YênBái - Tháng Chạp nhìn đám cải ngồng nở vàng ươm dưới đồng, nội tôi lại chống gậy ra thăm vườn. Nội ngó đám lá dong năm nay xem có đẹp không? Mấy quả bưởi tết này liệu chín kịp để bày mâm ngũ quả?
|
Ảnh minh họa
|
Trong bữa cơm tự nhiên như nhớ ra điều gì, nội hỏi: "Cuối năm rồi xem nhà mình còn thiếu nợ ai thì nhớ trả”. Mẹ tôi thì bao nhiêu năm vẫn giữ thói quen bấm ngón tay tính đủ thứ trên đời. Như hôm nay ngồi ngoài hiên gió, mẹ tính xem còn bao nhiêu ngày nữa thì "năm hết tết đến”? Trong chuồng còn bao nhiêu con gà liệu có đủ làm cỗ và biếu quà một vài nơi ơn nghĩa? Còn bố, cả ngày bận rộn đồng áng, lo bừa nốt mấy thửa ruộng để cấy xong trước tết kẻo mạ đã lên cao, xanh mướt. Rảnh lúc nào, bố lại lúi húi chăm vườn hoa trước nhà để mong chúng cứ tươi lâu, rực rỡ bởi bố biết dù cả ngày có vất vả "bán mặt cho đất bán lưng cho trời” thì khi trở về nhà chỉ cần nhìn hoa nở là mẹ tôi đã thấy bớt đi phần cực nhọc.
Những người đàn bà quê tôi dù "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” thì tháng Chạp này nỗi lo toan cũng giống nhau thôi. Thỉnh thoảng dưới cổng lại có tiếng người ới gọi. Mẹ dù bận việc gì cũng bỏ đấy chạy ra, tiếng nhỏ to dưới cổng nhà trở thành quen thuộc trong ký ức của tôi. Thỉnh thoảng tôi ngồi trên cổng nhà chênh vênh lắng nghe cuộc trò chuyện giữa mẹ và những người hàng xóm. Từ chuyện đồng áng, chăn nuôi đến chuyện nghe nói sắp có hội chợ trên huyện. Cô hàng xóm khều tay rủ: "Hay là mai bớt buổi làm đồng để đi chợ hoa? Đi sớm may chăng mới chọn được cành đào đẹp”.
Cũng có khi những tiếng í ới gọi nhau tháng Chạp là để dặn: "Nhà chị năm nay nhiều lá dong đẹp lắm! Tết sang mà cắt, không phải ra chợ mua cho tốn kém”. "Năm nay là em nuôi được con lợn ngon lắm! Tết này chị có ăn đụng thì em phần cho một đùi. Yên tâm ra giêng trả tiền em cũng được. Lo gì”.
Người quê thật thà, rộng lượng, thảo thơm. Có khi trồng một vườn rau cả xóm ăn chung. Đến bữa hết gạo và thức ăn thì chạy vội sang hàng xóm vay tạm. Khoai, sắn chia nhau qua rặng rào. Đi làm đồng bắt được mớ cua ngon giã nấu canh mẹ cũng chia cho hàng xóm. Bao nhiêu năm trôi qua, cuộc sống đã đổi thay nhưng tình người vẫn vậy. Tôi đi xa trở về, bác hàng xóm vẫn bê sang cho đĩa xôi sắn, vài chiếc bánh rán nóng hổi. Tháng Chạp này vẫn í ới gọi nhau san sẻ hạt giống rau, ít hạt tiêu xanh, có mấy xâu nấm hương ngon.
Có lẽ, những điều bình dị ấy đã làm nên bao cái tết ấm áp mà bất cứ ai xa quê cũng thương nhớ khôn nguôi. Nhớ nồi bánh chưng cả xóm gói chung, cùng nhau chẻ lạt, cọ lá, nhóm lửa, canh nồi. Miếng bánh nóng hổi vừa vớt được ăn cùng nhau bao giờ cũng ngon hơn mua chợ. Nhớ cái không khí cùng nhau tát cá đồng những ngày cuối năm ôi chao là vui. Trên những khuôn mặt nấm nem bùn đất nở nụ cười rạng rỡ khi chia nhau từng con cá, mớ tôm. Chia nhau miếng cá nướng ngoài đồng sao mà thơm, mà ngọt. Tết này, nhà mình thắm hoa đào cắt từ vườn nhà bên. Trong mâm cỗ thắp hương tổ tiên thơm thảo cả tình làng nghĩa xóm.
Nhật Mai
Những ngày cuối tháng Chạp, khi trời chưa dứt đông, gian bếp nhà tôi luôn đượm ánh lửa hồng, rộn ràng không khí tết. Tiếng nồi xoong, bát đũa chạm vào nhau, tiếng băm thớt liên hồi, tiếng trò chuyện, tiếng cười đùa, tiếng lửa bên kiềng xèo xèo nhảy nhót… Tôi gọi đó là thanh âm của Tết.
Sáng 2/2, tại Bảo tàng tỉnh, Ban Tổ chức những ngày lễ lớn tỉnh Yên Bái tổ chức khai mạc Hội Báo xuân và các hoạt động trưng bày, triển lãm mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn 2024.
Sau 37 năm kể từ khi ra mắt vở chèo "Hồ Xuân Hương" do Nhà hát Chèo Việt Nam dàn dựng, Đoàn Chèo Hải Phòng trình diễn vở chèo "Xuân Hương nữ sĩ" do NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam dàn dựng.
Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024), tối 31-1, Ban Tuyên giáo Trung ương giao Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức Chương trình nghệ thuật “Giữ trọn niềm tin”.