Từ Lạng Sơn xuống Hà Nội rồi bay vào miền Nam, cậu bé 11 tuổi xuất hiện ở buổi triển lãm với bộ đồ truyền thống của dân tộc Tày. Dáng hình bé nhỏ, em bẽn lẽn và ngại ngùng khi gặp những vị khách lạ mặt đến ngắm tranh. Chỉ khi nhắc tới mỹ thuật, em mới chuyện trò cởi mở.
Hoàng Nhật Quang đem theo 20 tác phẩm đến triển lãm Những linh hồn ẩn giấu. Các bức tranh mang phong cách trừu tượng và biểu hiện. Trong đó, họa sĩ nhí tái hiện cây cối, hoa cỏ, loài vật bằng lăng kính siêu thực, thể hiện vạn vật có muôn ngàn cảm xúc vui, buồn, giận dữ. Các tác phẩm thực hiện trong năm 2022 mang những gam màu tươi sáng, rực rỡ như đỏ, cam, xanh lam, xanh lá. Trong khi đó, các bức tranh của năm 2023 có xu hướng dùng tone trầm với các màu cam đất, nâu, xám, đen.
20 bức họa được chọn ra từ 40 tác phẩm khổ lớn do Hoàng Nhật Quang vẽ trong hơn một năm qua. Phần lớn tranh có kích thước 1-2 m, bức lớn nhất có chiều ngang 2,6 m và được ghép lại bằng hai bức tranh. Trả lời Ngôi Sao, họa sĩ Hoàng Văn Điểm - bố của Quang - cho biết con trai anh vẽ tranh trên giấy khổ nhỏ trong nhiều năm. Để việc "chơi" với hội họa của con thú vị hơn, anh đặt ra cho con thử thách tăng dần kích thước tranh vẽ.
Anh Hoàng Văn Điểm nói: "Bức lớn nhất Quang từng vẽ có chiều ngang 4 m, tương đương ghép bởi bốn bức tranh. Khi chúng tôi vận chuyển từ Lạng Sơn xuống Hà Nội, có người đã mua luôn nên bức tranh đó không có ở triển lãm lần này. Thực ra, Quang muốn thử sức với tranh khổ 6 m nhưng do xưởng vẽ của tôi hạn chế, khó đưa tranh lớn như vậy vào bên trong. Vậy nên đến hiện tại, con phải tạm gác ý tưởng đó".
Hoàng Nhật Quang cho hay với em, vẽ tranh khổ lớn không có khó khăn. Ngược lại, khổ tranh lớn cho em không gian bày tỏ nhiều suy nghĩ của mình hơn. Mỗi bức tranh được em thực hiện trong một đến hai tuần, có những bức kích thước không quá lớn chỉ mất của em một hoặc hai ngày.
Hoàng Nhật Quang và một vị khách trước bức tranh khổ 2,6 m của em.
Được bố mẹ tổ chức triển lãm, Hoàng Nhật Quang cảm thấy rất phấn khởi. Nhận được lời khen của các họa sĩ và khách xem triển lãm, em hơi ngượng dù rất vui. Họa sĩ Hoàng Văn Điểm lý giải về việc mở triển lãm cho con ở tuổi 11: "Khi nghĩ đến việc mở triển lãm cho con, tôi đã hỏi ý kiến nhiều anh em trong nghề. Một số người chân thành khuyên tôi đợi đến khi con 18 tuổi, vì làm triển lãm cho con sớm quá, con dễ mắc bệnh ngôi sao. Trong vai trò một giảng viên hội họa, tôi nhận ra 80% trẻ thích vẽ nhưng khi lớn lên, rất ít em giữ được đam mê này. Nhật Quang hiện giờ yêu hội họa nhưng đến 18 tuổi, chưa chắc con theo nghề. Tôi muốn làm triển lãm để lưu lại một kỷ niệm cho tuổi thơ của con".
Chị Dương Cảnh (giáo viên môn Tin học), mẹ của Hoàng Nhật Quang, cho biết lúc Quang còn nhỏ, vợ chồng chị cho con thử sức một số môn nghệ thuật nhưng con bộc lộ niềm yêu thích và năng khiếu mạnh nhất với vẽ. Từ lúc 4 tuổi, Quang bắt đầu đến xưởng của bố tập vẽ, học cách cảm thụ và phát triển tư duy nghệ thuật.
Họa sĩ 11 tuổi khắc họa vạn vật có linh hồn.
Học lớp 3, em có bộc lộ rõ hơn thiên hướng vẽ tranh trừu tượng và biểu hiện. Là họa sĩ kiêm thầy giáo, bố của Quang để em phát triển tự nhiên. Anh chủ yếu quan sát, hỗ trợ khi Quang gặp khó, hướng dẫn em cách tạo chất, pha màu. Đối với hình tạo hình, anh tôn trọng ý tưởng của con trai. Anh sợ chỉ dạy quá nhiều sẽ làm Quang mất đi bản năng vốn có.
Họa sĩ nhí nói về đam mê hội họa của mình: "Mỗi ngày, con dành rất nhiều thời gian để vẽ. Con ít đi chơi vì với con, vẽ chính là lúc chơi, lúc giải trí". Sau ngày mở màn của triển lãm, Quang và em gái được bố mẹ đưa đi chơi một số nơi gần TP HMC, trước khi trở về nhà ở Lạng Sơn.
(Theo Ngôi sao)