Cả đội chiếu phim lưu động của Trung tâm có 10 người, chia làm 3 tổ. Điểm đến của Tổ chiếu phim lưu động số 1 do anh Lê Xuân Tặng - Đội trưởng Đội chiếu phim lưu động dẫn đầu là xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên. Xã có 8 thôn thì 6 thôn nằm danh sách thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025.
Thôn Làng Chạp, xã Khánh Hòa hôm nay rộn ràng vì biết buổi tối có đoàn chiếu phim đến. Nhà nhà đều chủ động ăn cơm tối thật sớm. Trẻ con, người già háo hức ra vào ngóng chờ. Sau khi công tác chuẩn bị cho buổi chiếu phim hoàn tất, màn hình lớn 350 inch đã được căng lên trước sân điểm Trường tiểu học Làng Chạp thì tổ chiếu phim mới dành cho mình khoảng thời gian lo chỗ ăn, ngủ buổi tối.
Chị Nguyễn Thị Hồng Thủy - thành viên nữ duy nhất của đội chiếu bóng kiêm bếp trưởng tâm sự: "Đi đâu, anh em chúng tôi cũng mang theo đồ nấu ăn đơn giản, gọn nhẹ. Nếu ở những nơi gần trung tâm thì mua cơm hộp đạm bạc nhưng mọi người vẫn rất vui vì tình cảm nồng ấm của bà con”.
18 giờ 30 phút, bộ phim hoạt hình "Anh Kim Đồng” bắt đầu khởi chiếu. Khỏi phải nói, đám trẻ con trong thôn vui biết chừng nào. Chúng hân hoan, hồ hởi, mắt dán vào màn hình. Mỗi hình ảnh về anh Kim Đồng mưu trí đánh lạc hướng, lừa địch tập trung lực lượng và hoả lực về phía mình, đồng thời phát tín hiệu cho các đồng chí cán bộ rút lui an toàn như hút hồn bọn trẻ. Để rồi, khi bộ phim kết thúc, chúng hẫng hụt, tiếc nuối.
Cháu Hoàng Bảo Châu, học sinh lớp 4, thôn Làng Chạp cho biết: "Chúng cháu rất vui vì được xem phim về anh Kim Đồng trên màn ảnh rộng và to như vậy. Chúng cháu rất muốn được xem nhiều phim như thế về các anh hùng dân tộc trẻ tuổi và mong các cô chú đội chiếu bóng thường xuyên về quê chúng cháu để chiếu phim cho chúng cháu và ông bà, bố mẹ nữa”.
Chứng kiến mọi hoạt động từ khi tổ chiếu phim đến, tranh thủ lúc bộ phim hoạt động ổn định, tôi quay hỏi Đội trưởng Lê Xuân Tặng: "Mỗi tối đội mình tổ chức được một bộ phim thế này thì e rằng bà con "thèm” phim lắm nhỉ? Biết bao giờ bà con ở 122 thôn, bản đặc biệt khó khăn của tỉnh mới được xem phim?”.
Anh Tặng nói nhanh: "Một năm chúng tôi tổ chức nhiều đợt đi về cơ sở chiếu phim cho đồng bào lắm. Hầu như thôn, bản nào cũng đến, ít nhất đến 1 lần/năm. Ví như lúc này, trong khi chị và bà con đang xem những thước phim ở đây thì trên thôn Háng Đăng Dê, xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải và và thôn Ngàn Vắng, xã Xuân Tầm, huyện Văn Yên, anh em tổ 2 và 3 trên đó cũng đang chiếu phim cho đồng bào xem đấy”.
Vừa nói, Tặng vừa rút điện thoại gọi Zalo video lần lượt cho tôi gặp các đồng nghiệp ở 2 điểm còn lại. Sau vài phút thông tin gián đoạn, cuối cùng tôi cũng gặp được tín hiệu từ anh Hà Đình Khiêm - Đội phó Đội chiếu bóng, kiêm tổ trưởng tổ 3 đang chiếu phim tại nhà văn hóa thôn Háng Đăng Dê, xã Kim Nọi.
Còn tại điểm số 2, thôn Ngàn Vắng, xã Xuân Tầm, huyện Văn Yên, anh Phạm Văn Hòa - Đội phó, kiêm tổ trưởng tổ 2 cũng cho xem cả khoảng sân trước nhà văn hóa thôn đông kín người đang theo dõi bộ phim "Nhìn ra biển cả”.
Quả đúng như lời đội trưởng Lê Xuân Tặng giới thiệu ban đầu, mỗi tổ chỉ có 3 người nhưng điều họ đang làm và mang đến cơ sở quả là cả một "công trình” kết tinh của sự đam mê, yêu nghề, vượt lên trăm ngàn vất vả.
Theo bảng ghi chép của Đội chiếu bóng lưu động, năm 2023, Đội đã tổ chức chiếu được trên 200 buổi chiếu lưu động. Trong 4 tháng đầu năm 2024 đội thực hiện được trên 70 buổi chiếu chủ yếu là những bộ phim do Cục Điện ảnh cấp.
Những ngày cuối tháng Tư, đầu tháng 5/2024, bên cạnh những hoạt động lễ hội sôi động diễn ra, hoạt động chiếu bóng vẫn được thực hiện ở những nẻo xa sôi của tỉnh. Đồng nghĩa với đó là sự hiện diện của anh em trong đội có mặt ở cơ sở những ngày đó, chưa kể việc đi lại mới thấy họ yêu nghề, gắn bó với nghề và hy sinh thầm lặng biết nhường nào.
Bà Đỗ Thị Thanh Hương - Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh cho biết: " Trung tâm Văn hóa tỉnh đã động viên anh em trong Đội chiếu bóng phát huy tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình với công việc, yêu nghề nghiệp, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cùng đó sự vào cuộc hỗ trợ của chính quyền, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở; phối hợp chặt chẽ với phòng văn hóa - thông tin đã giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ”.
Để các buổi chiếu phim được thuận lợi, công tác chuẩn bị bãi cũng được tiến hành kỹ càng, sắp xếp ghế ngồi hợp lý, có quạt mát, ánh sáng phù hợp, tạo tâm lý thoải mái cho người xem. Cùng đó, trước khi chiếu phim, Đội chiếu bóng đều lồng ghép phát các đoạn video clip, tuyên truyền về phòng chống ma túy, xóa bỏ tập tục lạc hậu, sinh đẻ có kế hoạch, an toàn giao thông, cảnh báo lừa đảo, vệ sinh cá nhân, môi trường, chống chống cháy rừng, khuyến nông… bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc tùy theo địa bàn.
"Để nâng cao hiệu quả của hoạt động chiếu bóng lưu động, anh em trong đội không ngừng học tập, nghiên cứu ứng dụng những thiết bị chiếu phim hiện đại. Đồng thời, tham mưu với Trung tâm tìm nguồn phim tốt, đề tài hấp dẫn, phù hợp với nhiều đối tượng người xem nhằm phục vụ kịp thời nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh; từ đó việc tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, các nhiệm vụ chính trị của địa phương đến với người dân trực tiếp và hiệu quả hơn” - anh Lê Xuân Tặng chia sẻ thêm.
Háo hức chờ đợi những buổi chiếu đến vùng cao, nuối tiếc sau khi buổi chiếu kết thúc…, những buổi chiếu phim lưu động đã góp phần đem lại món ăn tinh thần tới cho bà con. Điều đó cũng khẳng định sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ của Trung tâm văn hóa tỉnh trong công tác tuyên ở những địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng xa trong toàn tỉnh.