Nghĩa Lộ bảo tồn, lan tỏa bản sắc văn hóa trong trường học

  • Cập nhật: Thứ sáu, 13/10/2023 | 8:22:21 AM

YênBái - Giờ đây, trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ, hình ảnh học sinh biết chữ Thái, biết thổi khèn, múa xòe, thường xuyên mặc trang phục dân tộc… và hiểu biết rất nhiều về những nét văn hóa bản địa khác của địa phương không còn là điều xa lạ trong các trường học.

Thầy và trò Trường TH&THCS Lý Tự Trọng, thị xã Nghĩa Lộ tìm hiểu về nghề đan lát thủ công truyền thống của người Thái Mường Lò.
Thầy và trò Trường TH&THCS Lý Tự Trọng, thị xã Nghĩa Lộ tìm hiểu về nghề đan lát thủ công truyền thống của người Thái Mường Lò.

Với mô hình trường học gắn với phát triển du lịch cộng đồng được thực hiện trong các nhà trường như: TH&THCS Lý Tự Trọng, THCS Phúc Sơn, THCS Hạnh Sơn…, các em học sinh được tham quan, học tập, giới thiệu và trải nghiệm các giá trị văn hóa địa phương, nhất là văn hóa Thái tại các homestay, farmstay, resort. 

Nhiều hoạt động lý thú gắn với bảo tồn văn hóa được tổ chức thu hút các em học sinh tham gia như tìm hiểu về văn hóa dân gian có lồng ghép tiếng Anh, trải nghiệm làm các món ăn dân tộc, thi trò chơi dân gian như tó mắc lẹ, ném còn… 

Đó là một trong các mô hình trường học gắn với việc bảo tồn các di tích lịch sử, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa các dân tộc được Phòng Giáo dục - Đào tạo (GD&ĐT) thị xã chỉ đạo thực hiện nhằm bồi đắp tình yêu của các em với văn hóa các dân tộc bản địa.

Ngay từ năm 2014, Phòng GD&ĐT thị xã Nghĩa Lộ đã triển khai mô hình "Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa địa phương trong các trường học" đến 100% các trường trên địa bàn. Đây cũng là nền tảng cho mô hình "Sắc màu văn hóa các dân tộc Mường Lò” được triển khai trong trường học trên địa bàn trong giai đoạn 2020-2025. 


Theo đó, các trường đã tích cực tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động lễ hội, tập luyện sáu điệu xòe cổ, thành lập các câu lạc bộ tìm hiểu giá trị văn hóa các dân tộc. Nhiều trường đã xây dựng không gian văn hóa dân tộc trong nhà trường, lớp học; tổ chức lồng ghép các hoạt động chợ quê, thi hát dân ca, dân vũ trong các ngày lễ tết, sự kiện quan trọng của trường, của ngành; khuyến khích học sinh mặc trang phục dân tộc trong các hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp… 

Nhiều trường mời nghệ nhân, người am hiểu văn hóa dân tộc thiểu số truyền dạy văn hóa truyền thống cho học sinh. Các em học sinh không chỉ được tiếp nhận những kiến thức về văn hóa bản địa mà còn bồi đắp, hun đúc tình yêu văn hóa từ các nghệ nhân, người am hiểu văn hóa. 

Em Đinh Anh Kiệt - học sinh Trường THCS Hạnh Sơn tham gia học khắp Thái chia sẻ: "Được truyền dạy học khắp Thái, em càng hiểu hơn ý nghĩa, giá trị của những điệu khắp, từ đó mà thêm trân trọng một nét văn hóa độc đáo của người Thái Mường Lò và mong muốn góp sức nhỏ bé của mình vào việc gìn giữ văn hóa bản địa”. 

Cho đến nay, đã có 50 câu lạc bộ bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc đã được thành lập ở các trường học trên địa bàn, tạo môi trường cho học sinh tham gia các hoạt động bảo tồn văn hóa các dân tộc ở địa phương, từ văn hóa Thái đến văn hóa Mường, Khơ Mú, Tày…

Những năm gần đây, ngành giáo dục thị xã còn xây dựng lực lượng giáo viên và học sinh nòng cốt để tham gia các lớp truyền dạy và các hoạt động quảng bá về bảo tồn giá trị văn hóa địa phương, du lịch của thị xã; khuyến khích các trường tổ chức trang trí nhóm lớp theo hướng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa địa phương để thực hiện mô hình "Trường học du lịch".

Các thầy cô giáo còn rất tích cực hỗ trợ, hướng dẫn học sinh thực hiện các hoạt động, dự án khoa học kỹ thuật liên quan tới bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa địa phương. Cho đến nay, có hơn 50 dự án về khoa học kỹ thuật, dạy học tích hợp, khởi nghiệp của các em học sinh các trường thực hiện, phần lớn nghiên cứu về văn hóa địa phương, trong đó có nhiều dự án đạt giải cấp thị, cấp tỉnh, cấp quốc gia. 

Cô giáo Phạm Thị Thanh Hiền - Trường TH&THCS Lý Tự Trọng chia sẻ: "Cá nhân tôi rất yêu thích văn hóa bản địa nên cũng tích cực tham gia hướng dẫn các em học sinh thực hiện nhiều đề tài liên quan tới bảo tồn văn hóa địa phương như bảo tồn nghề dệt, đan lát hay nhuộm vải truyền thống, làm khèn bè của dân tộc Thái. Gần đây nhất, trong Cuộc thi Khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên do Trường Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, tôi đã hướng dẫn các em thực hiện Dự án Thư viện dân tộc Thái Mường Lò với mong muốn các em có thêm nhiều hiểu biết và ý tưởng phát huy, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Thái Mường Lò”. 

Giáo dục, bồi đắp tình yêu văn hóa dân tộc cho học sinh đã và đang hình thành nên lớp trẻ biết trân trọng, giữ gìn những giá trị văn hóa tốt đẹp từ trên ghế nhà trường ở thị xã Nghĩa Lộ.

Thu Hạnh

Tags Nghĩa Lộ bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa trong trường học

Các tin khác

"Tiếng hát Việt toàn cầu 2023" lần đầu tiên được tổ chức với sự tham gia của giàn giám khảo là những ngôi sao ca nhạc và chuyên gia uy tín Việt Nam, hứa hẹn sẽ thu hút được sự tham gia đông đảo của những giọng ca đang trên đường tìm kiếm hào quang của nghề hát.

Triển lãm nhằm xây dựng một bộ ảnh đẹp, tiêu biểu, đặc sắc về 54 dân tộc Việt Nam

Triển lãm ảnh "Sắc màu các dân tộc Việt Nam" nhằm xây dựng một bộ ảnh đẹp, tiêu biểu, đặc sắc về 54 dân tộc Việt Nam phục vụ cho công tác giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá của nhà nước trong các dịp lễ hội, các sự kiện lớn, các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật trong và ngoài nước.

Bức ảnh đoạt giải của nhà sinh vật học Laurent Ballesta

Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Kathy Moran đánh giá về tác phẩm đoạt giải: “Thật đáng kinh ngạc khi nhìn thấy một con sam biển sống động trong môi trường sống tự nhiên với vẻ đẹp đến mức ám ảnh."

Vào các dịp diễn ra các sự kiện trong đại của tỉnh và đất nước, Đoàn dâng hương đại diện cho Thị ủy, HĐND, UBND MTTQ thị xã Nghĩa Lộ đến dâng hương Bác tại Khu tưởng niệm

Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thị xã Nghĩa Lộ là 1 trong 14 chi nhánh bảo tàng, di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh toàn quốc. 40 năm qua (03/9/1983 - 03/9/2023), kể từ khi khánh thành và đi vào hoạt động, nơi đây đã trở thành một tài sản vô giá, một “địa chỉ đỏ” của thị xã Nghĩa Lộ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục