Nội lực làng văn hóa Mường
- Cập nhật: Thứ sáu, 6/11/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Vinh dự và cũng là trách nhiệm không nhỏ dành cho thôn Ao Luông 1, xã Sơn A khi 12 năm trước được huyện Văn Chấn (Yên Bái) chọn làm điểm xây dựng mô hình làng văn hoá và 5 năm sau được Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh (nay là Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch) công nhận danh hiệu làng văn hóa. Đến giờ, làng văn hóa Mường này đã 10 năm liên tục giữ vững danh hiệu, trở thành một trong những điển hình tiêu biểu không chỉ của Văn Chấn mà của cả tỉnh Yên Bái.
Trẻ trong độ tuổi của thôn Ao Luông 1 đều được đến trường. (Trong ảnh: Giờ chơi của các cháu Trường Mầm non xã Sơn A)
|
Cuối thu, trên những thửa ruộng vừa qua vụ mùa dọc đường vào thôn Ao Luông 1, ngô đông đã bắt đầu tủa xanh. Ở những khoảng khác, rau màu cũng vào vụ mới... "Tính ra, thu nhập bình quân hàng năm cỡ độ 45 - 50 triệu đồng/ha, theo đầu người cũng độ 680.000 đồng/người/tháng đấy.
Ở nông thôn, như vậy cũng là tương đối rồi" - chị Đinh Thị Niệm - Bí thư Chi bộ thôn khoe. "Còn phải phấn đấu như gia đình ông Thìn, ông Thuyên nữa chứ!" - tiếng cười chân chất tan sau giọng một chị nông dân tay cuốc bên ruộng nói với theo. Chắc chắn rồi, thu nhập sáu, bảy mươi triệu đồng mỗi năm như ông Hoàng Đình Thìn, Hoàng Văn Thuyên thì bà con Ao Luông đang phấn đấu bằng trồng trọt, bằng chăn nuôi, bằng dịch vụ nông nghiệp, xây dựng... miễn sao là làm giàu chính đáng. Có thể, chuyện làm giàu với nhiều hộ còn chưa thật gần song chuyện giảm nghèo, xóa đói thì đã không xa.
Hơn chục năm qua, tỉ lệ hộ nghèo giảm gần 20%. Chuyện xóa đói, giảm nghèo, làm giàu là những điều thiết thực nhất với đời sống người dân và đã được "biên chế" vào qui ước: chuyển đổi vật nuôi, cây trồng có năng suất, chất lượng; góp vốn xoay vòng, cho vay không lãi; cải tạo vườn tạp... như nghị quyết Chi bộ từ ngày đầu xây dựng làng văn hóa xác định: "Phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là then chốt".
Lấy phát triển kinh tế là then chốt đồng thời "xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn hóa, văn minh phải là trọng tâm" từ nghị quyết Chi bộ, qua vận động, tuyên truyền đã tạo những chuyển biến rõ nét trong nếp sống từ gia đình đến cộng đồng làng xóm. Các hành vi ứng xử, giao tiếp giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ đi vào nề nếp; tình làng, nghĩa xóm bền chặt hơn, đoàn kết hơn, nhất là lúc ốm đau, hoạn nạn.
Hàng năm, tất cả các hộ đều đăng ký xây dựng gia đình văn hóa và trên 87% gia đình được công nhận. Gia đình ông Hoàng Văn Don - một gia đình tiêu biểu vừa vinh dự được dự hội nghị gia đình văn hóa tiêu biểu toàn quốc tại Hà Nội. Các hộ khác như gia đình ông Nguyễn Văn Đoàn, bà Đinh Thị Niệm... nhiều năm liên tục được công nhận gia đình văn hóa, luôn là tấm gương sáng để bà con trông vào. Nhưng dù là gia đình văn hóa hay chưa được công nhận thì việc học hành của con em đều được các gia đình rất quan tâm, chính quyền thôn xóm cũng chú trọng.
Thôn Ao Luông 1 được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở từ năm 2004 đã chứng minh điều này. Câu lạc bộ Khuyến học của thôn ra đời càng động viên, cổ vũ tinh thần học tập của con em. Đến nay, 21 người của thôn có trình độ trung cấp, 10 người có trình độ đại học và cao học trong tổng số gần 490 nhân khẩu. Bên cạnh đó, cũng như nhiều làng văn hóa khác, việc cưới, việc tang bây giờ, các gia đình thực hiện theo qui ước làng: trang trọng, văn minh, tiết kiệm nhưng vẫn giữ nét đẹp truyền thống dân tộc và loại bỏ những hủ tục lạc hậu.
Diện mạo làng văn hóa Mường này không chỉ đổi thay từ nếp sống văn hóa, văn minh trong gia đình mà còn ở cả cộng đồng. 150 triệu đồng được bà con đóng góp xây dựng nên nhà sàn văn hóa thôn thật khang trang, tạo thêm thuận lợi cho ba đội văn nghệ, các đội bóng đá, bóng chuyền sôi nổi sinh hoạt. Bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường như: múa mỡi, múa chiêng, múa cuội, múa nàng tiên, hát đang, hát nôm... theo đó cũng được khôi phục. Đường làng ngõ xóm cũng được tu sửa, nâng cấp thông thoáng, sạch đẹp bằng tiền của, công sức của bà con.
Đặc biệt, không còn tình trạng nuôi nhốt gia súc dưới gầm sàn và thả rông trong khu dân cư. Trước kia, cả thôn chỉ có 20 giếng nước, nay 100% gia đình sử dụng nước sạch, có nhà vệ sinh hợp vệ sinh... Ý thức xây dựng làng văn hóa của bà con đúng như tinh thần xã hội hóa, phát huy nội lực xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng nông thôn, lấy "dân vận động dân", "lấy dân để chăm lo cho dân" mà Chi bộ đã xác định, tập trung chỉ đạo, tuyên truyền ngay từ những ngày đầu xây dựng.
Xây dựng làng văn hóa, Ao Luông 1 khoác lên mình một diện mạo mới. Hơn chục năm, kinh nghiệm thành công đầu tiên mà Ban vận động xây dựng làng văn hóa thôn nói đến là sự chỉ đạo chặt chẽ của Chi bộ, các tổ chức đoàn thể trong thôn. Điều đó thể hiện trước hết ở nghị quyết xây dựng làng văn hóa của Chi bộ ngay từ khi bắt tay thực hiện phong trào và nghị quyết cụ thể từ nội dung trọng tâm, then chốt, mục tiêu, động lực cho đến cách thức thực hiện.
Quá trình thực hiện, vai trò "đầu tầu gương mẫu" của cán bộ, đảng viên hết sức quan trọng. Việc tuyên truyền, vận động cũng là một nội dung căn bản trong cách thức thực hiện. Cùng đó phải công khai, dân chủ, minh bạch từ bình xét, khen thưởng, nhất là tiền đóng góp và việc thu, chi... Có như vậy mới phát huy hiệu quả của tuyên truyền, vận động, phát huy ý thức, trách nhiệm của người dân và nội lực trong xây dựng làng văn hóa.
H.M
Các tin khác
YBĐT - Đã rất lâu kể từ ngày Nghĩa Lộ, Yên Bái, Lào Cai nhập tỉnh rồi tách tỉnh đến nay, tôi mới có được trong tay tập thơ không dày nhưng cũng đủ đầy tình thơ của những nhà thơ không chuyên sống ở Nghĩa Lộ những lại viết về Nghĩa Lộ với tình cảm tha thiết, đằm thắm trong thi tập “Nghĩa Lộ mùa ban” vừa ra mắt bạn đọc quý IV năm 2009, nhân kỷ niệm 1 năm ngày ra mắt Câu lạc bộ (CLB) Thơ Nghĩa Lộ.
“Do thời gian quá gấp nên không chuẩn bị kịp cho cuộc Hoa hậu Thế giới người Việt, thay vào đó, đơn vị tổ chức sẽ trình đề án chuẩn bị cho cuộc thi Hoa hậu VN năm 2010”, ông Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà khẳng định với phóng viên báo chí.
Bộ VH-TT-DL vừa phê duyệt dự án xây dựng các trạm vệ tinh của ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc Việt Nam, do Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam chủ trì, tổng kinh phí lên tới 31 tỷ đồng.