Bảo tàng sinh thái, văn hoá dân tộc và ruộng bậc thang” Mù Cang Chải: Sẽ không chỉ là ý tưởng?
- Cập nhật: Thứ sáu, 3/8/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Lên Mù Cang Chải, nơi có những dải ruộng bậc thang cao vút hoà trong mây núi bốn mùa cảnh sắc nao lòng, chắc hẳn bạn không khỏi ngạc nhiên bởi chỉ với khoảng đất 2 mét vuông ở độ cao gần 2.000 m, người Mông cũng be bờ trồng lúa nước.
Ruộng bậc thang dưới chân đèo Khau Phạ (Mù Cang Chải). (Ảnh: Minh Đức)
|
Để mọi người hiểu sâu sắc về ruộng bậc thang, một nền văn minh khởi phát cách nay khoảng 2.000 năm, Sở Văn hoá - Thông tin Yên Bái đã phối hợp với Cục Di sản văn hoá và huyện Mù Cang Chải đang có ý tưởng xây dựng “Bảo tàng sinh thái, văn hoá dân tộc và ruộng bậc thang”...
Trung tâm văn hoá Ruộng bậc thang sẽ được ưu tiên hàng đầu trong xây dựng Bảo tàng thông qua tài trợ từ nhiều nguồn trong nước kể cả nước ngoài. Dự định, Trung tâm sẽ được xây dựng tại khu vực xã Dế Xu Phình, cách nơi thành lập Đội du kích Khau Phạ về hướng tây 15 km, cách thị trấn huyện lỵ về hướng Tây Bắc 20 km. Diện tích của Trung tâm gồm 3 xã: La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình - là nơi chiếm trên 90% là dân tộc Mông.
Đây là nơi có thắng cảnh ruộng bậc thang kỳ vĩ, sinh thái, khí hậu nửa ôn đới, tiện lợi về giao thông. Người dân của các xã này chính là những chủ nhân của di sản văn hoá Ruộng bậc thang, có truyền thống lịch sử văn hoá lâu đời, là chủ thể sáng tạo và gìn giữ những giá trị văn hoá bản địa độc đáo của Mù Cang Chải. Trung tâm sẽ là nơi truyên truyền giáo dục cộng đồng và du khách bảo vệ, gìn giữ bản sắc dân tộc, cảnh quan môi trường và ruộng bậc thang, một di sản văn hoá quốc gia; bảo tồn, giới thiệu các giá trị văn hoá người Mông, bao gồm văn hoá truyền thống và văn hoá đời thường.
Điểm sinh hoạt văn hoá của nông dân xã La Pán Tẩn, Dế Xu Phình, Chế Cu Nha - nơi giao lưu văn hoá giữa nông dân 3 xã trong khu vực với cộng đồng các dân tộc và du khách; thu hút học sinh, sinh viên, nông dân, các nhà khoa học đến thăm quan học tập, nghỉ ngơi, nghiên cứu trao đổi kinh nghiệm. Khu vực trưng bày, trình diễn văn hoá bản địa (phối hợp với Bảo tàng tỉnh Yên Bái, Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam) phục vụ du khách; đồng thời, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nhân dân 3 xã và các xã quanh vùng.
Hoạt động chính của Trung tâm là tổ chức các buổi họp, hội thảo, nói chuyện chuyên đề, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, nghề rừng, chiếu phim… giữa cộng đồng người Mông với nhau, giữa nông dân 3 xã với các xã khác; trưng bày, triển lãm cố định và theo chuyên đề giới thiệu các giá trị văn hoá người Mông, các hình thức kiếm sống, các dụng cụ sản xuất và cuộc sống đời thường của người Mông.
Phần trưng bày cố định, Trung tâm sẽ giới thiệu các chủ đề cụ thể về: tự nhiên và con người, các phương thức sản xuất, kiếm sống của nông dân Mông; đời sống vật chất của nông dân; ruộng bậc thang với cuộc sống; nghề lâm sinh; tâm linh và cuộc sống tinh thần; cho hôm nay và cho mai sau.
Phần trưng bày theo chuyên đề sẽ thay đổi nội dung theo từng chủ đề, đề tài, thời điểm, sự kiện lịch sử, cuộc sống văn hoá của người Mông. Ví dụ: Mù Cang Chải trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; phụ nữ Mù Cang Chải trong hoạt động xã hội và tổ chức cuộc sống gia đình… Đồng thời, Trung tâm trình diễn các hoạt động sản xuất, săn bắn, các phương pháp làm nghề thủ công truyền thống… Đặc biệt, có các làn điệu hát giao duyên, lễ hội Gầu tào, múa khèn, thổi sáo, thổi khèn lá, khèn môi, đánh quay… độc đáo do chính người Mông Mù Cang Chải trình diễn.
Các hoạt động sản xuất, hái lượm, văn nghệ dân gian làng người Mông, phong tục tập quán, lễ hội, tín ngưỡng sẽ diễn ra thông qua các phim tài liệu nghệ thuật. Tại đây, du khách cùng nông dân sống trong không khí, bối cảnh làng bản thực thụ, cảm nhận mình là nông dân làm ruộng bậc thang, cày, bừa, cấy, hái, tạo đồ trang sức, dệt lanh… tham quan, ăn, ngủ trong bản, tập hát, thổi khèn, múa khèn.
Trung tâm còn là nơi giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc, dành cho học sinh, sinh viên, nhà khoa học đến nghiên cứu, tìm hiểu về các giá trị, tiềm năng của Mù Cang Chải. Trung tâm còn có các dịch vụ du lịch đa dạng, phong phú như bán hàng lưu niệm, đồ chơi, cưỡi ngựa tham quan làng bản, ăn uống…
Nông dân 3 xã canh tác ruộng bậc thang sẽ trực tiếp quản lý, phục vụ tại Trung tâm. Họ có trách nhiệm bảo tồn, khôi phục, tham gia trình diễn những giá trị văn hoá dân tộc mình, quản lý các hoạt động, bảo vệ phát huy giá trị di sản văn hoá, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong cuộc sống, được thưởng thức, tham gia các hoạt động du lịch, dịch vụ tăng thu nhập cải thiện đời sống. Có thể, Trung tâm sẽ là mô hình đầu tiên ở Tây Bắc phù hợp với bối cảnh thực tế quản lý, bảo tồn phát huy di sản dân tộc học, ruộng bậc thang cả trước mắt và lâu dài.
Ý tưởng xây dựng phát triển Trung tâm sẽ góp phần giải quyết việc làm cho một bộ phận người dân hiện đang sống bằng nghề nương rẫy; gắn họ với với việc bảo vệ cảnh quan môi trường vùng di sản văn hoá ruộng bậc thang. Thông qua những hình thức hoạt động, ý thức bảo vệ gìn giữ và phát huy các giá trị di sản, giá trị văn hoá truyền thống của người Mông sẽ được củng cố bồi đắp, họ sẽ trở thành những chủ nhân thực thụ, tích cực tự giác cùng tham gia bảo vệ và phát huy di sản.
Việc xây dựng “Bảo tàng sinh thái, văn hoá dân tộc và ruộng bậc thang” chính là một trong những điểm du lịch văn hoá nhân tạo hấp dẫn trong hệ thống du lịch, di tích cách mạng Nhà tù Sơn La, sinh thái Sa Pa, cửa khẩu Trung Quốc đối với khách đến tham quan Yên Bái - Mù Cang Chải. Việc xây dựng "Bảo tàng sinh thái, văn hoá dân tộc và ruộng bậc thang” ở Mù Cang Chải đã nhận được sự ủng hộ của nhiều cơ quan, bộ ngành và người dân. Mong sao, một bảo tàng như thế sẽ không chỉ là một ý tưởng!
Mạnh Hưng
Các tin khác
YBĐT - Kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7/2007), Liên đoàn lao động tỉnh đã tổ chức hội thi tiếng hát công nhân viên chức - lao động.
YBĐT - Để cho ra đời tập III cuốn sách "Trên trận tuyến mới" đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh, liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2007), ngay từ những ngày đầu năm 2006, Ban Tổ chức cuộc vận động viết về đề tài thương binh liệt sỹ, trong đó chủ lực là ngành LĐ,TB&XH, Hội VHNT tỉnh Yên Bái đã tích cực đưa ra nhiều giải pháp thực hiện.
YBĐT - Ngay từ khi còn học ở miền quê núi hẻo lánh, ngoài những giờ tới trường, ông thường say mê chăn trâu, cắt cỏ, thả diều, tắm suối, bẫy chim rừng... Ông cho biết: "Ở quê tôi, nhiều bà con dân tộc Nùng không biết nói tiếng phổ thông, không biết giao dịch, ra chợ mua bán không biết tính tiền... Những nỗi khổ của bà con đã thấm vào tôi ngay từ nhỏ.
Chung chăn đệm - “sú phả” là một nét đẹp có tự ngàn xưa của người Thái Mường Lò *Yên Bái) được tổ chức ở nhà gái sau khi người con trai đã vượt qua được những thử thách của thời kỳ ở rể. Từ đây đôi trai gái yêu nhau được hai gia đình và cộng đồng công nhận là vợ chồng.