Khố - trang phục truyền thống của đàn ông Mnông
- Cập nhật: Thứ ba, 1/4/2008 | 12:00:00 AM
Ở khu vực Trường Sơn-Tây Nguyên, đại đa số đàn ông các dân tộc thiểu số tại chỗ mặc khố. Hiện tại rất nhiều người Ê đê, Mnông ở độ tuổi từ 40 trở lên chỉ khi đi đâu mới mặc quần dài chứ về nhà là mặc khố, người ta còn có khố để dành riêng đi đám tiệc.
|
Với lớp trẻ hơn khi biểu diễn cồng chiêng, các nhạc cụ của dân tộc không mặc khố không được diễn. Vì lẽ đó mà khố là một trang phục truyền thống không bị mai một.
Có số ít người già Mnông ở tỉnh Đăk Nông vẫn còn cất giữ cái khố bằng vỏ cây là tiền thân của khố bao đời qua. Vỏ cây được lột nguyên dề, bản rộng khoảng 20cm dài 70cm rồi đem đập dập nạo bỏ hết thớ ngang chỉ lấy sợi dọc, rồi lấy sợi của lõi cây me vóc (mây rừng) chẻ nhỏ như chỉ và dùng que tăm dài bẻ gập lại kẹp một đầu chỉ vào tỉ mỉ kết các sợi vỏ cây như đan bao bố thời nay vậy. Sau đó lấy sợi vỏ cây làm đai lưng giữ khố không bị tuột, mối đai được thắt về một bên hông, khố này được gọi là Troi Dăk (Troi=khố, Dăk= vỏ cây).
Mặc dù vậy nhưng Troi Dăk cũng được nhuộm màu để thêm phần kín đáo, có điều rất thô và nhám mặc không quen rất khó chịu. Sau này khố được dệt bằng sợi bông mỗi ngày được cải tiến cho đẹp hơn và từ cái khố có thể phân biệt được giới trung lưu, thượng lưu hay nghèo khó. Khố chỉ một màu trắng, đen hoặc xanh được gọi là Troi Book, ngoài thân khố ra còn có đai dài quấn 2 vòng quanh bụng và tấm che rộng 20cm phủ từ lưng khố xuống gần đầu gối để nhìn cho lịch sự.
Troi Book có riềm chỉ màu ở hai bên và dệt sọc khác màu hay thắt hoa văn ở tấm che, phần đai có dệt nhiều màu sặc sỡ được dân nhà nghèo mặc đi đám, tiệc. Còn dân giàu và các chức sắc trong buôn thường mặc Troi Nhong, loại khố được dệt, may khá cầu kỳ, diêm dúa và đai khố dài đủ quấn tới 5 vòng quanh bụng trông rất bệ vệ. Ngoài những hoa văn được dệt chìm, thắt nổi tùy theo cách bài trí của thợ dệt (thường là vợ dệt cho) Troi Nhong còn được đính hột cườm nhiều màu trên đai. Troi Nhong dùng để đi lễ hội có gắn thêm hai chiếc “Ruy” (lục lạc) bằng đầu ngón chân cái, mỗi bước đi “ruy” reo lên nghe rất vui tai, người mặc Troi Nhong có gắn “ruy” được mọi người kính nể bởi thuộc giới giàu sang, phú quý.
Nhìn chiếc khố nhỏ nhắn như vậy có thể có người cho rằng chẳng đáng giá, thế nhưng dệt được tấm khố không đơn giản mà thời gian hoàn thành lâu gấp 2, gấp 3 lần chiếc áo, chiếc váy của phụ nữ, bởi khố thường (Troi Dăk) riêng đai đã có chiều dài tới hơn 2m, còn Troi Nhong ít nhất đai cũng dài 2m, thân khố 70cm và tấm che 60cm nữa bằng hơn 6m với khổ 20cm. Ngày xưa một Troi Dăk thường đổi một con gà mái đẻ, Troi Book giá trị bằng một con heo, Troi Nhong dệt đẹp có đính 20 hột cườm và 2 “ruy” đổi được một con trâu cái. Thời nay một chiếc khố thổ cẩm được coi là sang trọng cũng có giá đến hơn một triệu đồng.
(Theo Vitinfo)
Các tin khác
Liên bộ Tài chính - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Thông tư hướng dẫn mức chi và quản lý kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2006- 2010, có tổng vốn đầu tư hơn 4,5 ngàn tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương góp khoảng 55% (2,5 ngàn tỷ đồng), còn lại là vốn từ ngân sách địa phương và vốn huy động khác.
Bộ phim tài liệu truyền hình dài 20 tập do Việt Nam, Trung Quốc, Myanmar, Lào, Campuchia và Thái Lan phối hợp sản xuất khởi chiếu đồng loạt tại 6 nước vào đầu tháng 4. Sau khi ra mắt khán giả trong nước, phim sẽ phát trên toàn thế giới bằng tiếng Anh.
YBĐT - Mô hình gia đình phổ biến của các dân tộc thiểu số Yên Bái là đại gia đình. Ở đó gồm nhiều thế hệ cùng sống chung. Thiết chế phụ hệ, quan hệ ông bà cha mẹ, vợ chồng con cái bình đẳng, tôn trọng, thương yêu nhau.
Ngày 28/3, bản cập nhật của bộ phim "Bóng ma cuối cùng của cuộc chiến" về tác hại của chất da cam/điôxin mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam đã được công chiếu tại Trường Đại học New School ở thành phố Niu Yoóc, Mỹ.