Ngày xuân bàn về chữ Hiếu

  • Cập nhật: Chủ nhật, 10/2/2008 | 12:00:00 AM

Theo mẫu Hán tự, chữ hiếu gồm chữ lão và chữ tử ghép thành. Chữ lão ở trên, chữ tử ở dưới. Nhìn chữ hiếu khiến người đời liên tưởng đến một ông bố già, không đi lại được, buộc người con phải cõng. Làm được như thế, người con đã thể hiện được đạo hiếu của mình.

Nếp sống của người Việt xưa coi đạo hiếu là cao quý, hết sức thiêng liêng và đứng đầu trăm nết:

 Chữ hiếu niệm cho tròn  một tiết

Thời suy ra trăm nết đều nên.

 

Câu đối chữ Hán cũng đã từng đúc kết:

 

Bát tiết tứ thời xuân tại thủ

Nhân sinh bách hạnh  hiếu vi tiên.

 

Nho học có một quan niệm rất nghiêm khắc về đạo  hiếu. Các nhà Nho hầu hết đều thấm nhuần và tìm ra triết lý nhân sinh: “Phù! Hiếu giả thiên chi kinh dã, địa chi nghĩa dã, nhân chi hạnh dã, thị cố, nhất hiếu lập nhi vạn thiện tòng chi”. Nghĩa: Ôi! Chữ hiếu là đạo của trời, nghĩa của đất, đức hạnh của con người, ấy cho nên rằng, một chữ hiếu mà dựng được thì muôn điều lành sẽ theo liền. Người ta từ lúc ấu thơ, khi trưởng thành, và cả lúc về già không một ngày sao nhãng đạo làm con. Khi cha mẹ còn sống được phụng dưỡng là niềm vui sống và cũng là vinh  hạnh: “Nhất nhật đại dưỡng bất dĩ tam công hoán” (Còn được kịp nuôi cha mẹ ngày nào thì dẫu cho đổi lấy chức tam công cũng không màng. Tam công là ba chức quan lớn nhất của chế độ quân chủ gồm thái sư, thái phó, thái bảo).

 

Trước đây, người ta gặp nhau,  lời thăm hỏi đầu tiên là nói đến cha mẹ. Con cháu trong gia đình làm điều tiếng xấu đến ông bà, dù còn sống hay đã mất, đều là đại bất hiếu. Làm quan có tang cha mẹ thì cáo về nghỉ cho đến hết tang, được cử đi chấm trường thì phải cáo xin hồi tị. Phép nước cũng không bao giờ đòi hỏi ép buộc bất cứ viên quan  nào phải gác bỏ chữ hiếu một bên để ở lại công đường.

 

Sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn đã biểu dương nhiều gương hiếu nghĩa. Cử nhân Nguyễn Huy Đức (1824-1898) người làng Vũ Thạch ở phía nam hồ Hoàn Kiếm ba lần không ra làm quan, ở nhà dạy học để hầu mẹ. Khi mẹ 97 tuổi mất, ông làm nhà ở bên cạnh mộ đến hết tang. Sau này, khi ông mất, môn sinh dựng bia thờ thầy có câu: “Thờ mẹ già hơn 40 năm mà sự  hầu hạ thăm viếng như trong một ngày”.

 

Các triều vua xưa thường có sự khuyến khích đặc biệt để giữ thuần phong và giữ tròn đạo hiếu. Vua Lê Huyền Tông tháng 11 năm Cảnh Trị thứ ba (1665) cho biểu dương những người hiếu hạnh. Vua Hàm Nghi năm 1884 ban biển son khắc bốn chữ vàng “Hiếu hạnh khả phong” cho những người có tiếng hiếu hạnh. Luật Hồng Đức đời vua Lê Thánh Tông (1460-1497) có điều trừng phạt tội bất hiếu, ghép vào trọng tội.

 

Đạo hiếu trong tâm khảm người Việt Nam mãnh liệt khiến người ta làm được những việc phi thường.

 

Lãnh Tạo, người làng Tuần Lễ, Nghệ An chống đối nhà Nguyễn. Lê Văn Duyệt được cử làm tổng trấn Nghệ An đến dụ hàng và hứa cho làm quan, Lãnh Tạo không chịu, sau Duyệt cho người đến bắt mẹ và vợ của Tạo. Vì thương mẹ mà Tạo ra hàng, bị Duyệt giết chết.

 

Phan Đình Nghị người làng Ngọc Điền, Hà Tĩnh bị quân cướp bắt mẹ, ông xin đi thay, và bị giam trong núi. Con ông là Huyên đi tìm xin với quân cướp đến ở hầu cha. Được hơn một tháng cha bị bệnh chết. Đình Huyên chuộc xác cha về làm tang lễ và làm nhà ở bên mộ cư tang ba năm. Năm đầu Tự Đức (1848) được sắc ban hiếu hạnh.

 

Lê Thị Nữ, người làng Phong Lộc, Quảng Bình, 15 tuổi theo cha vào núi đốn củi. Bất thần có mãnh hổ đến bắt mất cha. Nàng hô hoán và bất chấp hiểm nguy, lấy cây củi đánh cọp. Cọp phải bỏ chạy. Thị Nữ không hoảng hốt sợ sệt, cõng cha về và thoát nạn. Vua sắc cho biển vàng bốn chữ “Hiếu hạnh khả phong” và cho dựng ngôi nhà hình vuông nơi quê nhà để treo biển vàng nêu cao sự khen thưởng.

 

Nhân ngày xuân, ngồi ghi lại chuyện hiếu nghĩa của người xưa, lòng ta lại thấy xúc động nhớ đến công cha nghĩa mẹ. Giờ đây cuộc sống có muôn vàn những đổi thay cho phù hợp với nhịp sống sôi động nhưng lòng hiếu nghĩa với cha mẹ, ông bà và tổ tiên vẫn giữ nguyên giá trị. Có khác chăng chỉ là ở cách thể hiện mà thôi. Tết đến, người người tất bật sửa sang, lau dọn bàn thờ. Có người viết lên giấy đỏ hoặc khắc lên gỗ bức hoành “ẩm hà tư nguyên” (Uống nước sông nhớ đến nguồn) và đôi câu đối:

 

Tổ công tôn đức thiên niên thịnh,

Tử hiếu tôn hiền vạn đại xương.

 

(Theo HNMĐT)

Các tin khác
Vui ném còn. (Ảnh: Pa-ri)

YBĐT - Mường Lò, mảnh đất phía Tây tỉnh Yên Bái có 16 dân tộc chung sống từ lâu đời. Mỗi dân tộc đều có nền văn hóa dân gian cổ truyền riêng biệt, phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc và làm đẹp, làm giàu cho kho tàng văn hóa Việt Nam.

Thiếu nữ với cây đàn tính. (Ảnh: Hoàng Đô)

Một giọng hát then trong trẻo hòa cùng nhịp đàn tính tẩu khoan thai, du dương hòa quyện với thanh âm dìu dặt của đất trời:

Kiểm tra hộp

YBĐT - Sau khi hoàn tất các nghi thức bên nhà gái là lễ đón dâu về nhà chồng. Trước giờ đón cô dâu về nhà chồng là nghi thức cho con gái của hồi môn và nghi thức hát "Tơm" xin dâu. Của hồi môn cho con gái gồm 12 chiếc gối, 7 bộ chăn đệm, 1 đôi chiếu, 1 đệm ngồi, 1 bộ riđô màn cưới, 40 bát ăn cơm, 2 mâm, 1 tủ đứng, 1 hòm… Sau khi đã chuẩn bị của hồi môn, bà Mờ bên nhà trai hát "Tơm" xin dâu đối đáp với bên nhà gái.

Nhiếp ảnh gia người Anh Tim Hetherington đã đoạt giải thưởng cao nhất - giải Ảnh báo chí của năm với tác phẩm “Sự mệt mỏi của một người đàn ông và sự mệt mỏi của một quốc gia” với khoản tiền thưởng 10.000 euro (14.500 USD).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục