Sông Hồng
- Cập nhật: Thứ sáu, 8/5/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Lúc tôi chia tay thành phố để đi học xa thì sông Hồng như vừa mới ngủ dậy, còn ngái ngủ với dòng nước lững thững trôi và màn sương trắng mỏng nhẹ khẽ khoác hờ như chiếc khăn san trên vai một cô gái đang làm điệu.
Sông lúc ấy thật mơ màng và dễ yêu. Tôi đi theo con đường chạy dọc theo bờ sông để tận hưởng những cơn gió mát lành từ sông thổi lại, để ngắm những bờ bãi phù sa tràn biếc một màu xanh non của ngô, khoai, lạc, đỗ. Càng lúc dòng sông càng ửng hồng khi mặt trời ghé xuống. Cả dòng sông bỗng trở thành "một dòng lấp lánh”, một dòng sông ánh sáng đang dồn dập chảy về xuôi. Thứ nắng non mà tôi đang thấy hình như có màu hồng của phù sa mịn như bàn chân con gái. Tự dưng lại thầm ước được chạy chân trần trên bãi bờ ven sông, để cảm thấy sức mạnh từ đất mẹ truyền cho như gã khổng lồ Antaios thuở nào, hòng có thêm nghị lực để tiếp tục hành trình lý tưởng mình hằng ấp ủ.
Tôi đi trên con đê nhỏ mà thấy mình trống trải giữa một bên là dòng sông mênh mông sóng nước và một bên là cánh đồng gió bay mỏi. Chợt nhớ đến câu hát trữ tình của một nhạc sĩ nào đó: "Cong sông cong cả con đê…”. Chắc hẳn khi xưa, khi đứng trước tràng giang "buồn điệp điệp”, Huy Cận đã mong lắm bóng dáng của những cây cầu trên mênh mông sông nước:
"Bèo dạt về đâu hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng…”
(Tràng giang)
Có người đã nói, bài thơ "Tràng giang” được gợi tứ từ dòng sông Hồng, từ những buổi chiều nhà thơ đứng lặng ngắm "sông dài, trời rộng, bến cô liêu” ở mãi đầu đoạn Chèm, Hà Nội. Bài thơ mang nặng nỗi buồn vắng của một thế hệ trẻ trai trước cách mạng luôn thấy bơ vơ, lạc loài trước thời cuộc. Giờ đây, những cảm thức ấy không còn nữa nhưng ta vẫn nao lòng khi thấy bóng những chuyến đò ngang rẽ sóng trên sông... Tôi thường thích đi con đường chạy sát bờ sông Hồng - quốc lộ 32C để xuống Hà Nội. Để biết dòng sông luôn đồng hành với mình những lần ra đi, như cuộc chia ly mãi không dứt và lại lặng lẽ đón mình trở về đoàn tụ cùng gia đình sau những ngày mải miết đi xa. Nếu không đi theo đường 32C thì tôi thích đi tàu để trở về nhà, để ngắm mặt trời chiếu từng tia nắng quái xuống mặt nước cũng đỏ rực như say nắng, thấy những ngọn tre phía làng xa đang sẫm dần, vài cánh cò chao vội vã qua sông…
Với sông Hồng, tôi đã có biết bao kỉ niệm. Có lần, tôi nhìn sông Hồng như nhìn một chứng nhân. Chứng nhân của tình yêu - một mối tình không trọn vẹn. Tôi đã đứng đó, hoặc trên những bờ bãi ven sông ở đoạn Minh Quân, hoặc dưới đền Bái Dương, tưởng sông Hồng nghe rõ tiếng thầm thì của những lời yêu thương, rồi lại nghe sông vỗ về, an ủi khi chia xa những gì gắn bó… Và có lần, dù không muốn, tôi đã nhìn sông Hồng xa lạ như một tội nhân. Ấy là khi cơn lũ đã nhấn chìm bao mồ hôi công sức của người lao động. Tôi không kịp thấy sông Hồng đang giấu mình trong bóng tối đen đặc, chỉ loáng thoáng thấy vài bóng đèn vàng vọt ven sông mà nao lòng... Lại thương những cô cậu học trò bé nhỏ của tôi vẫn hằng ngày qua sông đi học, lại bập bềnh lo mùa nước lên, lũ về. Rồi dần dần những mầm cây lại sẽ lớn lên sau mùa lũ lụt, như bao nỗi buồn sẽ được cuốn trôi đi, và niềm vui sẽ được hồi sinh với những người biết nhẫn nại, đợi chờ và hi vọng...
Nguyễn Thị Thu Hiền
Các tin khác
Trận Điện Biên Phủ (ĐBP) là trận đánh lớn nhất trong chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, đồng thời là chiến thắng quân sự lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp 1946 -1954 của Việt Nam.
Cuốn sách "Việt Nam: Lịch sử một cuộc chiến không thể thắng, 1945-1975" thuộc Cục Lưu trữ an ninh quốc gia, Đại học George Washington, vừa ra mắt độc giả Mỹ.