Vai trò luật tục trong đời sống văn hóa vùng cao

  • Cập nhật: Thứ hai, 31/3/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Mô hình gia đình phổ biến của các dân tộc thiểu số Yên Bái là đại gia đình. Ở đó gồm nhiều thế hệ cùng sống chung. Thiết chế phụ hệ, quan hệ ông bà cha mẹ, vợ chồng con cái bình đẳng, tôn trọng, thương yêu nhau.

Uống rượu (Nox shôngx) không thách cưới cao bằng bạc trắng của người Mông, xã Tú Lệ (Văn Chấn).
Uống rượu (Nox shôngx) không thách cưới cao bằng bạc trắng của người Mông, xã Tú Lệ (Văn Chấn).

Trước hết, nếu nhìn từ đời sống văn hóa, nơi đồng bào vùng cao sinh sống thì thấy: luật tục mỗi dân tộc (Mông, Dao, Khơ Mú, Giáy...) luôn có sự biến đổi. Điểm chung là theo dòng chảy của thời gian, những phong tục tập quán hình thành và duy trì trên cơ sở luật tục từ xa xưa nếu chứa đựng những yếu tố cổ hủ, lạc hậu, nhất là nhận thức đối với tự nhiên và xã hội, thậm chí phản khoa học trái với pháp luật đã dần được xóa bỏ.

Ngược lại, những luật tục chứa đựng các tập quán, phong tục tiến bộ như mang tính kinh nghiệm sống, có nhiều yếu tố khoa học dẫn đến lối sống tích cực tiến bộ, phù hợp với pháp luật thì được cộng đồng lưu truyền, áp dụng. Đây mới là điều quan trọng bởi nó góp phần giữ gìn thuần phong mỹ tục và sự phát triển của thôn bản. Cũng xuất phát từ đó mà vùng cao có được những hương ước, qui ước giúp hình thành các làng bản văn hóa theo tiêu chí của huyện, của tỉnh.

Dưới đây là một số luật tục coi là "của ông bà xưa để lại" được các tộc người vùng cao áp dụng. Xin nêu lên để chúng ta cùng tham khảo, suy ngẫm.

Luật tục trong quan hệ gia đình

Mô hình gia đình phổ biến của các dân tộc thiểu số Yên Bái là đại gia đình. Ở đó gồm nhiều thế hệ cùng sống chung. Thiết chế phụ hệ, quan hệ ông bà cha mẹ, vợ chồng con cái bình đẳng, tôn trọng, thương yêu nhau. Người Mông, người Dao cũng như người Khơ Mú, người Giáy đều có luật, tương tự trong trường hợp nội bộ có mâu thuẫn thì gia đình tự thu xếp. Khi đã không ổn thỏa thì luật qui định và cho phép đưa ra phân xử trước làng bản.

Nét đặc sắc ở đây là mục tiêu của xét xử công khai tại làng bản không phải là tìm sự công bằng tuyệt đối cho hai bên mà chủ yếu đem lại sự hòa hợp cho cộng đồng (ta thường gọi là hòa giải). Điều tiến bộ nữa là sẵn sàng vì mục tiêu lớn đó mà thỏa mãn, điều hòa một số yêu cầu nhỏ thuộc về quyền lợi cá nhân với nhau. Đã có trường hợp anh nhận tội và chịu phạt cho em. Đồng bào cho rằng: "Không để một con cá ươn làm hỏng chảo canh".

Trong gia đình có qui định: sử dụng, mua bán tài sản giá trị phải được bàn bạc, thỏa thuận giữa các thành viên. Luật tục nói rõ: trách nhiệm chăm sóc, giáo dục con cái thuộc về ông bà, cha mẹ. Vì thế, người Mông có tục "chí nhả khúa", tức là tìm bố mẹ nuôi để thêm sự thăm nuôi của người lớn, giúp con trẻ phát triển. Người Dao lại có tục "chẩu đàng" nghĩa là lễ thả tranh, thụ đèn "cấp sắc", công nhận người bước vào tuổi trưởng thành. Về quan hệ hôn nhân, giá trị của luật tục là qui định một vợ một chồng. Trường hợp bỏ nhau nếu không chính đáng sẽ phạt cả hai.

Cũng như các dân tộc khác, luật tục có hình thức phạt rất nặng trường hợp ngoại tình. Ví như ở người Mông, nặng bị đánh đòn bằng da trâu. Còn ở người Khơ Mú, kẻ ngoại tình bị ăn chung trong máng cám lợn, thậm chí bị đuổi khỏi làng. Ngược lại, luật tục của họ lại khuyến khích việc những quả phụ còn trẻ nên tái giá. Trong hôn nhân, luật tục đa số không cho phép kết hôn cùng huyết thống; muốn thành vợ chồng khi cùng dòng họ thì ít nhất phải qua 4 đến 5 đời; ai vi phạm sẽ bị phạt lợn, rượu để cả làng ăn uống.

Luật tục về quan hệ cộng đồng

Tại làng bản, mọi thành viên đều chịu sự chỉ đạo chung của già làng (Mông) và tuân theo luật tục. Sự tôn trọng cao mang tính tự nguyện và giám sát lẫn nhau. Người Dao, Khơ Mú, Giáy có những hình phạt về gây rối trật tự hoặc đánh lộn. Nhẹ thì đôi gà, lít rượu, cân gạo; nặng thì lợn, rượu để làng phạt, ăn uống. Vấn đề tang ma đều có điểm chung: khi bản có người chết, mọi người đến chia buồn, giúp gạo, tiền, thực phẩm không lấy lại. Các thành viên cho dù không ai bảo ai, tất thảy đều nghỉ việc nương rẫy. Đám tang đã đổi mới không để quá 3 ngày; không cúng cơm, đưa thức ăn, nước uống quá 3 lần ra mộ. Hình thức hỏa táng, thiên táng (người Khơ Mú, người Mông) đã bãi bỏ.

Luật tục về sở hữu tài nguyên - môi trường

Qua khảo sát, nhiều luật tục giống nhau giữa các tộc người Khơ Mú, Mông, Dao... Ví dụ, luật tục sở hữu tài nguyên môi trường: đa số cho rằng, rừng suối đầu nguồn là "rừng thiêng", rừng "ma" do thần linh cai quản, tất cả mọi người phải có trách nhiệm bảo vệ. Đây chính là rừng dự trữ và là nơi cung cấp nước để phục vụ lâu dài cho sinh hoạt tại cộng đồng (cho dù ở đó có yếu tố tâm linh). Trường hợp vi phạm, tùy hoàn cảnh giàu nghèo mà bị phạt trâu, bò, dê, lợn, rượu, gạo để cúng thần xin tha tội. Cá biệt có người bị đuổi ra khỏi làng. Vấn đề khai thác, hái lượm tài nguyên thiên nhiên nhằm thỏa mãn nhu cầu ăn uống, chữa bệnh không bị ngăn cấm.

Trước đây, săn bắn thú rừng là việc bình thường vừa đáp ứng nhu cầu thực phẩm vừa bảo vệ mùa màng. Bây giờ theo pháp luật của Nhà nước, việc này bị ngăn cấm với mục đích bảo đảm sinh thái, môi trường. Vì vậy, luật tục cũng biến đổi và hưởng ứng bằng cách hạn chế tiến tới không tổ chức săn bắt như xưa.

Cùng với những hoạt động trên, tuy hình thức phát, đốt, chọc, trỉa còn ở nhiều nơi khi làm nương rẫy, đất đai nghèo kiệt như trước là phát sinh hiện tượng du canh, du cư. Nay luật tục không khuyến khích, thậm chí yêu cầu bà con cải tạo đất rừng, nương rẫy, giữ vững định canh định cư theo tiêu chí làng, bản văn hóa.

Lại nữa, đó là xác lập quyền sở hữu. Theo luật tục thì vẫn còn duy trì hình thức đánh dấu như cắm cành cây hoặc buộc dây, vít hai cọc chéo trên mảnh đất đồi rừng là nhằm thông báo cây, đất đã có chủ. Có dấu đó không ai được xâm phạm. Để có được luật tục này, người Mông đã phải xây dựng từ xa xưa lệ "ăn thề". Tiếng địa phương là "Nox shôngx". Sau khi đã thống nhất nội dung hình thức, họ uống rượu thề (thay cho ký cam kết).

Nội dung lời thề có đoạn: "Từ nay lửa coi đã tắt, thuốc cháy hết không còn khói - rượu uống đã nhạt. Mọi việc được tán thành. Kẻ nào đòi lửa cháy lại, đòi lật thuốc có khói, rượu nhạt thành rượu ngọt, kẻ đó phải xử theo lệ...". Tóm lại, khía cạnh nào đó, xét về luật tục thấy vẫn có thể chấp nhận và duy trì được, nhất là giai đoạn hiện nay khi trình độ dân trí của đồng bào còn nhiều hạn chế.

Kết thúc bài viết này là: vai trò của luật tục (mang yếu tố tích cực, tiến bộ) như đã trình bày ở trên có những điểm chung: một là, phù hợp với pháp luật Nhà nước; hai là, thể hiện văn hóa truyền thống dân tộc. Vấn đề là cần điều chỉnh những điểm chưa thật sự hợp lý. Như thế đã là góp phần phát huy giá trị luật tục đặc sắc trong đời sống văn hóa vùng cao.

Bùi Huy Mai

Các tin khác

Ngày 28/3, bản cập nhật của bộ phim "Bóng ma cuối cùng của cuộc chiến" về tác hại của chất da cam/điôxin mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam đã được công chiếu tại Trường Đại học New School ở thành phố Niu Yoóc, Mỹ.

Tối 28/03, 20 người mẫu nam đã tranh tài trong đêm chung kết Siêu mẫu Việt Nam 2008 tại Nhà hát đài truyền hình TP.HCM, qua 3 phần thi: Trang phục dạ hội, Trang phục đi biển và Trang phục ấn tượng và trình diễn kỹ năng biểu diễn trước ống kính.

Ngày 28/3, bản cập nhật của bộ phim "Bóng ma cuối cùng của cuộc chiến" về tác hại của chất da cam/điôxin mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam đã được công chiếu tại Trường Đại học New School ở thành phố Niu Yoóc, Mỹ.

Hoa hậu Mai Phương Thúy.

Theo công bố chính thức của Ban tổ chức cuộc thi "Hoa hậu Việt Nam 2008". Cuộc thi sẽ diễn ra ba vòng; hết tháng 4 năm nay kết thúc thi tại các địa phương, các ngành; cuối tháng 7 và đầu tháng 8 sẽ thi chung khảo tại ba khu vực: miền Bắc, miền Trung và miền Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục