Mù Cang Chải được biết tới là một trong những huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh với hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc Mông. Để từng bước xoá bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu không còn phù hợp ăn sâu bám rễ trong tiềm thức bao đời của người dân nơi đây được xác định là cuộc cách mạng đối với "Mù Cang Chải”.
Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, huyện Mù Cang Chải đã tập trung mọi nguồn lực để từng bước nâng cao dân trí cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Đến nay, sự nghiệp giáo dục của huyện có bước phát triển, toàn huyện có 39 trường và 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; có 12 trường đạt chuẩn quốc gia, 37/37 đơn vị trường triển khai thực hiện xây dựng mô hình "Trường học hạnh phúc, Trường học du lịch”.
Đồng bào các DTTS đã thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; xóa bỏ được tình trạng hôn nhân cận huyết; tình trạng tảo hôn, đẻ nhiều dần được đẩy lùi. Tất cả các xã có trạm y tế, 12/13 đơn vị đạt chuẩn quốc gia về y tế xã; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 99,3%. Đặc biệt, thực hiện thành công Cuộc vận động "đồng bào Mông ăn chung một tết” vào dịp Tết nguyên đán. Những năm gần đây, 100% các trường học duy trì được đều đặn các hoạt động múa khăn, múa khèn, trải nghiệm và thực hành văn hóa dân tộc trong các giờ thể dục giữa giờ hay các hoạt động ngoại khóa.
Ông Trịnh Thế Bình - Trưởng phòng Văn hoá huyện chia sẻ: "Hằng năm, huyện tổ chức thành công nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ, du lịch, kỷ niệm các ngày lễ lớn như: Lễ hội "Hoa Sơn tra” vào dịp tháng 2, tháng 3; Ngày hội Thống nhất 30/4; các hoạt động văn hóa, du lịch và Festival dù lượn "Bay trên mùa nước đổ” vào tháng 5, tháng 6; Tết Độc lập 2/9 và tuần lễ Văn hóa du lịch Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang tháng 9, tháng 10; Festival Dù lượn "Bay trên mùa vàng"; Festival Khèn Mông tháng 11, tháng 12 âm lịch… thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia”.
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống là một khía cạnh quan trọng trong việc xây dựng đời sống văn hoá ở Yên Bái. Với sự hiện diện của nhiều DTTS, đặc biệt Yên Bái có những nét văn hóa độc đáo và phong tục truyền thống đặc trưng. Việc tổ chức các chương trình và hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị này giúp tạo lập một tinh thần tự hào và nhận thức văn hóa sâu sắc trong cộng đồng.
Xác định rõ được điều này, trong những năm qua, huyện Văn Yên cũng đã vận động nhân dân gìn giữ các giá trị văn hoá tốt đẹp vừa làm phong phú đời sống tinh thần cho người dân vừa thu hút khách du lịch.
Hằng năm, 100% xã, thị trấn đều tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ, giao lưu các câu lạc bộ, các giải thể thao truyền thống mừng Đảng mừng xuân vui tươi, lành mạnh cùng nhiều hoạt động nhân dịp ngày lễ, kỷ niệm như xã Phong Dụ Thượng tổ chức Lễ hội Sắc màu văn hóa các dân tộc; xã Lâm Giang tổ chức màn đại xòe tại Lễ hội đền Phúc Linh; xã Đại Phác tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Tày... Huyện tập trung huy động các nguồn lực Nhà nước và nguồn xã hội để củng cố, nâng cấp các thiết chế văn hóa.
Riêng năm 202, Văn Yên đã khởi công xây dựng 20 nhà văn hóa thôn, 3 nhà văn hóa xã; thực hiện lồng ghép nguồn lực từ Dự án "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” để củng cố các thiết chế văn hóa ở cơ sở. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá tiếp tục được thực hiện có chiều sâu. Đến nay, 92,3% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa đạt 92,3%; 94,77% thôn, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn thôn, tổ dân phố văn hóa.
Bà Nguyễn Thị Tình, xã Yên Hợp chia sẻ: "Cùng với xóa đói giảm nghèo, đời sống tinh thần của người dân ngày càng được quan tâm. Những hủ tục được xoá bỏ, những giá trị văn hoá tốt đẹp được gìn giữ. Chúng tôi vô cùng hài lòng với sự định hướng của cấp ủy, chính quyền địa phương trong xây dựng đời sống văn hoá”.
Xây dựng đời sống văn hoá cùng với tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch văn hóa cũng là một cách để thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội của các địa phương vùng khó của tỉnh. Qua việc phát triển các tour du lịch văn hóa, tổ chức các sự kiện và lễ hội truyền thống, cùng với việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch, Yên Bái có thể thu hút lượng du khách lớn và góp phần phát triển kinh tế địa phương. Sự cam kết và nỗ lực của cộng đồng địa phương đã đóng góp quan trọng vào việc tạo ra một môi trường văn hoá phong phú và đa dạng, góp phần vào sự phát triển và thịnh vượng của địa phương.
Thanh Vy