Páo Dung- Hát giao duyên mùa xuân của người Dao

  • Cập nhật: Thứ sáu, 23/2/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Yên Bái có nhiều dân tộc anh em. Mỗi dân tộc có một sắc thái văn hóa riêng, sắc thái thể hiện bản sắc dân tộc mình. Thật vậy, ở đó không chỉ thấy trong phong tục tập quán, thấy trong lễ nghi hay giao tiếp, đi lại, học hành mà còn ở những cuộc sinh hoạt, những cuộc giao lưu văn hóa văn nghệ giữa các thành viên nơi cộng đồng. Páo dung - chính là hát giao duyên của giới trẻ người Dao.

Páo dung là một lối hát trên cơ sở giai điệu, tiết tấu có sẵn, cố định để ca ngợi tình yêu lứa đôi, yêu thiên nhiên, yêu thế giới động vật. Cái chính của Páo dung vẫn là hát tỏ tình của đám trai làng, gái bản mỗi một mùa xuân đến.

 

Xuân này bạn hãy thử một chuyến lên vùng cao, đến các bản làng người Dao, ta không chỉ có niềm vui ngây ngất, bồng bềnh mà còn đắm mình trong những lời ca Páo dung đầy sức lôi cuốn, hấp dẫn. Trước tiên, những chàng trai, cô gái trong những trang phục rực rỡ sắc màu, tay nắm tay nhau bước lên sàn diễn (nhiều nơi là sân khấu). Các cô gái e thẹn, ánh mắt lúng liếng ngồi cạnh nhau trên dãy ghế phía trước. Đứng đằng sau các cô gái là những chàng trai với những nụ cười rạng rỡ, sẵn sàng nhập cuộc. Bên gái cử một đại diện hát khúc dạo đầu. Hát rằng:

 

…"Bản em ở nơi núi cao lưng chừng mây

Anh có lên thì em sẽ ra tận cánh rừng để đón"…

 

Bên trai, một anh bước ra hát đáp lại. Với lời ca như trách móc, dỗi hờn:

 

…"Đêm ngân tiếng chiêng, cồng

Rượu nồng say cạn chén

Vậy mà có em đâu

Làm mắt anh ngóng hoài…"

 

Một cô khác hát trả lời nhằm xoa dịu và động viên:

 

…"Anh à, cha mẹ em hiền như luống cày

Nếu anh đến, hẳn cả nhà em rất vui"…

 

Được lời như cởi tấm lòng, ta hãy nghe anh chàng nọ hát to:

 

…"Anh sợ nhất cái bụng nói không như lời

Thấy anh, cha mẹ em lại không vui

Anh ở xa bao núi bao rừng

Có thật thương nhau, ta xây tổ ấm

Như người Dao mình sống định canh, định cư…"

 

Đỡ lời bạn mình, một cô khác quay về phía các chàng trai, cô hát:

 

…"Váy hoa em vừa dệt xong

Rượu đã dậy thơm nồng

Nương rẫy nhiều lúa gạo

Mùa trăng này sẽ bắt anh

Bắt anh về làm chồng…"

 

Và rồi đến ngỡ ngàng, tất cả các cô gái tham gia cuộc chơi đều cất cao giọng:

 

…"Bắt về làm chồng, bắt về làm chồng

Được không các anh chàng ơi"…

 

Trên sàn diễn, lúc này họ tản ra. Mỗi cặp, mỗi cặp. Một trai, một gái, "bàn tay đan lấy bàn tay", họ thành từng đôi hát với nhau bằng cách ứng tác rất nhanh nhằm xử lý tình huống cũng như giãi bày tâm tình của mình.

 

Cứ vậy, đêm Páo dung kéo dài. Càng về khuya, người xem người hát như nhập vào nhau, hầu như quên cả thời gian, quên cả cái rét miền ngược: …"Lửa càng hừng hực lửa" và chỉ còn thiếu: "Mình về, mình ở với nhau thôi"…

 

Thế đấy, Páo dung xưa kia và ngày nay vẫn thế. Đấy là tiếng hát núi rừng bí ẩn, mộc mạc, dễ thương biết bao. Bởi chỉ cần có thông báo bản có Páo dung là mọi người, dù bận đến đâu cũng thu xếp việc nhà, cơm nước từ khi mặt trời chưa xuống núi để rủ nhau đèn đuốc còn kịp xem.

 

Thế mới biết, cũng như mọi bữa, xuân này Yên Bái, nơi các tộc người thiểu số đón một năm mới ước mơ và hy vọng sẽ là rất vui.

 

Nơi đây, không chỉ có tiếng đàn tính dịu ngọt như khuôn mặt em gái Tày vùng thấp, tiếng sáo tiếng khèn réo rắt vọng vào vách núi của chàng trai Mông nơi vùng cao, hay tiếng trống "Hội cầu mùa" của người Khơ Mú, "Hát tháng Giêng" của người Giáy, hát "Xên bản, xên Mường" của người Thái mà còn là Páo dung mượt mà, tình tứ, sôi động không kém thơ mộng đáng yêu của người Dao. Páo dung - tiếng hát tình yêu và hy vọng bất tận với thời gian:

 

…"Em bảo suốt đời em vẫn đợi

Yêu anh hơn cả rừng yêu cây…".

                                          (Trích lời hát Páo Dung)

Bùi Huy Mai

Các tin khác

YBĐT - Trong bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông, sự giao mùa giữa đông sang xuân là có nhiều dấu ấn hơn cả. Bởi từ trong giá rét, bão bùng chuyển sang ấm áp, yên lành luôn tạo cho con người niềm hứng khởi, lạc quan, rạo rực. Mùa xuân không nói gì với ta thành lời, không gọi ta bằng tiếng gọi yêu thương. Song, một chút nắng hiếm hoi ló rạng từ trong âm u, lạnh lẽo làm ta thấy nôn nao; một chút gió se se làm lay động những chồi non vừa nhú, khiến ta thấy háo hức về những ngày mới có hoa thơm cỏ lạ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh.

YBĐT - Mấy chục triệu người Việt, kể cả những người làm ăn sinh sống ở nước ngoài, nhất là những ai đã sinh ra và lớn lên từ nửa cuối thế kỷ trước, vẫn còn mãi mãi niềm hân hoan, hạnh phúc mỗi khi Tết đến xuân về được nghe Bác Hồ đọc thơ chúc Tết. Đến Tết này, đã gần 40 xuân Người đi vào cõi vĩnh hằng, bên tai ta vẫn văng vẳng lời người: "Xuân về xin có một bài ca. Gửi chúc đồng bào cả nước ta...".

Ông Biến và học viên thảo luận tại lớp học buổi tối.

YBĐT - Đây là khóa học thứ hai về chữ Thái mới mà ông già này vừa là người biên soạn chương trình giảng dạy đồng thời là giảng viên trực tiếp. Một tuần ba buổi đều đặn, ông có mặt ở đây để tận tay uốn nắn từng đường cong nét chữ, truyền kể những bộ sử thi, những bản anh hùng ca nổi tiếng một thời của dân tộc mình.

Hoa núi.

YBĐT - Mù Cang Chải, một huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái với trên 90% là đồng bào Mông sinh sống. Nơi có cảnh đẹp với điệp trùng núi non hùng vĩ, những triền ruộng bậc thang uốn lượn bên những ngôi nhà sàn xinh xắn. Đến với Mù Cang Chải những ngày cuối năm du khách không chỉ ngỡ ngàng trước phong cảnh hữu tình mà còn tận hưởng cảm giác thú vị khi cùng bà con dân bản đi sắm tết trong buổi chợ phiên cuối năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục