Vũ điệu Chăm Pa
- Cập nhật: Thứ tư, 2/7/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Dân tộc Chăm (hay còn có tên gọi Chàm, Chiêm Thành, Hroi) cư trú chủ yếu ở tỉnh Ninh Thuận và một phần nhỏ ở An Giang, Tây Ninh, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, tây nam Bình Thuận, tây bắc Phú Yên... và có đến 3/5 dân số theo đạo Hồi, đạo Bà La Môn. Vì nhóm cơ bản theo đạo Hồi nên cả nam và nữ lễ phục thiên về màu trắng. Đặc điểm trang phục là lối tạo hình áo khá điển hình: khoét cổ, can thân và nách từ một miếng vải khổ hẹp (hoặc can với áo dài) thẳng ở giữa làm trung tâm áo cho cả áo ngắn và áo dài.
Điệu múa Đoa pụ của thiếu nữ Chăm Ninh Thuận
|
Mặt khác còn thấy duy nhất ở Việt Nam dân tộc này nam giới mặc váy với kiểu trang phục và phong cách thẩm mỹ riêng. Các lễ hội dân gian truyền thống tiêu biểu của người Chăm đó là: lễ hội Katê (tưởng niệm Đấng cha - lễ hội lớn nhất, vui nhất của người Chăm theo đạo Bà La Môn); lễ hội Ramưwan - lễ hội điển hình nhất về lễ nghi ở thánh đường của người Chăm theo đạo Hồi; lễ hội Tháp Bà (tưởng niệm Nữ thần Mẹ xứ sở - Pônaga) đến từ Nha Trang - Khánh Hòa; lễ mừng sức khỏe, lễ múa tống ôn đầu năm, lễ cưới của người Chăm An Giang... Múa hát dân tộc Chăm rất nổi tiếng. Trên những công trình kiến trúc Chăm, hình tượng vũ nữ apsara trong các tư thế múa luôn gợi cho người ta cảm giác như lạc vào tiên cảnh. Ai đã thưởng thức múa Chăm sẽ không thể không đắm lòng mình trong những vũ điệu quyến rũ này. Chính vì vậy, nhà thơ Inrasara của dân tộc Chăm viết:
“Những vòm ngực căng phồng ban mai
Những vòm ngực nung trầm suy tưởng
Hôm qua và ngàn sau.
Nhảy múa giữa hoàng hôn
Đường cong bay bay chiều vụn nát.
Bóng đêm tràn dài thung lũng khát
Nhảy múa gọi bình minh
Paranưng miệt mài ngàn năm vỗ”.
Mỗi điệu múa Chăm chứa đựng trong đó những nội dung khác nhau, nhưng đều hướng đến các điểm chính là thể hiện ước vọng của người Chăm trước thần linh, thân tộc, thiên nhiên và cộng đồng. Họ mong sao cho mưa thuận gió hòa, mùa màng được bội thu, cây cối tươi tốt, con cháu ấm no khỏe mạnh, hạnh phúc, được sống yên ổn làm ăn và thờ phụng tổ tiên. Múa Chăm thường sử dụng với các loại đạo cụ như khăn, roi, trống, quạt... và dựa vào từng loại đạo cụ mà đặt tên cho điệu múa. Hình ảnh đặc trưng trong sinh hoạt thường ngày của người phụ nữ Chăm là đội Pụ đi lấy nước, từ đó ra đời điệu múa Đoa pụ.
Bên cạnh điệu múa Đoa pụ là điệu múa khăn. Đây là điệu múa gắn với chiếc khăn, một vật dụng không thể thiếu đối với phụ nữ Chăm. Các nghệ sĩ múa chỉ dùng những động tác tay thật nhẹ nhàng để phất hai đầu chiếc khăn tung lên theo nhịp điệu của âm nhạc nhưng lại có tác dụng rất lớn như thúc giục rộn ràng, lúc ẩn, lúc hiện. Điểm thú vị trong nghệ thuật múa Chăm là việc nghệ thuật hóa những hoạt động thường ngày, nâng lên ở một tầm cao mới, qua đó người ta cảm nhận được sức sống, cái hồn của dân tộc. Nếu như múa Đoa pụ mang nét dịu dàng, sâu lắng, múa khăn thể hiện sự uyển chuyển thì múa quạt lại rộn ràng, vui tươi, sôi động. Chiếc quạt như tiếng nói thân tình, khi vui quạt rung lên, khi buồn thì úp xuống, lúc yêu đương lại duyên dáng đẩy đưa, khi nghĩa tình quạt sóng đôi bay lượn...
Múa roi là điệu múa của nam giới, nó biểu hiện sức khỏe, lòng quật cường; thể hiện sự đấu tranh kiên cường, chiến thắng tà ma nhằm mang lại cuộc sống thanh bình cho xứ sở. Bên cạnh những điệu múa kể trên, múa chèo thuyền được coi là điệu múa lâu đời nhất trong kho tàng nghệ thuật múa Chăm. Múa chèo thuyền phản ánh sinh hoạt lao động vùng biển của người Chăm với nội dung đầy tính nhân văn. Nó không chỉ miêu tả quá trình lao động trên biển của cư dân, mà còn đề cao đức độ con người, đồng thời khẳng định ý chí con người có thể chiến thắng mọi gian nan thử thách.
Múa dân gian Chăm dựa trên bốn động tác cơ bản như: múa con công, múa con gà tây, múa quí phái và múa hoàng tử. Có thể xuyên suốt bài múa chỉ có bốn động tác chính mang tính chất qui nạp, chủ đạo nhưng vẫn tạo được ấn tượng độc đáo, cuốn hút người xem vào không khí linh thiêng, sâu thẳm, chứa đầy ẩn vọng.
Ngoài ra còn có động tác nhún êm dịu, bồng bềnh như những đợt sóng nhẹ trên mặt biển mênh mông. Trong động tác chân có những nét phụ như tô điểm cho những nhịp chính gây cảm giác lạ thường. Để cảm hết được cái hay, cái đẹp của múa Chăm, ngoài vai trò của người nghệ sĩ và đạo cụ còn phải kể đến yếu tố âm nhạc. Nhạc cụ chính trong múa Chăm gồm bộ ba: trống paranưng, kèn saranai và trống ginăng. Âm nhạc góp phần tạo không khí vui tươi, sôi động và làm cho bước chân, điệu múa của các chàng trai, cô gái thêm thướt tha, yểu điệu.
Múa Chăm là một kho tàng nghệ thuật quí báu không chỉ của dân tộc Chăm mà còn của Việt Nam và nhân loại. Bên trong những điệu múa ấy, người ta có thể phần nào cảm nhận được tâm hồn đầy chất văn hóa biển, dạt dào và sôi động, không ít sự lãng mạn trong tâm hồn của dân tộc Chăm.
Nam Hà
Các tin khác
YBĐT - “Ráng đỏ miền Tây” là tập thơ của Chi hội Yên Bái thuộc Câu lạc bộ Thơ Việt Nam, Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc ấn hành quý IV năm 2007. Sách do họa sĩ Nguyễn Đình Thi thiết kế và trình bày, thoạt trông đã thấy bắt mắt về sự hài hòa và có phần độc đáo, ấn tượng.
Ngày 3/7, bộ phim "Huyền thoại bất tử" với kinh phí 10 tỷ đồng sẽ bấm máy. Lần đầu tiên, "khủng long" Siu Black tham gia diễn xuất. Các nhà sản xuất hy vọng đây là "bom tấn" của điện ảnh Việt Nam mùa Tết 2009.
Hôm nay, 2-7, 34 tác phẩm nghệ thuật đương đại tiêu biểu của các nghệ sỹ 12 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, sẽ tham gia vòng sơ loại cuộc thi APB Foundation Signature Art Prize 2008 - do Bảo tàng Mỹ thuật Xin-ga-po (SAM) và Quỹ các nhà máy bia châu Á - Thái Bình Dương phát động.
Tạp chí Forbes vừa đưa ra danh sách 25 ngôi sao quyền lực nhất Trung Quốc. Những sao lớn như nữ diễn viên Củng Lợi, Chương Tử Di, Lý Liên Kiệt… đều có mặt trong danh sách này.