Sáng 3-7, tại Hà Nội, Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp UBND tỉnh Thanh Hóa họp báo công bố về Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XVI-2024
Liên hoan Phát thanh toàn quốc là hoạt động nghiệp vụ của ngành Phát thanh Việt Nam, được tổ chức định kỳ 2 năm/lần, nhằm phát hiện, tôn vinh những tác giả, tác phẩm xuất sắc của những người làm báo phát thanh cả nước. Đây còn là cơ hội để các nhà báo, biên tập viên, phóng viên giao lưu, học hỏi, góp phần nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh.
Phát biểu tại họp báo, nhà báo Trần Minh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XVI cho biết, liên hoan năm nay lấy chủ đề "Phát thanh Việt Nam - Đa dạng trong chuyển đổi số”. Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định rõ, chuyển đổi số báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, thực hiện tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước, bảo đảm vai trò dẫn dắt định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng, đổi mới trải nghiệm của độc giả, tạo nguồn thu mới cho ngành công nghiệp nội dung số.
"Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích cho những người làm báo chí nói chung và phát thanh nói riêng, đó là tăng khả năng tiếp cận của công chúng, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, nội dung chương trình, phương thức thể hiện trong quá trình sản xuất chương trình; đồng thời, tăng khả năng tương tác, tham gia của công chúng vào các hoạt động báo chí, từ đó tạo ra những mô hình kinh doanh mới”, ông Trần Minh Hùng nhấn mạnh.
Năm nay có 81 đơn vị (gồm 63 Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, thành phố; các đơn vị của Đài Tiếng nói Việt Nam, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội nhân dân, Cục Truyền thông Công an nhân dân) tham dự với 380 tác phẩm, thuộc 6 thể loại là phóng sự, chương trình chuyên đề, phỏng vấn, chương trình phát thanh tiếng dân tộc, câu chuyện truyền thanh, chương trình phát thanh trực tiếp và 5 hạng mục giải thưởng, gồm ứng dụng nền tảng số, podcast, kỹ thuật dàn dựng xuất sắc, giọng vàng, người dẫn chương trình xuất sắc. Đặc biệt, liên hoan có sự tăng mạnh của chương trình phát thanh trực tiếp và chương trình phát thanh tiếng dân tộc.
Theo nhận định của Ban tổ chức, các tác phẩm dự thi liên hoan có sự đồng đều về chất lượng. Các đề tài đều đúng, trúng và mang tính thời sự, dàn dựng công phu và có nhiều đổi mới, sáng tạo. Năm nay, lần đầu tiên hạng mục podcast được đưa vào liên hoan để trao thưởng, với mong muốn khích lệ sự phát triển đa dạng của các loại hình truyền thông, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của công chúng.
Sau vòng sơ khảo được tổ chức tại tỉnh Tuyên Quang, Ban giám khảo đã lựa chọn 228 tác phẩm của 81 đơn vị lọt vào vòng chung khảo, trong đó có 53 tác phẩm phóng sự, 28 tác phẩm phỏng vấn, 30 câu chuyện truyền thanh, 48 chuyên đề phát thanh, 32 chương trình phát thanh tiếng dân tộc và 37 chương trình phát thanh trực tiếp.
Lễ khai mạc Liên hoan Phát thanh toàn quốc được truyền hình trực tiếp trên các kênh VTC1, VOVTV, TTV; phát thanh trực tiếp trên VOV1, VOV2, VOV3; trực tuyến trên Báo Điện tử VOV.VN, VTCNews, ứng dụng VOV Live, VOV Media và các nền tảng số khác của Đài Tiếng nói Việt Nam...
Trong khuôn khổ liên hoan còn có nhiều hoạt động nghiệp vụ, văn hóa, thể thao, như hội thảo quốc tế "Chuyển đổi số phát thanh: Thực tiễn quốc tế và Việt Nam” (ngày 12-7), chương trình "Giao lưu những người yêu nghệ thuật chèo toàn quốc lần thứ IX năm 2024” (tối 12-7), giải chạy "Vì làn sóng khỏe” (sáng 12-7).
(Theo HNMO)