Nét đẹp nhà ở của người Thái Mường Lò
- Cập nhật: Thứ sáu, 25/5/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Người Thái Mường Lò ở nhà sàn, có cách sắp xếp mang bản sắc văn hóa khá độc đáo. Trong nhà người Thái không có vách ngăn, nên khá rộng rãi. Cửa vào nhà từ hai đầu hồi, gần với hai cầu thang lên. Các cầu thang có bậc lẻ, bà con phân biệt với bậc thang chẵn, chỉ dành cho ma lên xuống. Khi trong nhà có người qua đời, gia chủ mới để dỡ vách, bắc cầu thang có bậc chẵn.
Nhà của người Thái cũng có cửa sổ như mọi dân tộc khác, nhưng rất ít gặp cửa sổ ở phía nằm ngủ. Đồ đạc trong nhà người Thái trước đây khá đơn giản, thường chỉ có mấy chiếc ghế mây, màn, đệm, mấy cái hòm, cái bem đựng quần áo... Hiện nay, do mức sống nâng cao, khoa học - công nghệ phát triển, trong nhà người Thái đã có bàn ghế gỗ, tủ, giường sang trọng, có ra đi ô, ti vi...
Cách bố trí trong nhà của người Thái, từ xa xưa đã quy định, thành lệ: nhà được chia làm ba phần. Phần trong cùng, tính theo cầu thang chính lên nhà gọi là "tang quản". Tang quản gồm có lan can ở đầu nhà, gọi là "hóng típ" và gian quản, gọi là "hóng quản". Phần này chỉ dành cho đàn ông trong gia đình và khách là nam giới được vào. Giáp với tang quản là "hóng tố". Đây là phần giữa nhà, giáp với bếp đun nấu. Phần này có mấy chiếc cột chính, được quy định cụ thể. Nơi "hóng tố" giáp với tang quản có cột chính, tượng trưng cho bên nhà vợ của chủ nhà. Cột này đối diện với cột "chẩu xửa", đại diện cho người chủ nhà. Cạnh cột "chẩu xửa" là cột bàn thờ (xâu hóng), tượng trưng cho ma nhà. Hàng cột ngang nhà này, mọi phụ nữ không được vượt qua.
"Hóng tố" là phần để ở, sinh hoạt cho cả gia đình, gồm cả nam và nữ. Phía sau nhà dùng làm nơi ngủ, phía bên kia là nơi để đồ dùng hàng ngày.
Phần thứ ba của ngôi nhà là "táng chan". Táng chan gồm sàn để phơi phóng, sàn để các ống đựng nước ăn, nơi để chài, đặt khung cửi. Ngay trong cửa là bếp. Đây còn là nơi làm cỗ. Người Thái quan niệm: bếp là tượng trưng cho nhà ở, tổ ấm của gia đình. Khi làm nhà mới, bếp do bên nhà vợ làm giúp. Giáp gian bếp và hóng tố, cột chính có vị trí quan trọng. Trên cột chính này thường có ba thứ:
Thứ nhất là gói hạt giống buộc chín vòng lạt, có sọt gồm chín mắt úp bên ngoài. Gói hạt giống tượng trưng cho mùa màng tươi tốt, bội thu. Vòng lạt có ý tượng trưng cho dây bạc, sự giàu có. Sọt mắt cáo úp bên ngoài có ý tượng trưng cho lưới phép, trừ ma. Việc úp sọt ra ngoài gói hạt giống là bảo vệ mùa màng, bảo vệ sự giàu có, no đủ của gia đình.
Vật thứ hai treo trên cột là mai rùa. Tốt nhất là có mai rùa thật, nếu không có, chủ nhà có thể đẽo hình mai rùa bằng gỗ. Việc treo mai rùa trên đỉnh cột có ý tôn thờ rùa. Người Thái quan niệm, ngày xưa, rùa đã có công cứu người. Vì vậy, khi làm nhà, người Thái treo mai rùa để mỗi khi làm cỗ, khi nấu ăn ngày tết, rùa được "ăn" hơi cơm và thức ăn ngon nhất, quý nhất.
Cái được treo thứ ba trên cột là vật âm dương, đẽo bằng gỗ, tượng trưng cho lòng mong muốn của người chủ có nhiều con cháu.
Nơi thờ "ma nhà" (tổ tiên) của người Thái gọi là "hóng". Hóng liền với chỗ ngủ của người chủ nhà. Đồng bào quan niệm: nơi ma ở cần kín đáo, hoang vắng nên chỉ ngăn một ô hẹp làm hóng. Mỗi năm, người Thái chỉ dọn hóng một lần vào dịp cúng ma nhà (xên hươn). Trong hóng có đặt chén, bát và một ống nước.
Nơi ngủ của người Thái được quy định chặt chẽ, thực hiện nghiêm, không ai được xâm phạm đến chỗ của người khác. Cạnh gian "ma nhà" là chỗ ngủ của chủ nhà. Theo tôn ti trật tự trong gia đình, tiếp đến là chỗ của con trai cả, con trai thứ...
Ở vùng Mường Lò, đồng bào Thái thường nằm đệm quanh năm. Vào mùa hè nóng bức, đêm đến không khí vẫn mát mẻ, đồng thời do ở nhà sàn nên thoáng.
Khách đến nhà người Thái, nghỉ lại, chủ nhà bao giờ cũng có sẵn chăn, gối, màn đẹp đẽ, tiếp đón bằng tất cả sự nhiệt tình, chu đáo.
Trần Cao Đàm
Các tin khác
YBĐT - Vừa qua, Phòng Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện Văn Yên và huyện Văn Bàn (Lào Cai) phối hợp với 2 xã Châu Quế Thượng và Tân An cùng đội thông tin lưu động hai huyện tổ chức chương trình giao lưu văn hóa - thể thao.
YBĐT - Với người Thái Tây Bắc, "khắp" - tức là hát, hò, ngâm, là sinh hoạt văn hóa không thể thiếu. "Khắp" có nhiều điệu và cách thức khác nhau. Song phổ biến và lôi cuốn lòng người chính là "khắp báo xao" - tức là hát trai gái giao duyên. Đây là tiếng nói của tình yêu mà cội nguồn là cuộc sống, được các đôi trai gái thổi vào hơi thở của tình yêu bất diệt.
Dân tộc Mông có 3 nhóm: Mông Hoa, Mông trắng và Mông đen, cư trú chủ yếu trên các rẻo núi cao ở các huyện Bắc Yên, Thuận Châu, Sông Mã, Mường La, Mộc Châu, Yên Châu (Sơn La). Đây là một trong những dân tộc có ý thức và quan tâm gìn giữ bản sắc dân tộc mình cả về lối sống, nếp sống, phương thức canh tác…
YBĐT - Huyện đoàn Yên Bình phối hợp với Phòng Giáo dục huyện vừa tổ chức Hội thi tiếng hát giai điệu tuổi hồng. Tham gia hội thi có 10 đội văn nghệ đạt kết quả cao nhất qua các vòng thi cụm.