Từ 11-4, phát sóng phim tài liệu Linh hồn Việt Nam - Hành trình cách mạng của Bác Hồ ở Thái Lan
Nhân dịp kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, kỷ niệm 100 năm lần đầu tiên Nguyễn Ái Quốc đặt chân đến Liên Xô (1923–2023), Hãng phim Truyền hình TPHCM (TFS) giới thiệu đến khán giả bộ phim tài liệu dài 2 tập mang tên "Hồ Chí Minh - Con đường phía trước” (biên kịch - đạo diễn Quang Thịnh).
Bộ phim tái hiện một giai đoạn lịch sử khi Nguyễn Ái Quốc đến Liên Xô với giấy thông hành mang tên người thợ ảnh "Chen Vang”. Ở đó, câu chuyện sẽ khai thác góc khuất và những giả thuyết về việc làm thế nào và bằng cách nào Nguyễn Ái Quốc có thể thoát khỏi sự theo dõi của mật thám Pháp để bí mật đến Liên Xô tham dự Đại hội Quốc tế Cộng Sản V.
Hay những câu hỏi như: Bác đã làm gì ở Saint Petersburg cũng là vấn đề mà bộ phim mong muốn tìm được câu trả lời. Có thể sẽ có những sự khác nhau trong các đáp án mà đoàn phim tìm thấy, nhưng chính sự khác nhau đó sẽ làm phong phú thêm những nguồn tư liệu về cuộc đời cách mạng của Bác.
Đặc biệt hơn, bộ phim cũng đi tìm câu trả lời về quãng thời gian Nguyễn Ái Quốc lần đầu đặt chân đến Saint Petersburg với những tài liệu lưu lại còn rất ít ỏi.
Tập 1 "Khoảng trắng lịch sử" bắt đầu từ dòng sông Neva ở thành phố Saint Petersburg - nơi có chiến hạm Rạng Đông oai hùng, nhìn về điện Smolny huyền thoại, nơi lưu dấu hình ảnh một vị lãnh tụ kiệt xuất của Liên bang Xô Viết - Vladimir Ilyich Lenin, người đặt nền móng cho sự ra đời của Nhà nước Xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới.
Từ Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã tìm cách sang Đức. Và trên con tàu Karl Liebknecht, Người đã lên đường đến Petrograd (nay là Saint Petersburg – cái nôi của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại).
Những tài liệu về quãng thời gian Nguyễn Ái Quốc ở Petrograd không nhiều, có những thông tin trong hồ sơ được ghi chép chưa rõ ràng. Tuy nhiên, trong tập hồ sơ ấy vẫn lưu lại dấu thị thực Nguyễn Ái Quốc nhập cảnh vào Petrograd ngày 30-6-1923...
Trong khi đó, ở tập 2 "Từ Liên Xô đến hành trình 100 năm” không chỉ nói về những hoạt động của Người ở Moskva, mà còn làm rõ được dấu ấn, tình cảm của Bác dành cho đất nước này cũng như của người dân Nga đối với Bác trên hành trình đi tìm con đường cứu nước vĩ đại của mình.
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành ngày 30-6 vừa qua tại Saint Petersburg
Từ Saint Petersburg đến Moskva là một chặng đường dài với hơn 500km. Quãng đường ấy không phải là trở ngại với Nguyễn Ái Quốc, vì Lênin đang ở đây.
Tuy mong ước được gặp lãnh tụ Lênin không thành, song chính tại đây, tư tưởng của Bác đã có sự nhận thức rõ ràng hơn dưới ánh sáng thành công của Cách mạng Tháng Mười.
Sau những ngày đầu ở Petrograd, Bác đến với Moskva và tiếp tục tìm hiểu, học tập cũng như nghiên cứu về tư tưởng Lênin. Tại Moskva vẫn còn những địa điểm mang dấu ấn, tên gọi của Bác – là minh chứng rõ nét cho tình cảm của người dân Nga đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đặc biệt trong chuyến đi lần này, ê-kíp đoàn phim đã ghi lại buổi khánh thành Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Saint Petersburg vào ngày 30-6-2023.
Đây là bức tượng thứ năm của Bác Hồ được đặt tại nước Nga. Bức tượng là thành quả từ ý tưởng và sự kết hợp của cộng đồng người Việt tại Nga nói chung và cộng đồng người Việt tại thành phố Saint Petersburg nói riêng, được sự hỗ trợ của chính quyền tại thành phố này.
Bức tượng cũng là minh chứng cho sự đoàn kết của hai dân tộc Việt – Nga trong suốt hơn 100 năm qua với nền móng được đặt bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Ê-kíp đoàn phim "Hồ Chí Minh - Con đường phía trước"
Tuy chỉ vỏn vẹn 2 tập, nhưng nhà làm phim mong muốn khán giả sẽ có cái nhìn khái quát nhất, chân thật nhất về khoảng thời gian Bác ở Liên Xô. Những câu chuyện chưa từng được kể từ xứ sở Bạch Dương dần được giải mã qua các tài liệu, nhân chứng, bối cảnh và các nhân vật được phỏng vấn.
Phim sẽ được phát sóng vào lúc 20 giờ 45 các ngày 31-8 và 1-9 trên HTV9.
(Theo SGGP)