Hoàng Nừng – nghệ sĩ của đất ngọc

  • Cập nhật: Thứ ba, 28/4/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Giờ đã bước vào tuổi 70 nhưng ông vẫn tích cực tham gia các phong trào văn hoá văn nghệ ở địa phương. Ông dạy hát, dạy đàn, dạy nhạc cho các em và cả những diễn viên quần chúng tại nhà. Thông qua những lớp học giản dị đó, ông tích cực truyền lại những bài then, điệu khắp mà ông đã dày công sưu tâm cho con cháu, cho những người yêu quý và đam mê những làn điệu dân gian, góp phần gìn giữ những giá trị văn hoá vô cùng quý báu.

Cuối tuần nào cũng vậy, hai cô gái của đội văn nghệ thông tin lưu động huyện Lục Yên là Bích Hồng và Thu Luân cũng đến ngôi nhà nhỏ trên đường Nguyễn Tất Thành, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên để được nghệ sĩ Hoàng Nừng truyền dạy cách chơi đàn tính – loại nhạc cụ của chính dân tộc Nùng của nghệ sĩ Hoàng Nừng cũng như dân tộc Tày của Hồng và Luân.

Trong ngôi nhà nhỏ, giản dị này bao lớp thế hệ những diễn viên quần chúng, những người con của đất ngọc yêu văn hoá, âm nhạc nói chung, dân ca của dân tộc nói riêng đã tìm tới đây để được hướng dẫn những nốt nhạc đầu tiên, để được nghe nghệ sĩ Hoàng Nừng giới thiệu, phân tích về những làn điệu khắp, cọi, những điệu then, rồi bụt Tày, bụt Nùng...

Ông vẫn thường nói với các bạn trong đội văn hoá thông tin lưu động của huyện Lục Yên rằng: người làm công tác văn hoá văn nghệ thông tin của huyện có tới già nửa là người dân tộc Tày, Nùng, rồi nhiều dân tộc khác nữa thì phải biết chơi các nhạc cụ dân tộc, phải biết hát dân ca… thì tuyên truyền, thì nói mọi người mới nghe. Ông muốn truyền dạy lại cho lớp thế hệ trẻ những giá trị văn hoá vô cùng quý báu của dân tộc mà bao nhiêu năm qua ông đúc rút và nghiên cứu được. Đó cũng chính là tâm huyết của nghệ sĩ người Nùng này.

Nghệ sĩ Hoàng Nừng sinh năm 1929 trên đất ngọc Lục Yên và được lớn lên trong làn điệu khắp, cọi của mẹ, của dì, trong tiếng sáo trên lưng trâu mỗi chiều. Và cứ thế ông đến với âm nhạc như một cái duyên định sẵn. Đến năm 1952 ông đi bộ đội, rồi với tài nghệ hát dân ca Tày, Nùng và thổi sáo, thổi tiêu ông được đi học trung cấp âm nhạc 3 năm tại Hà Nội khoa viôlông. Sau khi kết thúc khoá học, ông tiếp tục được trở lại với đơn vị là Đoàn văn công tư lệnh Tây Bắc để phục vụ đời sống văn hoá tinh thần cho bộ đội, chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên lịch sử.

Quãng thời gian công tác tại Đoàn văn công tư lệnh Tây Bắc đã giúp ông tự học được cách chơi nhiều loại nhạc cụ khác như khèn bè, pí pắp, đàn tính, đàn môi… Đến năm 1969 ông chuyển về đoàn ca múa Yên Bái, rồi công tác tại Sở văn hoá thông tin tỉnh. Tại đây ông bắt đầu tham gia sưu tầm và nghiên cứu những làn điệu dân ca của các dân tộc như Tày, Nùng, Xa Phó… với ông đó không chỉ là công việc mà còn là niềm đam mê. Để đến hôm nay, vốn liếng ông truyền lại cho con cháu là rất nhiều những làn điệu dân ca Tày, Nùng... như làn điệu xin dâu xuống bãi của người Tày với 6 bài; 15 bài về cưới xin, cùng rất nhiều bài khắp nôm Tày Nùng như bài Chùa mùa lỉn tưn chạu có nghĩa là rủ nhau đi chơi hay bài 12 tháng buồn, chơi hoa, đời xưa xin nước làm ruộng...

Khi được hỏi về những ngày ông đi sưu tầm những làn điệu dân ca của các dân tộc, ông như sống lại với những năm tháng đầy ắp kỷ niệm của những lần đi bộ hay đạp xe vượt đèo, vượt suối đến tới các bản làng thực hiện 3 ‘cùng’: cùng ăn cùng ở, cùng lao động với người dân để có thể ghi lại được những làn điệu dân ca ngay trong sinh hoạt của đồng bào.

Năm 1979 ông chuyển về công tác tại phòng văn hoá huyện Lục Yên. ở đây ông có cơ hội nghiên cứu sâu hơn nữa về những làn điệu dân ca của người Tày, người Nùng. Và cũng tại đây ông đã tham gia xây dựng nhiều tiết mục văn nghệ dân gian cho các xã tham dự liên hoan của tỉnh, toàn quốc và đạt nhiều giải cao, như đội sáo Mường Lai, đội tiêu Mai Sơn đạt giải A Liên hoan văn nghệ quần chúng toàn quốc 1979.

Quãng thời gian ông tham gia quân đội và thời gian nghiên cứu sưu tầm những làn điệu dân ca đã cho ông những trải nghiệm để từ đó ông cho ra đời nhiều bài hát ca ngợi quê hương, đất nước, con người, đồng thời cổ vũ những phong trào thi đua yêu nước, phải kể đến những bài như : Gửi người trai bản (1967) cổ vũ phong trào thanh niên đi bộ đội ; Đảng đưa ta về trọn vẹn ngày vui ; hay ‘Em là cô gái kinh doanh’, ‘Em là cô gái thống kê’ ; hay bài ‘Gái Mường Lai’ sáng tác 1972 cổ vũ phong trào phụ nữ ba đảm đang ở vùng sâu, vùng xa: ‘Gái Mường Lai ngang trai đánh Mĩ, ba đảm đang quyết trí mọi bề...’ đặc biệt là bài ‘Đẹp mãi quê ta’ được viết về quê hương Lục Yên của ông được hát trong dịp huyện đón nhận danh hiệu anh hùng lao động.

Hầu hết các ca khúc của ông mang âm hưởng làn điệu khắp, then của dân tộc Tày, Nùng, giai điệu dễ nhớ, lời ca mượt mà, mộc mạc tạo cảm giác gần gũi với đồng bào dân tộc. Những bài hát của ông được sử dụng nhiều trong các phong trào văn hoá, văn nghệ của huyện.

Nghệ sĩ Hoàng Nừng trong một trích đoạn bụt Nùng.

Giờ đã bước vào tuổi 70 nhưng ông vẫn tích cực tham gia các phong trào văn hoá văn nghệ ở địa phương. Ông dạy hát, dạy đàn, dạy nhạc cho các em và cả những diễn viên quần chúng tại nhà. Thông qua những lớp học giản dị đó, ông tích cực truyền lại những bài then, điệu khắp mà ông đã dày công sưu tâm cho con cháu, cho những người yêu quý và đam mê những làn điệu dân gian, góp phần gìn giữ những giá trị văn hoá vô cùng quý báu.

Ông cũng thường xuyên tham gia góp ý xây dựng những chương trình truyền thông của đội văn hoá thông tin lưu động huyện thêm phong phú, và gần hơn với văn hoá của các dân tộc trong huyện.

Niềm đam mê và tài năng của người nghệ sĩ đã mang về cho ông nhiều giải cao vào cái tuổi lên lão trong các cuộc thi của tỉnh, của toàn quốc như giải bạc Liên hoan tiếng hát người cao tuổi trên sóng phát thanh năm 1999, giải A Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính toàn quốc lần thứ 2 năm 2007 với tiết mục hát ‘Cầu sao mầu’ và rất nhiều những giải thưởng khác.

Nhiệt huyết và đam mê đã không vơi đi theo thời gian ở trong ông, mà dường như nó còn dày thêm theo năm tháng. Giọng hát của ông vẫn sang sảng, tay gẩy tính vẫn mềm mại và điêu luyện lắm. Trong con người này dân ca Tày, Nùng vẫn chảy mãi chảy mãi với thời gian.

Thanh Ba

(Bài dự thi Bảo tồn phát huy văn hoá dân gian)

Các tin khác

Sáng 27.4, ông Lê Xuân Thân - Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã có buổi làm việc với đại diện Tập đoàn Vina Capital và Công ty Global 2000 (Malaysia) về việc tổ chức bắn pháo hoa trong đêm khai mạc Festival biển 2009 tại TP Nha Trang.

Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT-DL) Lê Ngọc Cường vừa có văn bản gửi Sở VH-TT-DL 63 tỉnh, thành; Hội Người mẫu Việt Nam và các Công ty về trình diễn thời trang trong cả nước lấy ý kiến góp ý cho dự thảo “Thông tư quy định hoạt động trình diễn thời trang”, trước khi trình Bộ VH-TT-DL ban hành.


Một cảnh trong phim Mùa tuyết tan

Từ ngày 28-4, bộ phim truyền hình Nhật dài 58 tập Mùa tuyết tan sẽ được phát sóng trên kênh VTV1 lúc 13g hằng ngày. Ðiểm độc đáo của bộ phim này chính là thời gian thực hiện: 21 năm (từ năm 1981-2002) cho 58 tập phim với cùng một êkip làm phim.

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 55 Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ - "Chấn động địa cầu", NXB Chính trị quốc gia - Sự thật đã ra mắt bạn đọc cuốn: Chuyện những người làm nên lịch sử - Hồi ức Ðiện Biên Phủ (1954 - 2009).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục