Tìm lại nét đẹp ngày xuân cùng người Cao Lan Tân Hương

  • Cập nhật: Thứ tư, 19/1/2011 | 2:13:30 PM

Chiếc áo nối trang phục đặc trưng của dân tộc Cao Lan ở Tân Hương (Yên Bình).
Chiếc áo nối trang phục đặc trưng của dân tộc Cao Lan ở Tân Hương (Yên Bình).

“Ngày xuân, con trai con gái người cao Lan ở Tân Hương (Yên Bình) lại nhóm thành từng tốp rủ nhau đi chơi làng. Người nam thì mặc quần áo ta, cổ đứng, đội mũ nồi, còn người nữ thì lựa chiếc áo nối đẹp nhất để đi chơi cùng chúng bạn. Nào đi thăm anh em, nào tìm bạn mới, từ làng này sang làng kia, càng đi xa càng vui. Vui nhất vẫn là những đám hát coọi, hát đối đáp giao duyên…”. Bà Trần Thị Thạch thôn Khe Gày xã Tân Hương (Yên Bình) năm nay đã 75 tuổi vừa bỏm bẻm ăn trầu vừa nhớ lại những ngày tháng đẹp khi còn là một thiếu nữ ở làng. Mắt bà ánh lên niềm vui, giọng kể đầy tự hào thi thoảng lại trùng xuống tiếc nuối, khi hôm nay những nét đẹp đó đã dần bị mai một chỉ còn trong ký ức...

Trong cuộc di dân nhường chỗ cho công trình thủy điện Thác Bà, đồng bào Cao Lan đã về định cư ở Tân Hương. Chủ yếu nằm dọc trên tuyến đường quốc lộ 70, đến nay người Cao Lan đã chiếm 1/4 dân số toàn xã, tập trung chủ yếu ở các thôn Loan Hương, Ngòi Vồ, Khe Gày, Khe Giỏ, Yên Thắng và Khuôn La. Cùng với các dân tộc anh em như: Kinh, Tày, Dao trong xã, đồng bào Cao Lan đã đoàn kết một lòng xây dựng quê hương, phát triển kinh tế gia đình. Cuộc sống của đồng bào vài năm trở lại đây đã khấm khá hơn trước nhiều. Không ít ngôi nhà cao tầng đã mọc lên bề thế bên đường quốc lộ.

Đây đó vẫn còn những gia đình giữ được nếp nhà sàn truyền thống nhưng đã được xây dựng theo hướng hiện đại với giá trị cả trăm triệu đồng. Phát huy tốt việc phát triển sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nhiều hộ nhờ trồng rừng, trồng sắn cao sản mà thu về từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Nguồn thu đó giúp đồng bào từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, nuôi dạy con cái học hành phương trưởng. Ngay tại xã không ít cán bộ từ vị trí lãnh đạo chủ chốt đến các tổ chức đoàn thể là người Cao Lan đang cùng góp sức, đồng lòng vì sự phát triển của Tân Hương...

Khi tết đến xuân về, cũng như phong tục truyền đời của bao dân tộc Việt, người Cao Lan ở Tân Hương lại tưng bừng mổ lợn, gói bánh ăn tết. Có lẽ nét riêng có ở đây là đồng bào làm rất nhiều loại bánh. Ngoài bánh trưng dài được gói như bánh tày, bánh tét, nhà nào cũng phải có bánh mật, bánh rán. Bánh mật được làm từng đôi, cùng với gà cả con, rượu cả hũ, tôn kính thắp hương trên bàn thờ ông bà, tổ tiên. Một điều không thể thiếu được truyền nối từ bao đời với người Cao Lan là cứ giao thừa xong, vào thời khắc sang canh ngày mùng 1 tết là mọi gia đình lại dâng cúng tổ tiên món bánh rán. Và cũng thời khắc đó thì cầm nén nhang ra giếng, ra suối xin nước mới, lộc trời với niềm tin cầu xin một năm thuận thời, làm ăn phát đạt. Đó là những nét đẹp phong tục vẫn được đồng bào gìn giữ đến ngày nay.

Đặc biệt hơn chính là những nét đẹp trong trang phục, nghi lễ trảy hội ngày xuân của người Cao Lan, nhưng đến hôm nay thì chỉ còn lại trong ký ức của những người luống tuổi, những cụ già cao niên trong làng. Nói về trang phục truyền thống của người Cao Lan, bà Thạch lôi ra từ đáy hòm chiếc áo nối của người con gái Cao Lan, cả chiếc thắt lưng làm cầu kỳ, rồi túi đựng trầu, cái Và (1 kiểu túi để đựng đồ) được móc khéo léo, thêu hoa cầu kỳ là những vật dụng không thể thiếu của thiếu nữ Cao Lan xưa. Bà bảo khi xưa con gái người Cao Lan ai cũng ăn trầu, răng đen nhánh, túi đựng trầu được làm cầu kỳ thêu hoa đẹp thể hiện sự khéo léo đảm đang. Đi chơi xuân túi đựng trầu luôn được đeo bên mình cùng với con dao nhỏ tra trong bao. Nhưng hôm nay những thứ đó đã trở thành “đồ cổ”.

 

Bà Trần Thị Thạch phấn khởi kể lại những mùa xuân xưa khi còn là một thiếu nữ xinh đẹp.

Nhớ về tết xưa, bà Thạch kể: Cứ mùng 2, mùng 3 tết là làng trên xóm dưới lại tưng bừng với các hoạt động vui chơi, gặp gỡ ngày xuân. Con trai con gái tụ tập ở những bãi đất rộng chơi quay, chơi yểng, ném còn... Tiếng reo hò, cười đùa, tiếng xoang xoảng của những chiếc vòng bạc đeo đầy tay nam thanh nữ tú mỗi lần đánh yểng, tung còn xao động cả không gian... Thường thường sau ngày mùng 4 tết thì trai gái lại rủ nhau đi chơi làng.

Nói là chơi làng nhưng là đi chơi xa, tìm bạn mới. Khi có khách đến chơi làng, dù là ở lại chơi nhà nào thì nơi đó sẽ trở thành nơi tề tựu của trai gái trong bản. Vui nhất vẫn là các đám hát, hội hát. Khi trai gái ở hai làng chưa quen biết, chưa gặp mặt thì từ xa người ta hát coọi, hát theo lối hò để gọi nhau, để làm quen. Vừa hò vừa tiến lại gần nhau, khi đã gặp gỡ, muốn kết bạn họ mới hát giao duyên. Những đám hát thường kéo dài thâu đêm đến sáng. Sau những câu hát đối đáp chào hỏi làm quen, thì nửa đêm là thời điểm cất lên lời hát tỏ tình. Đến hôm nay bà Thạch cũng không còn nhớ nhiều, thuộc nhiều lời các câu hát giao duyên song bà bảo lời hát rất ý nhị, tình tứ nhưng cũng rất sâu sắc. Chẳng hạn khi người con trai tình tứ ướm hỏi đại ý rằng: Có thật là em chưa có chốn đi về, hay là em đã có người yêu rồi, anh không tin tưởng lắm...?

Người con gái đáp: Em chưa có đôi thì em mới ngồi đây hát cùng anh được chứ, tại sao lại không tin tưởng...?

Thậm chí sang ngày hôm sau họ còn dùng dằng không muốn chia tay. Trước khi chia tay, nếu đã ưng nhau người con trai thường buông lời: Nếu em có thích tôi thật thì để tôi về nhờ người làm mai mối đến hỏi em làm vợ? Người con gái nếu đã có tình ý thì thường khéo léo bày tỏ tình cảm và nhắc nhở người con trai phải chung tình thì hát rằng: Sáng rồi em về thôi, anh về tham tiền, tham bạc thì được giàu sang đừng tham người yêu thì tan cửa nát nhà... Lời hát bao giờ cũng ẩn chứa những tâm tình, hò hẹn, chân thành những cũng rất mạnh bạo. Sau các đám hát nhiều đôi lứa đã nên duyên chồng vợ một cách rất tự nhiên và tự nguyện...

Cảm xúc trước mùa xuân hiện tại và mùa xuân xưa dường như khiến bà Thạch trẻ lại. Niềm vui trước mùa xuân mới, cuộc sống mới đang đổi thay tích cực, đó là hạnh phúc và giá trị của cuộc sống này. Còn những hoài niệm tiếc nuối của tết xưa, xuân xưa phần nào được khỏa lấp khi bà có dịp ngồi ôn lại cùng con cháu để thế hệ hôm nay hiểu về giá trị tinh thần và nét đẹp phong tục của dân tộc mình. Hơn hết là mong ước những giá trị đó được sưu tầm, gom cóp lưu trữ trong kho tàng giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc, để những mùa xuân xưa còn mãi với đời sau.

Ngọc Tú

Các tin khác
Có tới 40,3% đồng ý lựa chọn hoa Sen là Quốc hoa của Việt Nam.

Ngày 18/1, Ban Chỉ đạo và Ban Biên soạn đề án “Quốc hoa” Việt Nam cho biết, thống kê ý kiến người dân qua mạng Internet cho thấy, hoa Sen vẫn đang dẫn đầu với số phiếu bình chọn cao nhất.

Các thiếu nữ Xa Phó luyện tập tiết mục văn nghệ hát giao duyên trong những ngày tết.

YBĐT - Tết của đồng bào Xa Phó cũng giống như các dân tộc anh em khác, cũng có thịt lợn, thịt gà, bánh chưng, rượu, mứt... nhưng trong các lễ vật để cúng tổ tiên có nét khác với các dân tộc Kinh, Dao, Thái, Tày, Mông.

Đó là yêu cầu của Bộ VH,TT&DL đối với thư viện các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tại văn bản số 4509/BVHTTDL-TV.

Ngày 17.1, tại Hà Nội, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Ban Tuyên giáo T.Ư và Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức công bố bộ sách Hồ Chí Minh toàn tập xuất bản lần thứ 3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục