Đọc sách "Dáng mẹ trên đồng"

  • Cập nhật: Thứ sáu, 28/9/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Bốn mươi năm dạy học và làm thơ, dường như tình cảm lớn của nhà thơ Vũ Chấn Nam, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Yên Bái vẫn là dành cho nghề trồng người và miền quê Phú Thọ, Yên Bái.

Vũ Chấn Nam sinh tại làng Dòng, xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ và lên Yên Bái dạy học từ đầu thập kỷ sáu mươi của thế kỷ XX. Bốn mươi năm dạy học và làm thơ, dường như tình cảm lớn của nhà thơ Vũ Chấn Nam, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Yên Bái vẫn là dành cho nghề trồng người và miền quê Phú Thọ, Yên Bái. Chính nguồn tình cảm ấy đã nuôi dưỡng để các tập thơ cứ lần lượt ra đời: “Nắng trung du”, “Những mùa hoa”, “Mùa hoa phượng”, “Đất vua Hùng”, “Làng Dòng của tôi”, “Sông quê”, “Dáng mẹ trên đồng”.

Ở tập thứ 7 - “Dáng mẹ trên đồng” - có 55 bài thơ, tình cảm yêu quê hương, đất nước vẫn là tình cảm bao trùm. Dường như đi tới đâu, tâm hồn thi sĩ cũng rung động để sinh thơ: Đà Lạt, Điện Biên, Đồng Nai, Quảng Ninh, Tân Trào... và sâu sắc nhất vẫn là trung du “miền quê xoan ghẹo” với “Bao thôn ổ ngõ vào sâu hun hút, Lợn thả rông ì oẵm sục ao bùn, Những chiếc cổng tre nắng hè hun bỏng rát, Tiếng gầu va giếng đá nước trong veo”. Sinh ra và lớn lên tại đây, mảnh đất nghèo với bà mẹ quê hương nuôi lớn bao người con đã trở thành ấn tượng không bao giờ quên trong tâm trí tác giả:

Quanh năm trong lũy tre làng
Khăn mỏ quạ, áo tứ thân, yếm sồi
Một đời gom nhặt buồn vui
Nuôi con nên tấm con người - Mẹ tôi.
                         (Mẹ tôi)

Vì thế mà hình ảnh người mẹ cứ trở đi, trở lại. Bao nhiêu năm mẹ mất rồi mà “Dáng mẹ trên đồng” tạc vào trong thơ như một tượng đài bình dị: “Sau vụ gặt tháng Mười đồng lại trống trơn; Hun hút gió thân cò lặn lội; Lại cày vỡ, lại ngả dầm, đổ ải; Mẹ đứng trên đồng xanh rợi cả ban mai”.

Tốt nghiệp đại học sư phạm và được điều động lên Yên Bái công tác, Vũ Chấn Nam gắn bó với vùng đất mới với bao tên xóm, tên làng của huyện Yên Bình, Trấn Yên, thành phố Yên Bái. Những ngày chiến tranh gian khổ nơi sơ tán, được sự đùm bọc của đồng bào các dân tộc, tác giả Vũ Chấn Nam nhớ mãi để cảm tác thành thơ:

Ba mươi năm, hai cuộc chiến tranh
Ôi mảnh đất nửa đời tôi đã sống,
Có dư vị của trám bùi, măng đắng
Nơi lối mòn nai tác cửa rừng khuya,
Bao bà mẹ vẫn dãi dầu mưa nắng
Mái nhà tranh chống chếnh gió lùa.
                       (Vùng đất tôi yêu)

“Bốn mươi năm rong ruổi bốn ngôi trường, Tiễn băm sáu khóa học trò đi,  Để hôm nay có người thành vị tướng”. “Ngoảnh lại nhìn, bục giảng đã sau lưng”, và ngày nghỉ hưu đầu tiên cứ nhớ khi còn đứng lớp: “Nghỉ lên lớp rồi. Sao thấy hẫng; Đêm mơ bụi phấn trắng lòng tay”. Sự nuối tiếc không quyền lực, chỉ vì “làm sao dứt được mối tơ lòng”, để “Tự bạch”:

Nếu được đầu thai lại xin làm nghề dạy học
Để được chong đèn soi giáo án đêm đêm,
Nét chữ, nét người biết bao khó nhọc
Bốn mươi năm tít tắp một con đường.

Là người làm thơ thuộc thế hệ thứ ba, dư âm của chiến thắng hai đế quốc lớn là Pháp và Mỹ cùng chủ nghĩa anh hùng cách mạng cũng mang đến trong thơ của ông niềm tự hào về đất nước Việt Nam và Bác Hồ. Chân dung lãnh tụ vĩ đại hiển hiện qua khá nhiều bài thơ: “Đến Nà Lừa”, “Tháng Năm”... Đẹp sao khi Bác làm thơ và đánh giặc được khắc họa qua bài thơ “Nhớ Bác đi thuyền trên sông Đáy”:

Buổi Bác đi thuyền trong đêm trăng
Tứ thơ vụt đến lúc đi đường,
Ngàn lau phơ phất thành núi dựng
Chiếc mũ trên đầu ướt đẫm sương.

Chất nhà giáo ít tạo cho Vũ Chấn Nam xông xáo đi tìm sự sáng tạo trong lối diễn đạt mới. Nhưng vốn tích lũy từ sách vở nhà trường và cuộc sống chân quê làm cho thơ ông có sức cuốn hút riêng. Một tháng Ba đói kém “Tháng Ba rỗng cả cót bồ, võ vàng gương mặt đầu bờ mẹ trông”; một tiếng gọi trâu “Dù đầu khô, áo ướt; Dù đồng cạn, đồng sâu; Lưỡi cày đi xoe xóe; Xới lên bao mỡ màu”; hay “Vu vơ” trước mùa thu thì thật là thi sĩ “Rau khúc lấm tấm hoa, Ếch nằm yên trong mà, Gốc rạ vun thành đống, Ai gánh mùa Thu qua”. Gần đây, chiêm nghiệm một đời làm thầy giáo, làm thơ cũng mang vào thơ sự tỉnh táo trước cuộc sống thời hiện đại:

Chợ trời chỉ lắm trăng sao
Giữa thật, giả mấy  ai nào có hay
Thượng vàng, hạ cám là đây
Mải vui đôi chén đã say khướt rồi.
                         (Chợ trời)

Say để mà tỉnh, tỉnh để “Thắp lửa tâm hồn nuôi tứ thơ”. Vũ Chấn Nam còn ấp ủ ra “Huyền thoại Thác Bà” và các tập thơ tiếp theo. Mong rằng với thời gian, thơ ông “Cho đẹp mãi mùa xuân đang độ chín, Cho thêm đầy ổ mật những mùa vui”.

Thế Quynh

Các tin khác
Hồ Thác Bà (Ảnh minh họa)

Nhằm lựa chọn những tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng về nội dung tư tưởng, giá trị nghệ thuật phản ánh về vùng đất, con người Yên Bình trên chặng đường 77 năm xây dựng và phát triển, huyện Yên Bình phát động cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật với chủ đề “Yên Bình đổi mới, phát triển, hội nhập”.

- Thiết thực kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”.

Đội văn nghệ xung kích bản Tu San, xã Nậm Có biểu diễn tiết mục múa khèn Mông trong Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc.

Với trên 90% dân số là đồng bào Mông nên người dân xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải rất quan tâm gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống như: vũ điệu múa khèn, độc tấu sáo, nhị, kèn môi, kèn lá, hát dân ca, dân vũ, ném pao; các lễ hội Gầu tào, Lễ mừng cơm mới...

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Lễ phát động Giải báo chí về tiết kiệm năng lượng.

Bộ Công Thương xác định tập trung đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng, coi sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là vấn đề quan trọng, cấp bách, góp phần đảm bảo đủ nguồn điện phát triển kinh tế-xã hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục