Một sân chơi bổ ích
- Cập nhật: Thứ hai, 27/8/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Liên hoan Tiếng hát PT - TH Yên Bái được tổ chức hai năm một lần, có ý nghĩa thiết thực trong việc đa dạng hóa các thể loại chương trình, làm phong phú thêm nội dung phát sóng của Đài PT - TH tỉnh.
Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trao giải Nhất cho thí sinh tại Liên hoan Tiếng hát PT-TH Yên Bái lần thứ V năm 2007. (Ảnh: Ngọc Sơn)
|
Còn nhớ, đúng vào dịp kỷ niệm 67 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3 - 2, mừng xuân 1997, Liên hoan Tiếng hát PT - TH Yên Bái lần thứ nhất chính thức được mở. Được sự quan tâm của tỉnh, sự nỗ lực của Ban Tổ chức, ngày khai mạc Liên hoan đã thực sự trở thành ngày hội của những người yêu ca hát.
45 thí sinh đã được chọn vào vòng thu tiếng, ghi hình giới thiệu trên sóng PT-TH Yên Bái. Và qua sóng Đài tỉnh, gần 50 tiết mục của các thí sinh lọt vào chung khảo đã lần lượt được giới thiệu, để lại ấn tượng ban đầu thật tốt đẹp về Liên hoan. Đêm công diễn và trao giải được tổ chức trang trọng tại sân khấu ngoài trời Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh. Hai giọng ca xuất sắc Diễm Hằng (Xí nghiệp Đầu máy Hà Lào) và Thanh Hằng (Đoàn Chèo Yên Bái) đã giành giải nhất ở thể loại nhạc nhẹ và dân ca.
Sau đó hai năm, Liên hoan lần thứ hai được tổ chức với quy mô mở rộng hơn, thí sinh tham dự lên tới trên 300 người và Ban Tổ chức cũng đặt ra tiêu chí cao hơn. Điều đáng nói ở Liên hoan này là lần đầu tiên đêm chung kết được truyền hình trực tiếp từ thị xã Yên Bái. Với sự giúp đỡ về nghiệp vụ của Ban Văn nghệ - Đài Truyền hình Việt Nam và nhờ có sự chuẩn bị chu đáo nên đêm chung kết đã được truyền hình trực tiếp từ sân khấu Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh với chất lượng hình ảnh, âm thanh đẹp, được hàng vạn khán giả Yên Bái cũng như các tỉnh bạn đón nhận, khen ngợi.
Đến kỳ Liên hoan lần thứ ba năm 2002, nhờ ảnh hưởng của truyền hình trực tiếp nên đã thu hút được nhiều thí sinh các tỉnh: Lào Cai, Phú Thọ, Tuyên Quang đăng ký tham dự. 325 giọng hát đã tụ hội tại sân chơi này và đây cũng là con số lớn nhất từ trước tới nay. Chung kết lần này là lần đầu tiên về mặt công nghệ truyền dẫn, kỹ thuật dựng hình, đạo diễn và kịch bản dẫn chương trình hoàn toàn do Đài tỉnh làm chủ.
Những giọng ca trong đêm chung kết như Minh Phương (Yên Bái) giải nhất, Thanh Hương (Yên Bái) giải nhì, Thu Hồng (Tuyên Quang) giải ba... cùng các gương mặt xuất sắc đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Sau đó, nhiều thí sinh đã tiếp tục phát huy khả năng của mình trên con đường âm nhạc. Thanh Hương hiện là giọng ca chính của Đoàn Nghệ thuật tỉnh, Minh Phương sau khi tốt nghiệp Đại học Văn hóa đã trở thành ca sỹ của Đoàn Nghệ thuật Quân đội.
Năm 2004, Liên hoan lần thứ tư tiếp tục được mở ra với quy mô lớn. Từ đây, nhiều thí sinh tìm được cho mình định hướng nghề nghiệp. Thí sinh Vũ Quỳnh Trang sau khi đoạt giải ba đã thi đỗ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I, Khoa Sư phạm Âm nhạc. Và tại cuộc thi Sao Mai toàn quốc năm 2005, Quỳnh Trang đã vinh dự lọt vào chung kết khu vực phía Bắc, được đánh giá là giọng hát có nhiều triển vọng.
Tiếp tục thành công của bốn kỳ liên hoan trước, năm 2007, Liên hoan Tiếng hát PT - TH Yên Bái lần thứ năm tiếp tục phát huy và bồi dưỡng những giọng hát có triển vọng ở địa phương. Hàng trăm thí sinh tham dự Liên hoan với nhiều giọng ca được đào tạo tại các trường chuyên ngành âm nhạc và văn hóa nghệ thuật ở Trung ương và của tỉnh. 15 thí sinh tràn đầy niềm say mê và khát khao vươn tới trên con đường âm nhạc đã thực sự làm nên dấu ấn khó quên trong đêm chung kết Liên hoan.
Sự trưởng thành của đội ngũ làm chương trình cùng với kinh nghiệm tích lũy và sự tâm huyết nghề nghiệp đã góp phần làm nên những "mùa vàng" từ một sân chơi luôn có sức lôi cuốn và đầy ý nghĩa này.
Thanh Tửu
Các tin khác
YBĐT - Từ đầu tháng 5 đến tháng 7/2007, Bảo tàng tỉnh Yên Bái đã tổ chức khai quật lần thứ 4 di tích khảo cổ học Hắc Y (xã Tân Lĩnh – huyện Lục Yên), địa điểm khai quật lần này là khu di tích khảo cổ học chùa tháp Bến Lăn.
YBĐT - Dân tộc Thái ở thị xã Nghĩa Lộ có khoảng 13 nghìn người, sinh sống rải rác khắp vùng lòng chảo Mường Lò. Đến Mường Lò chúng ta sẽ bắt gặp những cô gái Thái xúng xính trong bộ váy đen, áo cỏm, khăn piêu, đã tạo nên nét riêng của núi rừng Tây Bắc.
Mỗi một vùng một dân tộc đều có nét văn hoá truyền thống riêng, người Nùng Bắc Kạn họ sống xen với các dân tộc khác. Họ có nét văn hoá riêng rất độc đáo, tạo ra truyền thống tốt đẹp. Một trong những truyền thống là lệ buộc cót (tiếng Tày, Nùng gọi là lẹ lảm dảo), là một phần nghi thức trong lễ Kỳ Yên của người Tày, Nùng.
YBĐT - Tục cúng vía trâu - Tám khuôn quái là một sinh hoạt văn hóa độc đáo của người Thái Mường Lò, Văn Chấn. Tục lệ này có từ lâu đời và được các thế hệ của người Thái Mường Lò duy trì đến ngày nay.