Tiếng khèn Mông

  • Cập nhật: Thứ sáu, 1/6/2007 | 12:00:00 AM

Đã lâu rồi nhưng còn nhiều chàng trai Mông còn nhớ cô gái đẹp lên bản Mông dạy chữ. Cứ mỗi khi cuộc khèn vang tiếng là cô có mặt. Người Mông ở vùng Pà Cò này vẫn bảo cô đã mê tiếng khèn của người Mông rồi. Không chỉ có cô giáo người Kinh nọ bị tiếng khèn của những chàng trai Mông mê hoặc mà cả những vị khách xa đang trong chuyến du lịch sinh thái trên cùng núi cao Hang Kia, Pà Cò (Hoà Bình) mà bất chợt nghe vẳng xa đâu đó điệu khèn lại bỗng thấy cái cảm giác thư thái, yên bình.

Chiếc khèn bè đã gắn liền với cuộc sống của đồng bào Mông. Trong những dịp lễ, tết, lúc nào tiếng khèn cũng vang vọng. Với người con trai Mông, cây khèn là vật bất ly thân. Lúc buồn, lúc vui chỉ có cây khèn làm bạn. Khèn bè còn tượng tượng trưng cho đức độ và tài nghệ của chàng trai Mông. Tiếng khèn say sưa quyện theo tiếng đàn môi thủ thỉ là sự khởi đầu cho cuộc khèn tràn đầy hứng khởi. Đặc biệt, tiếng khèn còn như một lời nhắn nhủ tha thiết của người con trai đến người con gái mình yêu.

Hiện nay, cuộc sống của đồng bào Mông ở Hang Kia, Pà Cò đã có sự đổi thay nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Cái chữ đã được coi trọng. Điện đã về, đường ô tô đã vào đến bản và nhiều nhà đã sắm được xe máy, ti vi…  Dù cuộc sống thay đổi, có đầy đủ các loại phương tiện nghe, nhìn hiện đại nhưng người Mông không bỏ tiếng khèn bởi vì, người già vẫn thường bảo: Tiếng khèn là phần hồn của người Mông, nếu không giữ được khèn thì người Mông sẽ đánh mất mình. Con trai Mông khi lớn lên là phải biết thổi khèn, nhưng ít người thổi được những bài khèn dìu dặt, da diết. Những điệu khèn khi cất tiếng, cả bản Mông từ ông già, bà cả đến những chàng trai, cô gái trầm trồ thán phục. Những bài khèn chợt làm ửng hồng đôi má của những thiếu nữ Mông thẹn thùng đứng ở phía xa.

Thổi khèn và múa khèn từ xưa vẫn luôn được xem là cách để thể hiện sự ra dáng của chàng trai với dòng họ, với bản làng. Ở Pà Háng, không có tiếng khèn nào sánh kịp với tiếng khèn của Sùng A Tô, thổi khèn hay và múa khèn dẻo, tiếng khèn và điệu múa hoà quyện vào nhau. Người Mông cũng rất công bằng khi đánh giá tiếng khèn của các chàng trai. Nếu thổi hay thì có đông người đến xem, còn nếu không hay thì  người ta không đến xem và có sự trách mắng nhẹ nhàng… Chíp pờ chua, hai chùa cơ xông…(tiếng khèn chưa đạt, cần học hỏi thêm nữa).

Già Sùng A Sía năm nay đã 93 tuổi trước đây là một người khèn hay có tiếng ở vùng Pà Háng vẫn thường dạy con cháu: phải biết khèn và phải thổi thật hay và phải hiểu được tiếng khèn là khúc nhạc tâm tình nên người thổi phải để cái tâm vào từng nốt nhạc và thả hồn theo đó thì tiếng khèn mới  đắm  say. Người khèn hay có một vị thế rất cao trong cuộc sống của người Mông. Không chỉ có con gái mà cả các cụ ông, cụ bà đều thích và yêu những chàng trai biết thổi khèn hay, múa dẻo. Cây khèn bè của người Mông được làm từ loại cây sậy chỉ có ở vùng núi Pà Háng. Có 6 ống xếp liền nhau tạo thành bè, ống lớn nhất, âm trầm nhất đó là tiếng gọi ông bà, cha mẹ, những ống nhỏ hơn đó là tiếng anh em, bạn bè.

Khi xuân về, trên đỉnh núi Pà Háng, trai Mông lại thi khèn. Ngọn Pà Háng chỉ là một chấm xanh trên vùng núi rừng miền Tây Bắc nhưng từ đây đang có một cuộc sống ấm no và tiếng khèn vang lên như mang tâm hồn người Mông rất đỗi trong sáng và nhiệt tình.

(Theo Báo Hoà Bình)

Các tin khác

YBĐT - Người Thái Mường Lò ở nhà sàn, có cách sắp xếp mang bản sắc văn hóa khá độc đáo. Trong nhà người Thái không có vách ngăn, nên khá rộng rãi. Cửa vào nhà từ hai đầu hồi, gần với hai cầu thang lên. Các cầu thang có bậc lẻ, bà con phân biệt với bậc thang chẵn, chỉ dành cho ma lên xuống. Khi trong nhà có người qua đời, gia chủ mới để dỡ vách, bắc cầu thang có bậc chẵn.

YBĐT - Vừa qua, Phòng Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện Văn Yên và huyện Văn Bàn (Lào Cai) phối hợp với 2 xã Châu Quế Thượng và Tân An cùng đội thông tin lưu động hai huyện tổ chức chương trình giao lưu văn hóa - thể thao.

Ảnh minh hoạ. )Ảnh: Thành Trung.

YBĐT - Với người Thái Tây Bắc, "khắp" - tức là hát, hò, ngâm, là sinh hoạt văn hóa không thể thiếu. "Khắp" có nhiều điệu và cách thức khác nhau. Song phổ biến và lôi cuốn lòng người chính là "khắp báo xao" - tức là hát trai gái giao duyên. Đây là tiếng nói của tình yêu mà cội nguồn là cuộc sống, được các đôi trai gái thổi vào hơi thở của tình yêu bất diệt.

Dân tộc Mông có 3 nhóm: Mông Hoa, Mông trắng và Mông đen, cư trú chủ yếu trên các rẻo núi cao ở các huyện Bắc Yên, Thuận Châu, Sông Mã, Mường La, Mộc Châu, Yên Châu (Sơn La). Đây là một trong những dân tộc có ý thức và quan tâm gìn giữ bản sắc dân tộc mình cả về lối sống, nếp sống, phương thức canh tác…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục