“Nhớ về Hà Nội” - Ca khúc làm rung động triệu trái tim người yêu nhạc

  • Cập nhật: Thứ năm, 10/10/2024 | 7:42:44 AM

Không biết từ bao giờ những giai điệu trữ tình ngọt ngào của bài hát “Nhớ về Hà Nội” đã làm rung động triệu trái tim người yêu nhạc. Hình như ai cũng tìm thấy ở bài hát này những kỷ niệm thân thương về một Hà Nội, về một thủ đô yêu dấu của riêng mình. Vượt qua thời gian và không gian, ca khúc đã lắng lại một điều gì thật thiêng liêng trong lòng người.

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp, tên thật là Lưu Trần Nghiệp. Ông sinh ngày 1/10/1931 tại xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Nhạc sĩ tham gia cách mạng năm 1945, bắt đầu sáng tác từ năm 1948. Ông đã tập kết ra Bắc 20 năm (1955-1975) sau đó về công tác tại NXB Âm nhạc TP Hồ Chí Minh, Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh và từng là Tổng Thư ký hội. Năm 2000, nhạc sĩ Hoàng Hiệp được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Ông là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của dòng nhạc cách mạng Việt Nam, với nhiều tác phẩm phản ánh những giai đoạn thay đổi của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20 như: "Câu hò bên bờ Hiền Lương", "Lá đỏ", "Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây", "Cô gái vót chông" (thơ Moly Clavy), "Em vẫn đợi anh về"…

Ngược dòng thời gian những năm nhạc sĩ sống ở Miền Bắc, trong 20 năm ông đã cho ra đời khoảng 100 ca khúc, cả sáng tác và phổ nhạc cho thơ với những ca khúc phản ánh cuộc sống chiến đấu trong thời kỳ đất nước chiến tranh như: "Ngọn đèn đứng gác" (thơ Chính Hữu), "Qua cầu Tùy Cốc", "Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây", "Tiểu đội xe không kính" (thơ Phạm Tiến Duật), "Em vẫn đợi anh về" (thơ Lê Giang), "Lá đỏ" (thơ Nguyễn Đình Thi)… những bản tình ca, sau đó đều được người yêu nhạc yêu mến như "Con đường có lá me bay”, "Hoa hồng”, "Nơi anh gặp em”…

Ca khúc "Nhớ về Hà Nội" được nhạc sĩ sáng tác năm 1983. Nhạc sĩ từng kể: "Sau năm 1975, tôi đưa gia đình trở về Nam sinh sống. Mãi đến 8-9 năm sau, trong một lúc nhớ lại những năm tháng sống ở Hà Nội, cảm xúc tự nhiên tuôn trào khiến tôi viết nên "Dù có đi bốn phương trời. Lòng vẫn nhớ về Hà Nội...". Cho đến tận bây giờ, khi nghe ca khúc này, cảm xúc của tôi về Hà Nội vẫn còn nguyên vẹn”.

Nhiều ca từ trong bài hát "Nhớ về Hà Nội” là lời kể chân tình, mộc mạc về Hà Nội một thời đạn bom đã gắn bó với gia đình ông, với người vợ thân yêu: "Nhớ những cơn mưa dài cuối đông, áo chăn chưa ấm thân mình/ Và nhớ lúc bom rơi thời chiến tranh, đất rung ngói tan gạch nát/ Em vẫn đạp xe ra phố, anh vẫn tìm âm thanh mới/ Bài hát đôi ta là khúc quân ca, là ước mơ xa hướng lên Ba Đình, tràn niềm tin...”.

Ông từng chia sẻ: "Đó là âm thanh quen thuộc mà mỗi sáng chủ nhật, bà ấy bế con lên xe điện ra phố Thụy Khuê, ra đường Cổ Ngư. Giữa tiếng đạn bom mà "em vẫn đạp xe ra phố"... Đó là mối tình của tôi với bà ấy”.

Trong lá thư viết ngày 27/8/2002 gửi về chuyên mục "Bạn yêu nhạc bình nhạc” của chương trình ca nhạc theo YCTG, cảm nhận về bài hát "Nhớ về Hà Nội” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, bạn Vũ Đình Thủy ở đội 6, Hợp Thành, Triệu Sơn, Thanh Hóa viết: "Không biết từ bao giờ những giai điệu trữ tình ngọt ngào của bài hát "Nhớ về Hà Nội” đã làm rung động triệu trái tim người yêu nhạc. Hình như ai cũng tìm thấy ở bài hát này những kỷ niệm thân thương về một Hà Nội, về một thủ đô yêu dấu của riêng mình. Vượt qua thời gian và không gian ca khúc đã lắng lại một điều gì thật thiêng liêng trong lòng người.

"Dù có đi bốn phương trời

Lòng vẫn nhớ về Hà Nội

Hà Nội của ta

Thủ đô yêu dấu

Một thời đạn bom, một thời hòa bình”.



Nhớ về Hà Nội không chỉ là nỗi nhớ về một chiều hoàng hôn Hồ Tây một sớm mai ẩn hiện trong sương mà còn về một thời khói lửa chiến tranh cũng thật đẹp và thật hào hùng. Và trong những kỷ niệm ấy, đâu là kỷ niệm của riêng ta…

"Nhớ phố Thâm Nghiêm rợp bóng cây

Tiếng ve ru những trưa hè

Và nhớ những công viên vừa mới xây

Bước chân em chưa mòn lối”.

Ôi thân thương quá với tất cả những ai đã từng sống gắn bó với Hà Nội... Những góc phố vang tiếng nhạc ve mỗi độ hè về, hay con đường rợp bóng hàng me, hay mùi hoa sữa thơm nồng mỗi độ thu sang… Tất cả đã trở thành nguồn thi hứng cho người nhạc sĩ tài hoa. Phải chăng chất thơ và chất nhạc đã hòa quyện làm một mang đến cho người nghe giai điệu ngọt ngào. 

"Nhớ về Hà Nội” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp như một thông điệp giữa quá khứ và hiện tại, giữa chiến tranh và hòa bình đã làm xúc động lòng người qua nhiều thế hệ… Chiến tranh có thể làm ngói tan gạch nát nhưng không phá được niềm tin và sự lạc quan-niềm tin của người chiến thắng.

"… nhớ lúc bom rơi lửa chiến tranh

Đất rung ngói tan gạch nát

Em vẫn đạp xe ra phố

Anh vẫn tìm âm thanh mới

Bài hát đôi ta là khúc quân ca

Là ước mơ xa hướng lên Ba Đình

Tràn niềm tin”.

Tuổi trẻ Hà Nội và tuổi trẻ cả nước hôm nay luôn giữ niềm tin son sắt và trọn vẹn vào một Hà Nội yêu dấu trong quá khứ và tương lai.

"Dù có đi bốn phương trời

Lòng vẫn nhớ về Hà Nội

Hà Nội của ta

Thủ đô yêu dấu

Một thời đạn bom một thời hòa bình”.

Nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu trong bộ sách "Âm nhạc Việt Nam: Tác giả -tác phẩm" cũng đánh giá rằng chưa có bài hát địa phương nào do nhạc sĩ Hoàng Hiệp sáng tác (kể cả miền Nam quê hương ông) lại được yêu thích như "Nhớ về Hà Nội".

Năm 2000, nhạc sĩ Hoàng Hiệp được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm "Câu hò bên bờ Hiền Lương”, "Cô gái vót chông”, "Ngọn đèn đứng gác”, "Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, "Viếng Lăng Bác” và "Nhớ về Hà Nội”.

(Theo VOV)

Các tin khác
Các đồng chí lãnh đạo chụp ảnh với các em học sinh trong lễ khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội.

Chiều 9/10, Báo Nhân Dân tổ chức Lễ khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội và giới thiệu phụ san đặc biệt dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Triển lãm sẽ mở cửa tự do đón khách tham quan từ 9/10 đến 13/10/2024 tại trụ sở Báo Nhân Dân, số 71 Hàng Trống, Hà Nội.

Mẫu bộ tem.

Mẫu tem được thiết kế lấy cảm hứng từ phong cách xếp giấy, sử dụng họa tiết tam giác với sắc hồng, xanh dương và tím chồng lớp tạo hình chim bồ câu đưa thư, hình ảnh tiêu biểu của ngành bưu chính.

Lễ khai mạc Triển lãm Sách tại Thư viện Quốc gia vào ngày 9/10.

500 tư liệu quý hiếm cùng 2.850 tên sách, bộ sách có giá trị của các tác giả trong và ngoài nước, trong đó có 205 tựa sách viết về Thủ đô được trưng bày tại Triển lãm Sách chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10//2024).

Báo Nhân Dân nhận Giải thưởng đổi mới và phát triển báo in bền vững 2024 với phụ san panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh báo in thế giới 2024 do Diễn đàn báo in thế giới-Hiệp hội báo chí thế giới (WAN-IFRA) tổ chức trong hai ngày 8 và 9/10 tại Cung điện Niederösterreich ở thủ đô Viên (Cộng hòa Áo), phụ san panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ của Báo Nhân Dân được Giải thưởng đổi mới và phát triển báo in bền vững 2024 vinh danh ở hạng mục “Sản phẩm xuất sắc nhất dành cho độc giả trẻ”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục