Nơi danh họa Tô Ngọc Vân hy sinh

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/2/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Trong những danh họa của đất nước ta, Tô Ngọc Vân - cựu giáo sư Trường Mỹ thuật Đông Dương được tôn vinh là bậc thầy, người có công sáng lập và làm Hiệu trưởng Trường Mỹ thuật Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, đã đào tạo nhiều họa sỹ danh tiếng cho đất nước. Ông đã để lại nhiều kiệt tác được lưu giữ trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ông cũng là người đã đặt nền móng cho hội họa hiện đại Việt Nam. Cống hiến to lớn của ông đã được ghi nhận bằng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (năm 1996).

Có điều ít được nhắc tới là ông đã thực sự dấn thân trong cuộc chiến đấu đầy gian khó của dân tộc và đã hy sinh ngay trên đường kháng chiến tại đất Yên Bái. Điều này, Giáo sư - Tiến sỹ Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, con trai của cố họa sỹ Tô Ngọc Vân kể lại: Năm 1954, họa sỹ Tô Ngọc Vân làm trưởng nhóm họa sỹ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau chiến thắng trở về, qua đèo Lũng Lô, trên đường ra Mỵ, họa sỹ dừng chân nghỉ tại một gia đình người Tày. Đang ngồi vẽ chân dung chủ nhà thì máy bay của Pháp tới ném bom. Một hòn đá lớn đã xuyên qua mái nhà rơi trúng Tô Ngọc Vân. Ông đã hy sinh tại chỗ. Năm đó, ông 48 tuổi. Đó là buổi trưa ngày 17 tháng 6 năm 1954. Trận bom Pháp oanh tạc ấy còn có 134 dân công hỏa tuyến phục vụ xong chiến dịch Điện Biên Phủ trở về cùng hy sinh. Nơi cạnh con suối, ven đồng ruộng nhỏ, hồi đó có 4 ngôi nhà sàn Tày. Thi thể họa sỹ Tô Ngọc Vân được chủ nhà chôn gần bên suối, không có quan tài. Nhận được tin cha hy sinh, đang công tác tại Bắc Giang, Tô Ngọc Thanh đã đi xe đạp 3 ngày đêm liền qua Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phà Hiên, Âu Lâu vào qua Mỵ. Tới nơi, Tô Ngọc Thanh được sự giúp đỡ của chủ nhà đã bới thi thể họa sỹ Tô Ngọc Vân lên, bó lại bằng 2 tấm vải bạt, rồi đưa lên đồi bên gốc ổi cạnh đống mối chôn cất.

Cố nhà văn Nguyễn Đình Thi, tháng 5 năm 2002, có dịp thăm Yên Bái kể lại rằng: Sau khi Tô Ngọc Vân hy sinh, công an Yên Bái đã giữ được một chiếc ống nứa Tô Ngọc Vân dùng đựng các tác phẩm vẽ tại mặt trận. Họ đã trao lại cho Nguyễn Đình Thi khi qua đây cầm về. Trong đó là những ký họa đậm không khí chiến trận như: Trú quân, Lên đèo, Chuẩn bị lên đường, Hành quân qua suối, Qua đèo Lũng Lô… Đó là các tác phẩm ghi dấu ấn sáng tạo cuối cùng của họa sỹ.

Cũng như nhạc sỹ Đinh Nhu hy sinh tại Căng Nghĩa Lộ, đã được ghi danh tại Đài tưởng niệm, Tô Ngọc Vân cũng vậy. Làm sao có được tấm bia ghi dấu ngay nơi danh họa Tô Ngọc Vân, cùng 134 dân công đã hy sinh cùng ngày ở đất Văn Chấn, để tưởng niệm những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của đất nước, đấy là tình nghĩa rất nên làm.

Ngọc Bái

Các tin khác

YBĐT - Nhân dịp tết Đinh Hợi năm 2007, Báo Yên Bái ra mắt độc giả ấn phẩm báo Yên Bái Xuân Đinh Hợi với 84 trang nội dung phong phú, hình thức đẹp và hấp dẫn.

Một góc phố Nguyễn Phúc hôm nay.

YBĐT - Cuốn bút ký lịch sử "Ông Phủ Tùng" hay "Chuyện cha tôi" do Nhà xuất bản Giao thông Vận tải ấn hành đã được nhiều người đón đọc. Một trong số đó là vợ đồng chí Nguyễn Lam, cố Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Bà đã đọc một mạch cuốn sách và tỏ ý muốn gặp tác giả để hỏi thêm một số chuyện về chồng bà những ngày ở tù thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.

YBĐT - Kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam 3/2/1930- 3/2/2007 và đón xuân Đinh Hợi. Tối 30/1, Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với Sở Văn Hoá- Thông tin tổ chức đêm biểu diễn nghệ thuật quần chúng do Công nhân, Viên chức, Lao động biểu diễn.

(Ảnh Thu Trang)

YBĐT - Một sáng mai thức giấc, khe khẽ hé mở cánh cửa, một luồng khí mát rượi như hương bạc hà, một chút gió se se lạnh. Trên đám cỏ xanh rì đọng lại những hạt sương nhỏ li ti như mưa bụi. Hàng trăm, hàng ngàn hạt nhỏ li ti ấy tụ lại thành hạt nước sương lớn, tinh khiết. Rồi ta khẽ khàng thốt lên: "Mùa đông đã về!".

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục