Vũ khúc của người Mông Nà Hẩu
- Cập nhật: Thứ hai, 7/9/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT – Nà Hẩu là xã vùng cao của huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái). Với đa số là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, nơi đây vẫn còn lưu giữ được những giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc riêng, đặc biệt là các bài dân ca, dân vũ góp phần quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Mông.
Dân ca, dân vũ của người Mông là những bài hát, điệu múa do đồng bào dân tộc Mông sáng tác, được lưu truyền từ lâu đời và gắn liền với phong tục, với cuộc sống, với tình yêu quê hương, tình yêu nam nữ của đồng bào dân tộc. Một trong những điệu dân vũ được người Mông yêu thích, ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người con dân tộc và được lưu giữ đến ngày nay đó là điệu múa gậy tiền (hay còn là múa sênh tiền) của người Mông.
Vàng A Phử, người con của dân tộc Mông, đội trưởng đội văn nghệ của thôn Khe Cạn, xã Nà Hẩu yêu điệu múa Sênh Tiền từ rất lâu rồi. Từ nhỏ, Phử đã đi xem người già trong bản biểu diễn và đã say với điệu múa này. Điệu múa này không biết có từ bao giờ, chỉ biết rằng đây là một điệu cổ truyền của dân tộc đã được các thế hệ đi trước biểu diễn và cứ truyền lại cho con cháu từ đời này qua đời khác. Điệu múa đã giúp cho mọi người xích lại gần nhau hơn và đem lại một không khí đầm ấm, vui tươi cho cả làng, cả bản.
Loại nhạc cụ được sử dụng trong điệu múa này chỉ là một cây gậy được làm bằng một đoạn trúc hoặc tre có đường kính từ 5 cm đến 7 cm, dài 1m đến 1,2m và được chia làm 4 khấu trong đó có 3 khấu được đục lỗ ở giữa để xâu đồng xu vào giữa. Khấu còn lại nằm ở khúc thứ 2 không đục lỗ để người múa khi biểu diễn cầm vào; trong mỗi một khấu đục lỗ lại được chia làm 4 dãy đồng xu, mỗi dãy có từ 4 đến 6 đồng xu hợp lại (trước đây là những đồng xu cổ được sản xuất từ năm 1938 trở về trước nhưng hiện nay những đồng xu đó không còn nữa thì người Mông sử dụng những miếng nhôm hoặc lá đồng cắt theo hình tròn để thay thế) và khoảng cách giữa các dãy đồng xu là từ 5 đến 10 cm. Ở hai đầu chiếc gậy được buộc một túm chỉ với các màu xanh, đỏ, tím, vàng... để trang trí cho cây gậy đẹp hơn khi biểu diễn và 2 chùm dây này chính là điểm nhấn để tạo sự mềm mại và uyển chuyển cho người múa. Mới nhìn thì ai cũng tưởng cây gậy đơn giản, nhưng để làm ra nó là cả một quá trình mà người Mông đã chắt chiu cả ước mơ gửi vào trong đó.
Khi múa, người chơi cầm cây tiền vừa múa vừa di chuyển với các động tác khéo léo để cây gậy chạm nhẹ vào cơ thể như tay, chân, vai, bàn chân để cho các đồng xu tạo ra thứ âm thanh vui nhộn mà kỳ bí.
Múa Sênh tiền thường có từ bốn đến tám nam, nữ kết hợp; cũng có thể là chỉ có nam múa hoặc nữ múa đôi. Các đôi trai gái biểu diễn các động tác lên xuống, xoay người nhịp nhàng trong sự cổ vũ nhiệt tình của bà con dân bản.
Với đôi tay khéo léo của chàng trai, cô gái những đồng tiền cổ xoay tít làm phát ra tiếng kêu xoèn xoẹt với cường độ lớn hơn thể hiện niềm phấn khởi và tưng bừng của dân làng. Điệu múa Sênh Tiền được người Mông biểu diễn chủ yếu vào các ngày lễ, ngày hội văn hóa dân tộc... đặc biệt là lễ hội Gầu Tào (hay còn gọi là tết của người Mông). Đây cũng chính là dịp để các chàng trai, cô gái người Mông phô diễn những nét đẹp văn hoá của dân tộc mình. Và cũng là nơi để trai gái người Mông tìm hiểu nhau qua các điệu nhảy.
Điều Vàng A Phử mong muốn lúc này là có nhiều các em nhỏ trong bản say với điệu múa này, Phử sẽ dạy cho các em trong bản hiểu và biết múa những điệu múa mang đậm bản sắc của dân tộc.
Những giá trị văn hóa, văn nghệ của dân tộc Mông là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân Nà Hẩu. Nét đẹp của Sênh tiền là sự kết hợp hài hòa, nhịp nhàng giữa các động tác nhảy múa và gậy Sênh tiền. Những nhân tố này phối hợp và hòa trộn với nhau đã tạo ra một điệu múa độc đáo riêng có của dân tộc Mông. Tuy đời sống nơi vùng cao của dân tộc Mông còn gặp nhiều khó khăn nhưng những điệu dân ca dân vũ mang đậm bản sắc dân tộc vẫn được người Mông Nà Hẩu, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay đang gìn giữ, bảo tồn và phát huy để những nét văn hóa tinh tế của đồng bào dân tộc Mông mãi còn nguyên giá trị.
Thanh Chi – Quang Thiều
Các tin khác
Đại diện Việt Nam tại cuộc thi Hoa hậu Siêu quốc gia 2009, Chung Thục Quyên đã lọt Top 15 người đẹp nhất. Ngoài ra, người đẹp Việt Nam còn “rinh” thêm 3 giải phụ: Trang phục truyền thống đẹp nhất, Gương mặt đẹp nhất và Hoa hậu được bình chọn nhiều nhất trên mạng.
Thành viên các nhóm hip hop ngoài đời mang bước nhảy điêu luyện vào bộ phim truyền hình đầu tiên ở Việt Nam về môn nghệ thuật đường phố.
Theo tin từ Ban quản lý vịnh Hạ Long cho biết, đến sáng 3-9 Vịnh Hạ Long đã tụt xuống vị trí thứ 27/28 trong bảng xếp hạng danh thắng kỳ quan thiên nhiên thế giới. Vươn lên dẫn đầu là núi Kilimanjaro của Tanzania, đảo Jeju Hàn Quốc ở vị trí thứ 2, đứng thứ 3 là núi lửa Mud của Azerbaijan.
Ðể vinh danh ban nhạc pop Thụy Ðiển ABBA, một buổi diễn có tên "Thank you for the music: a celebration of the music of Abba" sẽ được tổ chức ngày 13-9-2009 tại công viên Hyde Park, thủ đô London (Anh).