A - ne - pạ - gờ - bá – Lễ quét ma làng của tộc người Xá Phó

  • Cập nhật: Thứ sáu, 15/6/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Với khoảng 600 người, cư trú tập trung tại thôn Nẫu và thôn Nhầy (Châu Quế Thượng, Văn Yên), người Xá Phó (Phù Lá) ở Yên Bái là một trong những tộc người bản địa có nền văn hóa rất phong phú và đa dạng. Lễ A - ne - pạ - gờ - pá (lễ quét ma làng hay lễ đuổi ma làng) là một trong những lễ hội lớn, đặc sắc và vô cùng quan trọng đối với mỗi người dân nơi đây.

Thiếu nữ dân tộc Xa Phó (Châu Quế Thượng - Văn Yên) với cây sáo mũi. (Ảnh: Tuấn Anh)
Thiếu nữ dân tộc Xa Phó (Châu Quế Thượng - Văn Yên) với cây sáo mũi. (Ảnh: Tuấn Anh)

Ngày tổ chức lễ A - ne - pạ - gờ - bá chính thức vào ngày mồng Một Tết Nguyên đán. Địa điểm là một bãi đất rộng, bằng phẳng, gần bờ suối ngay cổng làng. Vào ngày lễ, tất cả các gia đình trong làng mỗi nhà đều phải đóng góp 1 con gà, 1 lít rượu, 3 ống gạo, thịt lợn để cúng chung và tất cả mọi người đều phải ra nơi tổ chức lễ cúng để chuẩn bị lập đàn cúng, làm bàn thờ và dự lễ.

Để tổ chức nghi lễ, người dân lập một đàn cúng ngay sát mép suối, mặt quay về phía mặt trời mọc (sàn cao khoảng 0,8m, rộng khoảng 40 - 60m2, đủ chỗ cho cả làng ngồi trên sàn, vì ngày trước làng đồng bào Xá Phó nơi đây thông thường có từ 10 - 15 gia đình sinh sống). Tại cổng chính của làng, một cây nêu được dựng lên phía bên phải để treo một chiếc mõ báo và do một người được cử ra để canh giữ. 

Sau khi mọi công việc chuẩn bị hoàn tất, lễ cúng chính thức diễn ra dưới sự chủ trì của thầy cúng. Lễ vật chính trong lễ cúng gồm một mâm cúng chính được đặt trên sàn với 1 con gà luộc, thịt , rượu, dây chỉ hai màu đen và trắng, 1 chiếc mõ gỗ, 1 đoạn dây thừng buộc mõ, hương và giấy, mâm cúng được đặt giữa sàn hướng về phía làng. Tất cả số thực phẩm mang ra đóng góp của các gia đình trong ngày lễ đều phải được ăn hết tại nơi cúng mà không ai mang về bản vì theo quan niệm của người Xá Phó, nếu không ăn hết mà mang về nhà thì sẽ mang theo những điều không may mắn và những rủi ro trong năm mới.

Lễ cúng chính thức bắt đầu vào khoảng 15h. Thầy cúng tiến hành cúng khấn cầu xin các thần linh, thổ công thần đất về phù hộ và giúp đỡ, bảo vệ dân làng trong năm mới gặp nhiều may mắn, khỏe mạnh, làm ăn thuận lợi, nuôi trồng được tốt tươi, không bị các loại chim chóc phá hoại mùa màng và không để các loại ma đói, ma khát về phá quấy.

Thầy mo cúng trong khoảng 15 phút, tiếp đó cầm mõ lên. Cả làng hướng về phía chiếc mõ với niềm tin rằng nó sẽ canh giữ và không cho các ma dữ, vía dữ mang những điều không may mắn, rủi ro về. Cả làng sẽ bầu ra một người có nhiệm vụ canh chừng chiếc mõ trong suốt 15 ngày kiêng của lễ. Người được lựa chọn phải là người cao tuổi, cư trú lâu đời trong làng, ăn ở phúc đức, được dân làng tin tưởng. Theo quan niệm dân gian, ai được chọn làm người canh mõ là một điều vô cùng may mắn cho cả gia đình và dòng họ. Nhiệm vụ của người canh mõ trong 15 ngày đầu năm mới, khi có người lạ vào làng sẽ rung mõ để cho mọi gia đình biết mà đóng cửa, không cho người lạ mang những vía xấu với những sự đen đủi vào nhà. Đối với các tộc người khác cùng cư trú trong vùng, biết được nghi thức kiêng kỵ này nên không bao giờ họ đến bản làng người Xá Phó vào dịp đầu năm mới.

Kết thúc lễ cúng, mọi người đều cúi xuống vái lạy chiếc mõ 3 lần, đồng thời mỗi người đều khấn với đại ý như: “... Nhờ mõ trông bản làng cho yên ổn, tốt đẹp... làm ăn phát tài... được mùa no đủ... không bị dịch bệnh thiên tai, mất mùa...”.

 Sau đó, thầy mo sẽ tiến hành nghi thức buộc chỉ vía cho mõ. Thầy mo lấy hai đoạn chỉ đen và chỉ trắng trên mâm cúng buộc vào hai đầu của chiếc mõ. Thông qua đó, các thần linh sẽ bảo vệ mõ và bảo vệ dân làng trong năm mới. 

Cúng xong, thầy mo giao mõ và dây mõ cho người đã được lựa chọn canh mõ. Người này sẽ cùng hai thanh niên mang mõ ra cây nêu được dựng trước cổng làng và từ đó người canh mõ phải có nhiệm vụ gác cổng làng trong 15 ngày.

Kết thúc nghi lễ, cả làng cùng nhau ăn uống vui vẻ cho tới tận khuya. Trong lúc ăn uống, vui chơi cũng diễn ra các hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian với các điệu xòe xình-xi-bá truyền thống, các làn điệu dân ca hòa quyện âm thanh độc đáo của tiếng sáo mũi cúc-ke và tiếng kèn bầu ma-nhí.

Nền kinh tế thị trường đã tác động nhanh chóng vào mọi mặt đời sống của đồng bào Xá Phó nơi đây, đã làm mai một và mất dần các giá trị di sản văn hóa truyền thống, trong đó có lễ A-ne-pạ-gờ-bá. Ngày nay, nghi lễ này không còn được tổ chức long trọng như trước đây, mọi nghi thức, nghi lễ diễn ra đơn giản, gọn nhẹ và không còn là mỗi năm một lần mà khoảng vài ba năm mới tổ chức một lần. Các cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản phi vật thể đặc sắc, trong đó có những nét văn hóa của tộc người Xá Phó như đã đề cập để góp phần phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nguyễn Mạnh Hùng

Các tin khác

YBĐT - Tiếp theo việc tổ chức tốt đợt tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII và các hoạt động chào mừng kỷ niệm 115 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2007), Đội thông tin lưu động thuộc Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh vừa dàn dựng chương trình văn nghệ cổ động với chủ đề "Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai" và tổ chức thành công đợt biểu diễn tuyên truyền phục vụ thiếu nhi các xã vùng cao huyện Văn Chấn và xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu, nhân Tháng hành động vì trẻ em và Ngày quốc tế thiếu nhi 1/6.

Màn trình diễn trang phục dân tộc của các đoàn tại Hội diễn.

YBĐT – Vừa qua, tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện Lục Yên đã diễn ra Hội diễn nghệ thuật quần chúng (NTQC) lần thứ VII.

(Ảnh: Minh Tiến)

YBĐT - Vừa qua, huyện Văn Yên đã tổ chức thành công hội diễn cấp cơ sở và cấp huyện. Đến ngày 30/04/2007 có 27/27 xã, thị trấn tổ chức xong hội diễn cấp xã với 635 tiết mục, 395 diễn viên, nghệ nhân ở cơ sở tham gia phục vụ trên 50.000 khán giả và nhân dân đón xem, chọn ra 82 tiết mục tiêu biểu của các loại hình nghệ thuật gồm: song ca, tốp ca, múa, ngâm thơ, đặc biệt có 49 tiết mục dân gian truyền thống và tự biên của 27 đoàn nghệ thuật tham gia hội diễn cấp huyện. Các tiết mục tham gia đã thể hiện sinh động bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện.

YBĐT - Dân tộc Tày vùng sông Chảy Yên Bình, Lục Yên (Yên Bái) và Hà Giang, Tuyên Quang từ xưa nhờ cánh én gửi cho người thương ở nơi xa những "phong sjư" mang nặng nỗi niềm thương nhớ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục