Chuyện về đôi bạn trẻ Ấn Độ chọn Mù Cang Chải làm lại đám cưới

  • Cập nhật: Thứ năm, 14/12/2023 | 4:42:11 PM

YênBái - Những ngày đầu tháng 12/2023, không ít người dân trên địa bàn Yên Bái, đặc biệt là người Mông ở huyện vùng cao Mù Cang Chải vô cùng ngạc nhiên và thích thú khi chứng kiến đôi bạn trẻ người Ấn Độ là Kalyan Daggupati và Megha Trivedi chọn Indigenous homestay xã La Pán Tẩn để hưởng tuần trăng mặt và tổ chức lại đám cưới theo phong tục của người Mông.

Chú rể Kalyan Daggupati và cô dâu xinh đẹp Megha Trivedi hạnh phúc trong lễ cưới lại theo phong tục của dân tộc Mông
Chú rể Kalyan Daggupati và cô dâu xinh đẹp Megha Trivedi hạnh phúc trong lễ cưới lại theo phong tục của dân tộc Mông

Đến từ miền Nam của đất nước đông dân thứ nhì thế giới, chú rể 30 tuổi Kalyan Daggupati và cô dâu xinh đẹp 23 tuổi Megha Trivedi đã đi rất nhiều nước trên thế giới nhưng cuối cùng đã chọn Việt Nam là điểm đến và chọn Indigenous Homestay, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải làm điểm dừng chân cho tuần trăng mật của cặp uyên ương này.

Lần đầu tiên đặt chân đến mảnh đất vùng cao La Pán Tẩn, Kalyan Daggupati và Megha Trivedi cũng như nhiều thành viên trong gia đình đã "choáng ngợp” trước phong cảnh hữu tình của Di tích danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải cũng như sự tốt bụng, thân thiện, mến khách của đồng bào Mông nơi đây.

"Thật tuyệt vời, ngay ngày đầu tiên có mặt, chúng tôi đã cảm nhận được sự thân thiện, hòa đồng của mỗi con người nơi đây; rồi cùng với người dân bản địa khám phá nhiều phong tục, tập quán, nhất là trang phục của người Mông. Chính vì vậy, vợ chồng tôi đã xin sống thử như người bản địa, tổ chức, trải nghiệm đám cưới theo phong cách người bản địa”,  anh Kalyan Daggupati chia sẻ về ý tưởng làm đám cưới lại. 


Người dân bản địa và các bạn bè đến từ Ấn Độ chúc phúc cho Kalyan Daggupati và Megha Trivedi 

-Vì sao hai bạn lại chọn trang phục người Mông cho lễ cưới lại?

 Cô dâu xinh đẹp Megha Trivedi cười tươi:

- Bạn thấy đấy, nó thật tuyệt phải không! Trang phục cưới lại hôm nay của tôi có áo xẻ ngực, váy, tấm vải che phía trước váy, thắt lưng và xà cạp. Áo có cổ hình chữ V. Hai ống tay áo là những hoa văn đường vằn ngang với đủ màu sắc trên nền chàm. Váy cưới có nhiều nếp gấp, mềm mại, khi xòe ra như cánh hoa; lại có xà cạp quấn quanh chân và xà cạp trước váy. Đúng là một trải niệm không còn gì bằng!

"Anh nhìn bạn trai của tôi kìa, trang phục tuy không quá rực rỡ, bên trong một áo màu trắng, bên ngoài là áo màu tối có hình hoa văn ở tay, quần màu đen, ống rộng, đầu có chiếc mũ đẹp. Trong ngày cưới, chúng tôi còn được trang trí nhiều đồ trang sức bằng bạc như: vòng cổ, vòng tay, nhẫn, khuyên tai… trông thật tuyệt”, cô Megha Trivedi nói thêm.

Không chỉ khoác lên mình bộ trang phục tuyệt đẹp của phụ nữ Mông, tại đây Kalyan Daggupati và Megha Trivedi cùng các thành viên trong đoàn còn được chủ Indigenous homestay và dân bản giới thiệu cho họ biết phải làm như thế nào để có được những bộ trang phục rực rỡ và dày công ấy.

"Anh Khang A Dinh, chủ Indigenous homestay đã giới thiệu rất tỉ mỉ cho chúng tôi biết về cách làm một trang phục của phụ nữ Mông như: dệt trang phục bằng sợi lanh. Cây lanh sau khi cắt về, phơi qua một nắng cho héo rồi tách lấy vỏ, cho vào cối giã mềm, tước nhỏ, bện chặt thành dây dài; đặt trên phiến đá lăn đi lăn lại cho bong hết lớp bột chỉ bên ngoài, đến khi nào sợi lanh trở nên mềm, dài, bắt ánh sáng óng ánh sẽ được cuộn lại thành những cuộn lớn rồi đem dệt. Đặc biệt, khi dệt thành vải, phụ nữ Mông sẽ vẽ hoa văn bằng sáp ong lên vải theo ý muốn và đem nhuộm chàm”, cô dâu Megha Trivedi hào hứng.


Kalyan Daggupati và Megha Trivedi cùng bạn bè trong ngày cưới lại theo phong tục của dân tộc Mông 

Thật thú vị và tuyệt vời, khi ngày càng có nhiều bạn trẻ đến từ các nước trên thế giới chọn Mù Cang Chải là điểm dừng chân trong hành trình tận hưởng và khám phá nét văn hóa riêng biệt của dân tộc Mông.

"Thể theo nguyện vọng, đây là lần đầu tiên chúng tôi tổ chức đám cưới lại cho người nước ngoài theo phong tục của người dân bản địa. Du khách rất thích và hào hứng với những phong tục, tập quán, nhất là nét văn hóa trong ngày cưới của người Mông. Qua đó, những người làm du lịch như chúng tôi đã quảng bá về danh lam thắng cảnh, hình ảnh con người Yên Bái nói chung và Mù Cang Chải nói riêng  "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập” tới bạn bè trong và ngoài nước”, Khang A Dinh, chủ Indigenous homestay cho biết.

Tới đây, vào tối 23/12, tại Sân vận động trung tâm huyện Mù Cang Chải diễn ra Lễ Khai mạc Festival Khèn Mông và công bố Quyết định đưa Nghệ thuật Khèn của người Mông, Nghệ thuật tạo hình vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông 3  huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn của tỉnh Yên Bái vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và khai mạc Lễ hội Hoa Tớ dày năm 2023, sẽ tiếp tục thu hút du khách đến với các huyện phía Tây của tỉnh Yên Bái. Đây cũng là cơ hội tuyệt vời để giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất và người Mù Cang Chải cũng như những danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa trên địa bàn tới du khách, góp phần phấn đấu năm 2023 huyện đón và phục vụ 300.000 lượt khách, doanh thu ước đạt 300 tỷ đồng.

Sở hữu 1 di tích danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang, 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia  cùng với người dân bản địa thân thiện, mến khách cùng những nét văn hóa, phong tục đặc sắc của đồng bào Mông đang là lý do để du khách đến với Mù Cang Chải ngày càng nhiều. Những đôi tình nhân đến từ nhiều nước trên thế giới như đôi bạn trẻ Kalyan Daggupati và Megha Trivedi chọn Mù Cang Chải để nghỉ dưỡng và tổ chức lại sự kiện trọng đại của đời mình theo cách trải nghiệm phong tục của người dân bản địa báo hiệu cách làm du lịch ở địa phương vùng cao này đang thực sự đi đúng hướng.

Văn Tuấn

Tags Mù Cang Chải đám cưới Ấn Độ ruộng bậc thang dân tộc Mông khèn Mông di sản

Các tin khác

"Đi về phía lửa" là bộ phim truyền hình dài tập do K+ sản xuất về nghề lính cứu hỏa, cứu hộ, cứu nạn - một trong những công việc được coi là nguy hiểm nhất thế giới, do đạo diễn Trần Thanh Huy thực hiện. Bộ phim được lấy cảm hứng (remake) từ series truyền hình đình đám Đài Loan - "Nước mắt của hỏa thần" (Tears On Fire).

Hoa hậu Đỗ Lan Anh.

Chiến thắng giải thưởng này, đại diện Việt Nam sẽ nhận được đặc quyền nhân đôi số điểm ở hạng mục bình chọn để có cơ hội vào thẳng Top 20 trong đêm chung kết.

Ban tổ chức trao giải Nhất cho cô giáo Nguyễn Thị Thiên Sinh, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Bắc Kạn với tác phẩm

Chiều 13/12, 16 giải thưởng cuộc thi “Tìm hiểu về lịch sử truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam” năm 2023 đã được trao cho các cá nhân, tập thể và tổ chức trên toàn quốc.

Phụ nữ Mông ở Mù Cang Chải vẫn gìn giữ và truyền dạy nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải.

Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, tỉnh Yên Bái vừa được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia ở loại hình tri thức dân gian. Làm nên di sản ấy chính là những người phụ nữ Mông. Sự ghi danh này chính là động lực cho họ - những “họa sĩ bản làng” tiếp tục gìn giữ, sáng tạo và phát huy giá trị của di sản.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục