Hôm nay, Quốc lễ Giỗ Tổ Hùng Vương: Hướng về đất Tổ

  • Cập nhật: Thứ bảy, 4/4/2009 | 12:00:00 AM

Người Việt Nam vẫn thường nhắc nhau: "Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng Ba". Gần một tháng qua, nhân dân cả nước và kiều bào xa Tổ quốc đã có nhiều hoạt động thiết thực hướng về ngày Quốc giỗ Đức tổ Hùng Vương. Đây thực sự trở thành ngày hội hướng về cội nguồn, tri ân công đức tổ tiên của mọi người con đất Việt.

Du khách thập phương về dự Lễ hội đền Hùng.
Du khách thập phương về dự Lễ hội đền Hùng.

Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng được tổ chức trang trọng, thành kính tại "Điện Kính Thiên", trên núi Nghĩa Lĩnh ngút ngàn linh khí vào sáng hôm nay, mùng 10 tháng Ba âm lịch (tức 4-4), nhưng từ mấy ngày trước, không khí lễ hội đã lan tỏa khắp một vùng đất Tổ…

 

Lễ hội đền Hùng năm nay gắn với Chương trình "Du lịch về nguồn", diễn ra trong không gian rộng với tiêu điểm là Khu di tích đền Hùng và thành phố Việt Trì. Chương trình lễ dâng hương năm nay có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn Việt kiều, đoàn 100 con Lạc - cháu Hồng, đoàn đại biểu trang phục quốc lễ, đội tiêu binh rước Quốc kỳ cùng đông đảo du khách hòa trong âm hưởng vang vọng và linh thiêng của nhạc lễ dành riêng cho Giỗ Tổ Hùng Vương.

 

Phần hội, đa dạng các hoạt động văn hóa dân gian đậm nét truyền thống diễn ra sôi động như: hát xoan, rước kiệu, trò diễn bách nghệ khôi hài, múa rồng, lân, sư tử...; hội thi giã bánh dày, gói bánh chưng của 8 tỉnh là Phú Thọ I, II, Hải Dương, Hà Nội, Yên Bái, Tuyên Quang, Lào Cai và Cần Thơ. Hội trại văn hóa và liên hoan đàn hát dân ca với nhiều chủ đề, tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa vùng đất Tổ. Đặc biệt, năm nay, Tập đoàn Mai Linh cung tiến Quốc giỗ một chiếc bánh chưng khổng lồ bọc 4.000 chiếc bánh chưng con - tượng trưng cho 4.000 năm dựng nước và giữ nước, có kích thước 1,8m - tượng trưng 18 đời Vua Hùng. Thành phố Hà Nội cũng có 18 chiếc bánh chưng do các nghệ nhân làng giò, chả Ước Lễ (Thanh Oai) thực hiện, dâng lên các Vua Hùng.

 

Quy định mới về ngày Giỗ Tổ

 

Văn bản số 796/HD-BVHTTDL ngày 23-3-2009 của Bộ VH,TT&DL hướng dẫn nghi thức tưởng niệm các Vua Hùng thống nhất trong cả nước.

 

Theo đó, Lễ Giỗ Tổ được tổ chức hằng năm vào ngày 10 tháng Ba âm lịch với phần lễ gồm 18 chiếc bánh chưng bọc lá dong tươi, buộc lạt màu đỏ cùng 18 chiếc bánh dày có dán chữ phúc và hương hoa, nước, trầu, cau, rượu và ngũ quả. Trang phục hành lễ và nhạc lễ sử dụng theo quy định. Phần hội được tiến hành tùy theo không gian tổ chức, điều kiện và nhu cầu của địa phương. Với những địa phương không có đền thờ Vua Hùng thì trong ngày Giỗ Tổ tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao có nội dung, chủ đề hướng về ngày Giỗ Tổ.

 

Lễ Giỗ Tổ vào các năm chẵn và năm tròn (số năm có chữ số cuối cùng là 0 và 5) do Bộ VH,TT&DL tổ chức, UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức vào các năm còn lại. Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2009 thí điểm việc góp Giỗ, gồm 5 tỉnh, thành phố tham gia là Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Yên Bái và Thủ đô Hà Nội.

Giám đốc BQL Khu di tích lịch sử đền Hùng Nguyễn Tiến Khôi vui mừng thông báo: "Thêm một mùa lễ hội, lại thêm cơ sở để chứng minh giá trị của Khu di tích lịch sử đền Hùng trong tiến trình xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị tổ chức UNESCO công nhận khu di tích này là di sản văn hóa (DSVH) thế giới. Những kết quả khảo cổ học trong thời gian gần đây phát hiện ra nhiều di sản văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun đến Đông Sơn với những di tích nổi bật như Làng Cả, Gò De... là những giai đoạn kế tiếp phát triển liên tục của người Việt cổ - từ đồ đá sang đồ đồng và đồ sắt, tương ứng với những giai đoạn văn hóa này là thời kỳ các Vua Hùng bắt đầu khởi nghiệp xây dựng Nhà nước Văn Lang, tôn tạo trên dưới 2.000 năm đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hùng Vương, Bảo tàng Phú Thọ”.

 

Vào hội với khoảng 3 triệu lượt người về đất Tổ và thăm những bảo tàng này là một hình thức giới thiệu, tuyên truyền với đồng bào trong nước, du khách nước ngoài rằng: vùng đất Phú Thọ ngày nay là địa bàn tập trung của những người thời tiền sử, sơ sử, qua đó lý giải với thế giới, Việt Nam là một trong những cái nôi của người nguyên thủy và là nơi xây dựng nên Nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Đây là một luận chứng tiêu biểu nhất về tính nổi bật toàn cầu của các nền văn hóa thời đại tiền sử, sơ sử ở Khu di tích đền Hùng - ông Khôi khẳng định.

 

Mặt khác, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên có từ thời Hùng Vương, qua thời gian trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Hiện nay, Nhà nước đã công nhận ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10 tháng Ba âm lịch) là ngày Quốc lễ. Lễ hội đền Hùng cũng là một trong những hoạt động quan trọng nhằm hoàn thiện hồ sơ khoa học đề nghị UNESCO công nhận Không gian văn hóa Hùng Vương là di sản thế giới... Hơn nữa, xét ở góc độ văn hóa, có thể thấy, chính tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên giúp con người Việt Nam đoàn kết, gắn bó nhau trong cộng đồng, tạo thành sức mạnh để chinh phục thiên nhiên và chống giặc ngoại xâm nhằm bảo vệ sự toàn vẹn giang sơn gấm vóc.

 

Những ngày này, con Rồng cháu Tiên từ khắp mọi miền đất nước, từ nhiều nước trên thế giới đang nườm nượp đổ về mong được ướm dấu chân mình lên dấu chân xưa của các bậc tiền nhân; thắp nén hương kính lễ tổ tiên, tưởng nhớ công ơn của các Vua Hùng. Khu di tích lịch sử đền Hùng đã trở thành di tích đặc biệt của quốc gia, trở thành điểm du lịch hấp dẫn cả nước - nơi hội tụ văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam.

 

(Theo HNMO)

Các tin khác
Tiến Đoàn - Hồng Nhung

Theo thư mời của tổ chức Festival người mẫu và sắc đẹp quốc tế 2009, người mẫu Thạch Hồng Nhung sẽ lên đường sang Trung Quốc từ 22/4 đến 17/5.

Khách thập phương đến thắp hương tưởng nhớ anh hùng dân tộc Lê Hoàn

Lễ kỷ niệm 1.004 năm ngày mất của vua Lê Đại Hành (1005-2009) - người khởi nghiệp triều Tiền Lê (tức anh hùng dân tộc Lê Hoàn) - đang diễn ra tại huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) từ ngày 1 đến 3-4-2009 (7 đến 9-3 âm lịch) do UBND huyện tổ chức.

Với chủ đề “Nông thôn Việt Nam đổi mới và phát triển”, Cục Văn hóa cơ sở - Bộ VH-TT&DL vừa phát động cuộc thi sáng tác văn học trên toàn quốc. Cuộc thi với nội dung: phản ánh chân thực, sinh động nông thôn VN trong quá trình đổi mới và phát triển, biểu dương người nông dân dám nghĩ, dám làm, đột phá trong làm ăn, đấu tranh với những tiêu cực...

Bộ VH-TT&DL vừa thông báo tổng vốn đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa trong cả nước năm 2009 là 570 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển 360 tỷ đồng và vốn ngân sách sự nghiệp là 210 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục