Một mảng đề tài phong phú và hấp dẫn

  • Cập nhật: Thứ ba, 30/11/2010 | 2:54:15 PM

YBĐT - Được phát động cùng với cuộc thi viết về "Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc" trên Báo Yên Bái thời sự, có thể nói, cuộc thi tác phẩm truyền hình Internet trên Báo Yên Bái điện tử đã đạt kết quả quan trọng, góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc tỉnh Yên Bái theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng.

Những phụ nữ Tày ở Minh Xuân (Lục Yên) làm bánh phục vụ việc ghi hình.
Những phụ nữ Tày ở Minh Xuân (Lục Yên) làm bánh phục vụ việc ghi hình.

Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa đân tộc - một mảng đề tài phong phú, hấp dẫn cả với người xem lẫn người sáng tạo. Đây lại là một đề tài đầy thách thức với đội ngũ những người làm truyền hình, đặc biệt là truyền hình Internet của Báo Yên Bái điện tử. Những hình ảnh, âm thanh và lời bình mang đến người xem, người nghe là kết quả của một quá trình lao động sáng tạo nghiêm túc.

Chắc chắn còn có những thiếu sót, những điều mà người xem chưa thỏa mãn bởi thời lượng của một tác phẩm bị hạn chế, bởi hình ảnh không thể phục dựng được vì có các sinh hoạt, nét văn hóa truyền thống đã bị mai một…

Trong số hơn bốn mươi tác phẩm mà Ban Tổ chức cuộc thi nhận được, có nhiều tác phẩm rất đáng trân trọng, thể hiện sự dày công tìm tòi, sáng tạo của tác giả. Nhiều tác phẩm mà các phóng viên Báo Yên Bái điện tử "thai nghén" và hình thành là nhờ có sự chỉ đạo sát sao của Ban Biên tập. Đó là tập trung khai thác những nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc, các vùng miền và giới thiệu những điểm đến hấp dẫn của Yên Bái.

Hướng tuyên truyền ấy đã giúp định hướng cho các tác giả lăn lộn với cơ sở, bám sát thực tế cuộc sống và gần gũi với đồng bào để nghe, để hiểu, để cảm nhận và ghi lại, lưu giữ vốn tư liệu. Vốn tư liệu đó cùng với lòng nhiệt tình, say mê, ý thức bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc của quê hương Yên Bái đã giúp các tác giả sáng tạo ra nhiều tác phẩm có chất lượng tốt tham dự cuộc thi.

Không thể không nhắc đến trong các tác phẩm truyền hình Internet là những nhân vật trong tác phẩm. Có nhiều người đã sống và trải qua những thăng trầm của lịch sử, đã tìm mọi cách để giữ cho mình, giữ cho con cháu những giá trị truyền thống, cội rễ của dân tộc mình. Không ít thứ đã mai một nhưng với họ, tất cả vẫn còn và luôn vẹn nguyên. Và họ đã nói, đã kể, đã hát và diễn đi diễn lại để giúp cho những người làm truyền hình thực hiện thành công tác phẩm.

Phải kể đến nhà sưu tầm văn hóa Lò Văn Biến, bà Lò Thị Siêng ở thị xã Nghĩa Lộ; ông Địch Ngọc Thường, nhà sưu tầm dân gian Hoàng Tương Lai ở huyện Yên Bình; nghệ sỹ Hoàng Nừng, ông Hoàng Xuân Khánh ở huyện Lục Yên; Nghệ nhân dân gian Giàng A Su ở huyện Trạm Tấu và không ít bà mẹ dân tộc Khơ Mú, Tày... cùng các thiếu nữ Dao, chàng trai Mông, Cao Lan đã sẵn sàng mất công mất buổi, nhiệt tình với những buổi diễn không chính thức như thế.

Một cảnh trong phóng sự Đám cưới của nguời Dao đỏ.

Số lượng tác phẩm truyền hình được cập nhật trên Báo Yên Bái điện tử thời gian qua chưa phải là nhiều song những tác phẩm dự thi đã có sức lôi cuốn đáng kể đối với bạn đọc.

Một bộ váy cầu kỳ mà người phụ nữ Mông phải mất cả nửa năm se lanh, dệt vải, nhuộm chàm rồi thêu, may mới có thể hoàn thành hay các đặc điểm riêng trên bộ quần áo của người đàn ông đã được tác giả Thanh Chi - Quang Thiều giới thiệu trong tác phẩm "Nét nghệ thuật trong trang phục dân tộc Mông". Điệu "Khắp" du dương, lan tỏa trên cánh đồng Mường Lò của người Thái; điệu "Tơm" trữ tình, ý nhị say lòng người nghe của đồng bào Khơ Mú trên đỉnh Nghĩa Sơn được các tác giả Thanh Ba và Thanh Tân giới thiệu với bè bạn gần xa.

Gạt đi những lo toan của cuộc sống thường ngày, một nhóm người cao tuổi ở Lục Yên đã gắng gìn giữ những câu hát "Phưn" tình tứ của dân tộc Nùng được thể hiện sâu sắc trong tác phẩm "Hát Phưn - nét đẹp dân ca Nùng". Cây sáo, chiếc khèn cùng bao nhạc cụ của đồng bào các dân tộc đã và đang được gìn giữ, lưu truyền trong cộng đồng bởi những con người nặng lòng với vốn văn hóa, văn nghệ đặc sắc của dân tộc mình.

Và cũng kỳ lạ lắm thay khi trong xã hội hiện đại, sôi động lại có một Hưng “đồ cổ” ở Văn Yên; một chiến sỹ công an nghỉ hưu ở thành phố Yên Bái say sưa với những hoài niệm, bỏ tiền, bỏ công sức để tìm kiếm những đồ vật chỉ có ở một thời quá khứ gian khổ... đã được tác giả Quang Tuấn, Thanh Phúc khắc họa trong tác phẩm của mình.

Ẩn sau chiếc đệm bông lau là ý ăn nết ở của người thiếu nữ Thái; những chiếc cối nước cần mẫn đêm ngày là hình ảnh quen thuộc của núi rừng Tây Bắc; lễ cấp sắc, lễ cưới của người Dao và lễ mừng cơm mới của người Mông... đã được giới thiệu với bạn đọc, người xem qua các tác phẩm truyền hình Internet.

Qua sơ loại, 28 tác phẩm lọt vào chung khảo và tiến hành chấm điểm theo các tiêu chí, Ban Tổ chức cuộc thi đã quyết định trao 1 giải Nhất cho tác phẩm "ở nơi lúa cấy ngang trời"; 1 giải Nhì cho tác phẩm "Nét nghệ thuật trong trang phục dân tộc Mông"; 2 giải Ba cho tác phẩm "Đến Nghĩa Sơn say cùng điệu tơm", "Dặt dìu sáo Mông". Song, điều quan trọng hơn cả là bạn đọc trong nước và thế giới đã biết đến và rất ấn tượng với Yên Bái.

Họ biết thêm về những sắc thái văn hóa các dân tộc Mông, Dao, Tày, Thái, Mường... ở Yên Bái. Các tác phẩm truyền hình Internet đã tạo ra một kênh thông tin quảng bá, giới thiệu hình ảnh về quê hương, con người Yên Bái hết sức hiệu quả, nhất là trong tuyên truyền "Chương trình du lịch về cội nguồn" do ba tỉnh Yên Bái - Phú Thọ - Lào Cai phối hợp tổ chức. Đồng thời, hàng chục tác phẩm tham dự cuộc thi đã góp phần động viên, cổ vũ các điển hình cùng phong trào giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống từ cơ sở.

Sẽ ngày càng có nhiều hơn các tác phẩm truyền hình về mảng đề tài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cũng như các lĩnh vực khác được cập nhật trên Báo Yên Bái điện tử trong thời gian tới để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVII ngay từ những tháng đầu, năm đầu của một nhiệm kỳ mới.

Minh Quang

Các tin khác
Nhà văn gốc Việt đạt giải thưởng Văn học lớn nhất Canada.

Trong lễ trao giải của giải thưởng văn học danh giá của Canada - The Governor General’s Literary Awards vừa diễn ra hôm 25.11 vừa qua, nhà văn gốc Việt Kim Thúy đã vinh dự đạt được giải thưởng này.

Trang web của liên hoan phim viết: “Cuộc sống của cậu bé trong phim là những khoảnh khắc ngắn ngủi khiến ta say mê”.

Tối 27-11 tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển) đã diễn ra lễ trao giải Liên hoan phim quốc tế Stockholm 2010. Là đại diện duy nhất của châu Á có phim lọt vào danh sách tranh giải ở hạng mục Face2Face, Bi, đừng sợ! đến từ Việt Nam đã giành được hai giải thưởng: giải cho phim đầu tay xuất sắc nhất và giải cho quay phim xuất sắc nhất (nhà quay phim Phạm Quang Minh - Trung tâm sản xuất phim truyền hình VN).

Nhân kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Trung Quốc - Việt Nam, NXB Tri thức thế giới của Trung Quốc đã xuất bản cuốn sách Hồ Chí Minh, một cuộc đời huyền thoại của tác giả Lý Gia Trung, nguyên đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam.

Bộ VH,TT&DL đã ký Quyết định số 4028/QĐ-BVHTTDL về việc phê duyệt đề cương và dự toán chi tiết đề án xây dựng chương trình mang tên "Việt Nam - điểm đến của bạn" - được phát trên kênh VTV4 của Đài Truyền hình Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục