuân ấm áp. Vạn vật như căng tràn nhựa sống, những chồi non lộc biếc đang cựa mình đơm hoa khoe sắc. Chút giá lạnh về đêm dần được xua tan bởi những âm thanh nhộn nhịp của ngày mới khi những tiếng chim chào buổi sáng đã râm ran sau hè.