Dấu tích khảo cổ học còn ít
Ngô Quyền lên ngôi, xưng vương, định đô ở Cổ Loa là một mốc son đáng tự hào, xứng đáng được đời sau ghi nhận, tưởng niệm. Nhân dân tại nhiều nơi trên cả nước đã lập đền thờ Ngô Quyền. Khu vực có nhiều di tích thờ ông, nhất là vùng Hải Phòng, gần chiến trường Bạch Đằng năm xưa.
Hà Nội có 4 nơi thờ Ngô Quyền ở thị xã Sơn Tây (quê hương) và huyện Mỹ Đức (tương truyền nơi ông dừng chân nghỉ ngơi khi hành quân). Tuy nhiên, tại chính mảnh đất Loa thành (Cổ Loa), nơi ông chọn làm kinh đô, xác lập vương quyền độc lập của dân tộc thì hoàn toàn không có một công trình thờ tự nhằm tôn vinh sự nghiệp to lớn của ông. Đây thực sự là một điều thiếu sót”.
Phương án xây dựng đền Ngô Quyền để tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ vị vua có công lao xây dựng quốc gia độc lập đã được TP Hà Nội tính đến nhiều năm qua. Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, từ năm 2002, khi hoàn thành quy hoạch chi tiết Khu di tích Cổ Loa, TP đã xác định xây dựng công trình tôn vinh Ngô Quyền và cố gắng tìm ra những vết tích liên quan đến Ngô Quyền ở Cổ Loa làm căn cứ xây dựng nhưng còn gặp nhiều khó khăn.
Đến nay, theo các nhà khảo cổ học, sau những cuộc khai quật, dấu tích khảo cổ học liên quan đến Ngô Quyền ở Cổ Loa đã có dù rất hiếm hoi. "Dấu ấn văn hóa vật chất duy nhất là quả chuông Nhật Tảo được các nhà Hán Nôm học phát hiện ở đình Nhật Tảo (quận Bắc Từ Liêm). Còn dấu tích văn hóa vật chất thế kỷ thứ X ở Cổ Loa là Mả Tre. Các nhà khảo cổ học hy vọng đến thời điểm nào đó sẽ tìm thấy dấu tích thời Ngô ở Cổ Loa. Bên cạnh đó, những tư liệu dân gian và đặc biệt là câu đối trong đình Cổ Loa ghi rõ, Cổ Loa là nơi đóng đô của Ngô Quyền” – PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam chia sẻ.
Giữ gìn di sản đúng cách đã khó, việc phát huy giá trị của thành Cổ Loa còn khó gấp nhiều lần. Có thể thấy, du khách đến thăm thành Cổ Loa không nhiều và khả năng giữ chân du khách cũng rất hạn chế. Cụ thể, thời lượng du khách tới thăm thành Cổ Loa chủ yếu vào dịp lễ hội đầu năm. Còn những ngày trong năm, lượng khách chỉ đến trong ngày. Các dịch vụ kinh doanh ở trong di tích cũng không đủ sức giữ chân họ khi chỉ là những gian hàng lưu niệm, ăn uống, giải khát… Do đó, mặc dù rất gần với trung tâm TP, nhưng lượng khách tới thăm Cổ Loa chỉ bằng một phần nhỏ so những địa điểm xa hơn.
Cấp phép khai quật tại vị trí xây dựng đền thờ Ngô Quyền
Thời gian qua, nhiều nhà khảo cổ học cũng đã có đề xuất dự án xây dựng công viên di sản và đền thờ Ngô Quyền. Nếu như việc xây dựng đền thờ Ngô Quyền có ý nghĩa tâm linh quan trọng với người dân thì công viên di sản chính là giải pháp phát huy hiệu quả nhất giá trị thành Cổ Loa, góp phần giúp người dân hưởng lợi từ di sản. Theo đó, những khu vực khai quật quan trọng sẽ được làm nhà mái che, kèm thêm thông tin giới thiệu giá trị lịch sử. Du khách đến thăm thành Cổ Loa nên được tham quan cả ba vòng thành bằng xe điện chứ không phải đi bộ như hiện nay.
Các em học sinh được tìm hiểu về khu di tích Cổ Loa.
Vừa qua, Bộ VH&TTDL ban hành Quyết định số 1413/QĐ-BVHTTDL cho phép Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật bổ sung tại vị trí dự kiến xây dựng đền thờ Ngô Quyền thuộc di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, TP Hà Nội.
Thời gian khai quật từ ngày 10/6 đến 20/8, trên diện tích 100m2. Trong thời gian khai quật, các đơn vị cần chú ý bảo vệ địa tầng di tích, tuyên truyền với nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương, đồng thời không công bố kết luận chính thức về kết quả khai quật, khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản cũng như Cục Di sản văn hóa - Bộ VHTT&DL
Bộ VHTT&DL cũng yêu cầu Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội giữ gìn, bảo quản những hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật, báo cáo với Bộ trưởng Bộ VHTT&DL về phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó. Sau khi kết thúc đợt khai quật, trong thời gian 1 tháng, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội và Viện Khảo cổ học cần có báo cáo sơ bộ và đề xuất phương án quản lý, bảo vệ khu vực đã khai quật và trong vòng 1 năm, phải có báo cáo khoa học về vấn đề này gửi Bộ VHTT&DL
Cũng theo Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, đợt khai quật phục vụ cho việc xây dựng đền thờ Ngô Quyền trong tương lai, nhằm tôn vinh vị vua đầu tiên của nhà Ngô trong lịch sử Việt Nam. Tên tuổi của ông gắn liền với chiến thắng Bạch Đằng huyền thoại (năm 938), góp phần chấm dứt hơn ngàn năm Bắc thuộc, mở ra thời kỳ độc lập lâu dài cho đất nước. Từ chiến thắng này, ông lên ngôi, lập kinh đô ở Cổ Loa, với triều đình, nhân sự và chế độ triều chính riêng biệt. Tuy nhiên, đến giờ, tại khu vực Cổ Loa vẫn chưa có một không gian thờ tự chính thức nào dành cho Ngô Quyền - vị vua được người đời coi là Tổ trung hưng của dân tộc Việt.
(Theo Kinhtedothi)