Bắc Hà - Mảnh đất giàu bản sắc văn hoá

  • Cập nhật: Thứ sáu, 30/5/2008 | 12:00:00 AM

Cùng với những cảnh sắc được thiên nhiên ban tặng, như các dãy núi hùng vĩ, sông, suối và hang động, vùng đất Bắc Hà(Lào Cai) còn là nơi hội tụ các sắc màu văn hoá dân tộc truyền thống, những đặc sản riêng của miền Tây Bắc, tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt níu giữ chân khách thập phương.

Nghi lễ rước thần của dân tộc Tày – Bắc Hà.
Nghi lễ rước thần của dân tộc Tày – Bắc Hà.

Đến Bắc Hà, du khách được chiêm ngưỡng những điệu xoè của các chàng trai, cô gái Na Hối, Tà Chải trong ngày hội. Điệu xòe, trống, kèn, hát giao duyên được vang lên trong không khí tưng bừng ngày hội. Nhiều trò chơi truyền thống mới và các loại hình thể thao dân tộc như múa võ cổ truyền, múa kiếm dân tộc Mông, đẩy gậy, ném pao, đánh đáo... Những tiết mục âm nhạc cổ truyền dân tộc đặc sắc như chiêng, trống, khèn, kèn lá… Nhiều lễ hội truyền thống được tổ chức như Lễ hội xuống đồng (Lồng tồng) ở Tà Chải và Na Hối vào ngày rằm tháng giêng âm lịch; Lễ hội đền Bắc Hà vào ngày mùng bảy tháng bảy; Lễ cúng rừng vào ngày mùng hai tháng hai âm lịch; Lễ cơm mới vào tháng 9  âm lịch… được tổ chức. Đặc biệt, giải thể thao leo núi, hội đua ngựa là một trong những trò chơi được đồng bào khôi phục. Mỗi lễ hội, trò chơi đã để lại ấn tượng cho du khách khi đến với Bắc Hà.

Để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, Bắc Hà đã có nhiều dự án đầu tư khai thác tiềm năng phát triển du lịch. Huyện đã tập trung phát triển làng nghề truyền thống nấu rượu ngô đặc sản, rèn đúc nông cụ, làng nghề văn hoá dân tộc Mông Bản Phố và Tả Văn Chư để bà con dân tộc nơi đây trực tiếp làm du lịch và hưởng lợi từ du lịch.      

Đua ngựa - môn thể thao dân tộc độc đáo

Từ năm 2006 đến nay, sau bao năm trăn trở tìm hướng đi cho du lịch địa phương phát triển, Bắc Hà đã khôi phục một môn thể thao dân tộc truyền thống và là một  trong những sản phẩm du lịch độc đáo của tỉnh Lào Cai: Thi đua ngưạ.

Từ xa xưa con ngựa là "đầu cơ nghiệp" và người bạn đồng hành của nhiều gia đình vùng núi cao. Thời kinh tế mở thì chiếc xe máy đã có lúc lấn át hình ảnh thân thuộc về con ngựa của người miền núi. Thế nhưng không ít gia đình người Mông, người Tày, người Phù Lá… ở Bắc Hà vẫn quý con ngựa, bởi sự tiện ích của con vật này trong cuộc sống. Đặc biệt qua cuộc thi đua ngựa do địa phương tổ chức hàng năm vào đầu mùa du lịch, con ngựa đã góp phần làm rạng danh các kỵ sỹ chân đất  "vùng cao nguyên trắng", góp phần quảng bá hiệu quả cho du lịch Bắc Hà.       

Lễ hội rước đất, rước nước của người Tày     

Lễ hội rước Đất, rước Nước của người Tày - Bắc Hà diễn ra vào ngày rằm tháng giêng hàng năm để cầu xin mẹ Đất, mẹ Nước phù hộ cho đất luôn màu mỡ, nguồn nước không bao giờ cạn, giúp dân bản có cuộc sống no đủ. Từ sáng sớm, dân làng đã cử một đoàn người gồm: thầy cúng, đội trống, chiêng, khèn và các cô, các chị (là những người chăm chỉ làm ăn, có cuộc sống gia đình yên bình, khoẻ mạnh)… đi lên ngọn núi Bản Phố - nơi có nguồn nước.

Đi đầu đoàn rước là thầy cúng, trong tay cầm cây nêu - biểu tượng của sự sinh sôi, nảy nở - rước đến địa điểm diễn ra lễ hội. Tiếp theo là kiệu rước Nước và các mâm lễ. Tiếp đến là kiệu rước Đất - hồn mẹ Đất được lấy từ trên đỉnh núi cao thiêng liêng. Các mâm lễ được dâng các vị thần linh. Lễ vật gồm một mâm quả, nhiều loại hạt giống do các cô, các chị kỳ công làm ra. Mâm xôi ngũ sắc, hoa quả… đều là những sản vật tinh tuý của mùa màng. Địa điểm tổ chức lễ hội là cánh đồng rộng của bản. Khi các đoàn rước tới nơi, ba hồi kèn trống nổi lên vang động đất trời. Thầy cúng thực hiện nghi lễ cầu khấn phun nước làm phép để xua các điều xấu, xua quỷ dữ không cho về quấy phá dân bản. Rồi thầy tung lộc (ngô, lúa) của thần linh cho dân bản. Những người dự hội ai cũng muốn nhận cho được vài hạt thóc, hạt ngô đem về nhà làm khước may mắn để nhà mình vụ sau ngô sai hạt, lúa sai bông.

Sau phần lễ nghi trên, mọi người bước vào phần hội với những màn xoè của các cô gái, chàng trai, sau đó là các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, chọi gà, chọi trâu (bằng bắp bi chuối và măng), ném còn… Dù là ngày hội của người Tày nhưng các dân tộc khác trong vùng cũng đến dự rất đông vui.

Xoè Tà Chải

Điệu xoè đã từng quen thuộc và tạo được ấn tượng với mỗi du khách khi đến Bắc Hà. Một vòng xoè được hình thành do những bà, những chị kết lại, rồi một người, hai người rời đám đông nhập vào. Tiếng trống, tiếng chiêng rộn ràng làm tan biến cái rụt rè ngượng ngùng, cuốn mọi người vào vòng xoè tình bạn. Tay trong tay, mắt trong mắt, vòng xoè rộng dần, rồi mở thành hai vòng, ba vòng, hết điệu này sang điệu khác và kéo dài trong suốt nhiều ngày lễ hội.

Xoè Tà Chải có nhiều điệu phản ánh phong tục, tập quán sinh hoạt của đồng bào Tày Tà Chải. Bắt đầu từ xoè tập hợp, làm quen, gặp gỡ có tính cộng đồng, đến giao lưu tình cảm của đồng bào, tiếp theo là xoè đôi, xoè bốn (đồng cảm), chạm vai (tỏ tình) rồi điệu bắt cá gieo ngô, sàng đẩy (lao động sản xuất) và cuối cùng là xoè chào hẹn.

Cùng với những hoa thơm quả ngọt ở Bắc Hà, xoè Tả Chải đã có mặt ở nhiều sàn diễn trên đất nước, được hưởng ứng nhiệt tình của người hâm mộ và đã giành được nhiều Huy chương. Nhịp xoè hồn nhiên, duyên dáng như những con người và thiên nhiên xứ xở nơi đây đang rủ mời bạn bè gần xa đến để nối rộng vòng tay.

(Theo LCĐT)

Các tin khác

Ngày 28.5, Công ty FAHASA mở đợt phát hành sách và hoạt động phục vụ hè toàn quốc năm 2008 với chương trình triển lãm 10.000 tựa sách thiếu nhi gồm hơn 30.000 bản của các NXB, nhà cung cấp nổi tiếng trong và ngoài nước như: Kim Đồng, Trẻ, Thanh Niên, Giáo dục, Văn hóa Sài Gòn, Macmillan, Hachette, Bắc Kinh, Thượng Hải, tổng trị giá hơn 2 tỉ đồng.

Cô dâu chú rể Mông.

YBĐT - Mỗi dân tộc ở Yên Bái đều có các thể loại dân ca đậm sắc thái tộc người. Nếu dân tộc Thái có "Xống chụ xôn xao" (Tiễn dặn người yêu), dân tộc Tày có "Khảm hải" (Vượt biển) thì dân tộc Mông có "Gầu va nhéng" (Tiếng hát làm dâu), một khúc ca bi tráng nói về thân phận làm vợ nhà người dưới thời phong kiến. "Gầu va nhéng", nghĩa phổ thông là "Tiếng hát làm dâu". Đây là một trong 5 thể loại thuộc "Hu gầu" mà người Mông thường gọi là "Tiếng hát Mông".

Nhà trai đến nhà gái để đón dâu - một nghi lễ không thể thiếu trong đám cưới truyền thống của người Cơtu Quảng Nam - 2005.

Tục ngủ duông là một thông điệp gửi gắm những mối tình trai gái Cơtu nên vợ nên chồng để hôm nay nó vẫn còn trường tồn mãi với thời gian của một cư dân sinh sống lâu đời trên vùng Trường Sơn bao la và rộng lớn này.

Chiều 28-5, tại Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trống đồng và kiếm lệnh nhân kỷ niệm 60 năm ngày phong hàm và 97 năm ngày sinh của ông.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục