Xuân về với người Thái Mường Lò
- Cập nhật: Thứ sáu, 11/2/2011 | 9:35:00 AM
YBĐT - Không phải là tết chính của người Thái vùng Mường Lò, song không biết chính xác từ bao giờ tết Nguyên đán được coi như tết chính giống như tết Xíp Xí vậy.
Khung dệt mùa xuân. (Ảnh: Nguyễn Giang)
|
Nghệ nhân Lò văn Biến (bản Cang Nà, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ, kể rằng: Người Thái di cư vào Mường Lò từ thế kỷ 11. Đến thế kỷ 18, giặc Cờ vàng mang quân đánh chiếm Mường Lò. Thời kỳ này vua Tự Đức đã cho quân giúp người Thái đánh đuổi giặc Cờ Vàng. Chiến thắng giặc Cờ Vàng, người Thái càng gắn bó, đoàn kết với dân tộc Kinh. Từ đó người Thái Mường Lò cùng vui đón tết Nguyên đán theo người Kinh thể hiện tinh thần anh em một nhà, thống nhất cùng vui với niềm vui chung mỗi khi tết đến xuân về. Tuy cùng đón tết Nguyên đán song người Thái Mường Lò vẫn mang bản sắc văn hoá riêng với những phong tục, tập quán và nét văn hoá riêng có của mình.
Người Thái cũng quan niệm đêm giao thừa là dịp thể hiện lòng thành kính nhất đối với các thần linh và tổ tiên. Bởi vậy, sắp đến giờ giao thừa thì Chẩu Mường (Chúa Mường) sẽ đánh trống, chiêng báo hiệu, sau đó sẽ là tiếng chiêng trống của các bản làng, nếu bản làng nào đánh trước sẽ bị phạt. Người Thái cúng giao thừa có thể bằng cả một con lợn nhỏ hoặc thủ lợn to, đuôi và chân. Người Thái cũng đốt hương thắp các hướng của nhà để cảm ơn thần linh bốn hướng đã bảo vệ phù hộ cho gia đình trong năm qua.
Đặc biệt, đêm giao thừa người Thái còn có tục lấy nước. Trước giao thừa một vài phút những người lớn trong gia đình hoặc cô gái, chàng trai sẽ ra đầu nguồn nước của bản để lấy nước với tâm niệm lấy nước trước con Rồng để đem về nhà nhiều lộc như nguồn nước mát và một năm mới đầy suôn sẻ và thuận lợi. Các cô gái nhanh chóng rửa mặt bằng nước này để xinh đẹp hơn, những chàng trai uống nguồn nước đó để khoẻ mạnh, cường tráng và tài giỏi hơn. Giờ đây tục lấy nước vẫn được duy trì, song nguồn nước ở các thôn bản không còn nhiều và được thay thế bằng giếng nước của mỗi gia đình.
Sáng ngày mùng 1, người Thái quan niệm không được sang nhà ai sợ hồn vía không tốt sẽ đem xui xẻo đến cho gia đình đó, vì vậy họ sinh hoạt trong gia đình, còn bọn trẻ đến chơi chỉ chơi dưới sàn nhà không được lên nhà. Những nhà có điều kiện thì tung đồng xu xuống cho trẻ con nhặt coi như đó là tiền mừng tuổi. Bắt đầu từ mùng 2, con cái mới đưa nhau về chúc tết bố mẹ và vui chơi xuân cùng làng bản.
Người Thái Mường Lò chơi xuân suốt từ tết Nguyên đán đến rằm tháng Giêng. Các nam thanh, nữ tú hò reo trong các trò ném còn, leo cột mỡ, đẩy gậy, bắn nỏ; các cụ già say sưa với tó mắc lẹ; lũ trẻ con lại tíu tít với cây cầu khỉ hay sôi động trong trò kéo co... Đặc sắc nhất vẫn là những đêm xoè trong ánh lửa bập bùng ở các bản làng.
Khoảng 13-14 tháng Giêng, người lại tổ chức các lễ hội Xên Mường (cúng mường), Xên Bản (cúng bản), sau đó là lễ hội Xên Đông (cúng rừng)... Những lễ hội này hầu như năm nào cũng được tổ chức trong cộng đồng người Thái ở Hạnh Sơn, Tú Lệ (Văn Chấn), Nghĩa An, Nghĩa Lợi (thị xã Nghĩa Lộ).
Xuân về Mường Lò, các dân tộc cùng chung vui đón tết không chỉ nhộn nhịp trong sắc xuân phố phường mà còn âm vang hồn thiêng của tiếng trống, tiếng chiêng. Đồng bào các dân tộc Mường Lò cùng tay trong tay trong đêm hội xoè say đắm lòng người, thắt chặt tinh thần đoàn kết cùng xây dựng quê hương giàu đẹp.
Thu Hạnh
Các tin khác
YBĐT - Rượu cần là hương vị đặc sắc của đồng bào Thái ở miền Tây cần được giữ gìn và phát huy từ cách chế biến đến nghi thức uống rượu để trở thành nét sinh hoạt văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc.
Chiều 9-2, Thủ tướng Chính phủ có công điện yêu cầu chấn chỉnh công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên cả nước, nhất là vào dịp lễ hội đầu năm.
YBĐT – Sáng ngày 9/2 (tức ngày mùng 7 âm lịch), tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa (Phú Thọ), Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ xuân Tân Mão 2011 đã chính thức khai mạc. >>>Mùa xuân và lễ hội Đền mẫu Âu Cơ
Sau 4 liveshow, từ ngày 8/2, hệ thống bình chọn cho các giải thưởng năm của chương trình Bài hát Việt 2010 đã chính thức bắt đầu.