Đến Trường Mầm non Hoa Lan vào sáng ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi một không gian đậm sắc màu văn hóa dân tộc Thái hiện hữu ở ngôi trường vùng cao của huyện Trạm Tấu.
Cô giáo và các bé đều mặc trang phục truyền thống với váy, áo cỏm, tay cầm chiếc khăn piêu, bước chân nhịp nhàng theo tiếng nhạc biểu diễn những điệu xòe truyền thống của dân tộc Thái. Âm thanh, điệu xòe hòa nhịp rộn vang như muốn cuốn tất cả mọi người cùng hòa theo. Ngoài bị hấp dẫn bởi sự điêu luyện trong múa xòe hay nhảy sạp của các bé, chúng tôi cũng vô cùng ấn tượng với không gian được trang trí đẹp mắt, đậm sắc màu dân tộc Thái với hoa văn thổ cẩm, nhạc cụ được trang trí xung quanh ngôi trường này.
Cô giáo Vũ Thị Liên - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Lan giới thiệu: "Năm học 2023 - 2024, nhà trường có 246 trẻ, trong đó có 99% học sinh là người dân tộc Thái. Mong muốn đưa nội dung giáo dục văn hóa truyền thống vào trường mầm non phù hợp với bản sắc của địa phương, thời gian qua, song hành cùng công tác giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường đã tìm tòi, sưu tầm các bản nhạc, học các điệu múa xòe Thái để dạy cho các em".
Vào buổi sáng mỗi ngày, các bé sẽ được lồng ghép múa xòe vào giờ thể dục. Ngoài ra, trong các tiết dạy trên lớp, các bé được trang bị những kiến thức cơ bản về phong tục truyền thống, trang phục, các trò chơi dân gian của dân tộc mình. Từ đó, các giờ học trở nên sinh động và thích thú hơn đối với trẻ, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường.
Đến nay, việc dạy và học múa xoè trong nhà trường đã được các em học sinh và các bậc phụ huynh hưởng ứng tích cực, trẻ nào cũng được bố mẹ sắm cho bộ trang phục truyền thống để mặc vào sáng thứ 2 đầu tuần, vào dịp lễ hoặc tham gia biểu diễn múa xòe ở xã, ở huyện.
Tham gia hoạt động giáo dục gắn với truyền thống văn hóa của dân tộc mình, gương mặt bé nào cũng rạng rỡ, hào hứng. Bé Lường Thu Thảo - học sinh lớp mẫu giáo 5 tuổi A vui vẻ: "Con rất thích khi được tham gia múa xòe và chơi các trò chơi. Khi tham gia con được mặc váy đẹp, được chơi nhiều trò chơi cùng các bạn, con rất vui”.
Đến nay, 100% trẻ của nhà trường đã nhuần nhuyễn các động tác xòe và tích cực tham gia các trò chơi dân gian của dân tộc mình. Để có được thành công này, như cô Liên nói, thời gian qua, các cô giáo của Trường Mầm non Hoa Lan đã rất tích cực, chủ động nghiên cứu, học hỏi kiến thức về phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa dân tộc Thái để ứng dụng vào hoạt động dạy trẻ. Cùng với đó, nhà trường còn chủ động mời các nghệ nhân trên địa bàn đến dạy múa xòe cho giáo viên và học sinh.
Cô giáo Đinh Thị Dung - giáo viên lớp 5 tuổi A cho biết: "Chúng tôi đã sưu tầm các bản nhạc, học các điệu múa xòe, các trò chơi đặc trưng của người Thái để về dạy cho các con. Tôi thấy các con học múa xòe rất nhanh. Được xem bố mẹ tham gia múa xòe, nhảy sạp trong các ngày hội của địa phương dường như văn hóa Thái đã ngấm vào máu thịt nên khi được các cô hướng dẫn, chỉ một thời gian ngắn là các con đã múa rất đúng nhịp, uyển chuyển”.
Ngoài đưa các làn điệu dân ca, dân vũ, múa xòe… vào giảng dạy, Trường Mầm non Hoa Lan cũng chú trọng tổ chức nhiều mô hình trên không gian sân trường để trẻ được trải nghiệm bổ ích qua các góc chợ quê, góc hạnh phúc, góc các trò chơi dân gian đặc trưng của dân tộc Thái như: múa sạp, chơi trò chơi dân gian, đi chợ bản Thái, làm bánh ngày xuân...
Tại góc chợ quê, các cô giáo đã tự tay làm và sắp xếp gọn gàng các đồ dùng trang trí, sản vật, nông cụ, nhạc cụ… của người Thái để trẻ dễ tiếp cận và nhận biết. Ở góc hạnh phúc, trên thảm cỏ xanh, các cô đã trang trí xung quanh là thổ cẩm, bên dưới là những đệm đặc trưng của người Thái để các con ngồi trò chuyện, đọc sách… Các hoạt động này đã tạo sân chơi bổ ích, lý thú và tăng sự mạnh dạn, tính hòa đồng cho trẻ.
Đưa bản sắc văn hóa dân tộc Thái lồng ghép vào các giờ học trên lớp và trong các tiết ngoại khóa của Trường Mầm non Hoa Lan đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như các bậc phụ huynh.
Ông Lò Văn Tiếp - Chủ tịch UBND xã Hát Lừu đánh giá: "Đây là mô hình giáo dục phù hợp với đặc điểm các trường học vùng dân tộc thiểu số; là cách làm hay, sáng tạo để nâng cao chất lượng, đổi mới phương pháp dạy và học, hướng tới trường học hạnh phúc. Từ việc con trẻ giữ gìn bản sắc đã tác động sâu sắc đến nhận thức và nâng cao ý thức bảo tồn các giá trị văn hóa cho người Thái trên địa bàn xã một cách cụ thể, kịp thời, trẻ được bồi đắp thêm những hiểu biết về cội nguồn, từng bước hình thành lòng tự hào khi nhắc tới, nói tới những nét đặc trưng văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình”.
Việc đưa các nội dung giáo dục bản sắc văn hóa dân tộc vào trường học thông qua nhiều hoạt động thiết thực ở Trường Mầm non Hoa Lan không chỉ bồi đắp, giúp các em ngay từ lứa tuổi măng non biết trân trọng, gìn giữ để lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc Thái mà còn góp phần quan trọng mang đến niềm vui, sự hứng khởi, để mỗi ngày trẻ đến trường đều là một ngày vui và hạnh phúc.
Thanh Chi