Không ít vướng mắc
Thông tư số 04/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực từ 19/3/2023. Đây được coi là văn bản pháp lý quan trọng góp phần quản lý minh bạch tiền công đức, tài trợ nhưng không cản trở các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng.
PGS.TS Phạm Ngọc Trung, nguyên Trưởng khoa Khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, khẳng định, công đức tại các cơ sở thờ tự là nét sinh hoạt văn hóa của người dân Việt Nam. Trước đây, việc quản lý và sử dụng tiền công đức gần như không được công khai, minh bạch. Điều này dẫn đến tình trạng nơi thu tiền công đức trăm tỷ đồng, chỗ nhỏ giọt, có nơi làm tốt, nơi chưa tốt. Đến khi Thông tư 04 có hiệu lực, công tác này mới được điều chỉnh bởi những quy định có tính pháp lý rõ ràng hơn. "Thông tư tạo điều kiện cho các cơ sở thờ tự, di tích nâng cấp, tu bổ, đồng thời tạo sự thống nhất trong dân chúng. Đây là giải pháp tạo hành lang pháp lý ban đầu, giúp công khai, minh bạch tiền công đức, để nét sinh hoạt văn hóa này văn minh, tiến bộ hơn”, ông Trung nói.
Tuy nhiên, sau hơn một năm áp dụng, Thông tư số 04 bộc lộ những hạn chế nhất định. Ngoài những cơ sở thờ tự lớn, tại những chùa nhỏ, lẻ, công tác quản lý còn khó khăn, đòi hỏi vai trò và tinh thần tự giác của thủ nhang, thủ từ. "Có nhiều trường hợp, tiền công đức nhỏ lẻ khó thống kê chính xác ngay lập tức, hoặc một số cá nhân muốn phát tâm công đức số tiền lớn nhưng lại có nhu cầu giữ bí mật danh tính”, ông nêu.
Ở một số địa phương, công tác quản lý, giám sát tiền công đức ở các di tích còn nhiều bất cập. Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Bình, năm 2023 một số di tích chưa mở tài khoản ngân hàng, tài khoản tại kho bạc để tiếp nhận hoặc theo dõi riêng những khoản tiền thu, chi từ nguồn thu công đức.
Với các di tích được giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, hoặc ban quản lý di tích kiêm nhiệm quản lý, công tác theo dõi, quản lý, giám sát và điều hành tiền công đức được quan tâm. Địa phương giám sát kỹ việc tổ chức định kỳ kiểm đếm tiền trong hòm công đức, có sự giám sát của các bên liên quan. Tuy nhiên, nhiều nơi chưa có đầy đủ biên bản kiểm kê khi mở hòm tiền công đức cũng như kiểm đếm tiền.
Bên cạnh đó, nhiều di tích chưa có báo cáo đầy đủ số thu, chi hằng năm; một số di tích có báo cáo thu, chi nhưng các khoản công đức khác chưa được báo cáo cụ thể, một số di tích không có báo cáo thu, chi tiền công đức khi đoàn kiểm tra yêu cầu báo cáo...
UBND tỉnh Ninh Bình đề nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể, chi tiết về vấn đề quản lý tiền công đức, tiền tài trợ đối với di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo, và xem xét có chế tài xử lý các trường hợp không thực hiện đúng quy định trong quản lý tiền công đức.
Nhiều nước được giám sát chặt chẽ, quản lý minh bạch
Một số quốc gia có thể quy định về việc đăng ký và quản lý các tổ chức tôn giáo, bao gồm cả việc giám sát các hoạt động tài chính của họ. Ở Mỹ, các tổ chức tôn giáo phải đăng ký với chính quyền liên bang và tuân thủ quy định về thuế và luật pháp tài chính. Các tổ chức tôn giáo cũng cần tuân thủ quy tắc liên quan việc sử dụng tiền công đức và hoạt động từ thiện.
Ở Anh, cơ quan từ thiện và cơ quan quản lý từ thiện có trách nhiệm giám sát các tổ chức tôn giáo từ thiện, đảm bảo tính minh bạch trong việc quản lý tài chính và hoạt động từ thiện của họ. Trung Quốc đã thiết lập quy định chặt chẽ về việc đăng ký và quản lý các tổ chức tôn giáo trong nước, cũng như giám sát tài chính của các tổ chức tôn giáo để đảm bảo sự tuân thủ quy định pháp luật. |
Giám sát chặt chẽ, đảm bảo sự minh bạch
Sau những lùm xùm về nguồn thu, đặc biệt là tiền công đức tại một số di tích, đền, chùa, người dân luôn mong muốn một cơ chế minh bạch, công khai tiền công đức và các khoản chi từ nguồn thu của các cơ sở tôn giáo. Từng có sự việc nhà sư cầm sổ đỏ của chùa, vay tiền tỷ của Phật tử để xây chùa sau đó không thể hoàn trả. Có những người tiếp nhận lấy tiền công đức để mua ô tô, xây nhà để xe...
Tiền công đức thường được đóng góp với lòng tin, mục tiêu hỗ trợ tu bổ, phát huy giá trị của di tích. Việc sử dụng khoản tiền này cho những mục đích cá nhân có thể gây ra sự phản ứng từ phía người dân. Vì vậy, cần giám sát chặt chẽ để tiền công đức không bị sử dụng trái mục đích.
"Tiền công đức không phải nguồn tiền nhỏ. Đây là nguồn lực cùng ngân sách nhà nước phát triển cơ sở vật chất đền chùa, di tích ở địa phương, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân. Các địa phương phải nghiên cứu, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các ban quản lý di tích. Các thành viên ban quản lý cần được đào tạo chuyên môn về chức năng quản lý tài chính. Ngoài ra, hệ thống thanh tra, kiểm tra cũng nên được củng cố”, ông Trung nhận định.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho rằng, các tổ chức tôn giáo nên đặt chuyện tiền công đức trong xu thế chung - những người làm thiện nguyện càng ngày càng ý thức hơn về việc tiền của mình được sử dụng ra sao. "Khi nhà hảo tâm biết chính xác tiền công đức của họ được sử dụng vào những hoạt động gì, họ sẽ cảm thấy tự tin và thoải mái hơn trong việc đóng góp và hỗ trợ các hoạt động từ thiện. Việc minh bạch cũng nâng cao hiệu quả sử dụng tiền công đức, phòng tránh các hành vi gian lận và lạm dụng tiền công đức”, ông Sơn nói.
Các chuyên gia đề xuất có thêm quy định để điều chỉnh việc trao đổi và nhận tiền công đức. Những quy định này có thể do các tổ chức tôn giáo hoặc cơ quan nhà nước đề xuất và áp dụng. "Dù việc nhận tiền công đức thường là một công việc dân sự và mang tính cá nhân trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, nhưng trong một số tình huống cụ thể, chúng ta có thể xem xét thiết lập các quy định dưới luật để điều chỉnh hoạt động này, nhất là khi liên quan đến các hoạt động tài chính trong cộng đồng, của nhân dân”, ông Sơn nhận định.
(Theo TPO)