Từ 11-4, phát sóng phim tài liệu Linh hồn Việt Nam - Hành trình cách mạng của Bác Hồ ở Thái Lan
- Cập nhật: Thứ hai, 11/4/2011 | 8:20:28 AM
Bộ phim tài liệu Linh hồn Việt Nam dài 15 tập (15 phút/tập) do GS-TS Artha Nantachukra (người Thái Lan), Phó Trưởng khoa Lịch sử trường Đại học Maha Sarakham, Thái Lan, chủ trì thực hiện.
Trong phim là hành trình của hai cô gái Thái Lan, đi theo dấu chân mà Bác Hồ đã đi qua các tỉnh thành ở vùng Đông Bắc Thái Lan (1928 – 1929). Những người làm phim đã trở lại những địa điểm tại Thái Lan mà hơn 70 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sống và hoạt động cách mạng.
Thông qua những hiện vật, câu chuyện của những người dân kể lại, bộ phim đã khắc họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và những phẩm chất đạo đức cách mạng sáng ngời của Người được lưu lại trong ký ức người dân Thái Lan và bà con Việt kiều; thông qua đó nghĩ về những lời dạy của Bác.
Bộ phim Linh hồn Việt Nam là món quà ý nghĩa mà các nhà làm phim Thái Lan trao tặng Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.
GS-TS Artha Nantachukra chia sẻ những phát hiện của ông trong quá trình thực hiện bộ phim này: “Điểm đáng chú ý trong cuộc hành trình quay trở lại quá khứ để tìm dấu vết hoạt động của Hồ Chí Minh tại Thái Lan, cho dù đi theo tuyến đường nào chăng nữa thì Hồ Chí Minh vẫn phải tới ở nơi có người Việt sinh sống. Điều đó có nghĩa là Hồ Chí Minh hy vọng rằng việc gặp gỡ bà con Việt kiều là nền tảng của sự giúp đỡ để từ đó quay trở về thực hiện công cuộc cách mạng cứu nước thoát khỏi ách đô hộ của Pháp”.
Khi tiếp nhận bộ phim này, dưới góc độ của kênh truyền hình đối ngoại phục vụ hơn 3 triệu khán giả kiều bào trên thế giới, ông Bạch Ngọc Chiến, Trưởng ban Truyền hình đối ngoại VTV4, cho biết: “Bộ phim tài liệu có giá trị này không chỉ giới thiệu về một giai đoạn hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn cung cấp những hình ảnh về cuộc sống của cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan và tấm lòng của bà con kiều bào đối với Bác Hồ. Việc một học giả Thái Lan đã dày công tập hợp tư liệu và tổ chức sản xuất cho thấy cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác có một sức hấp dẫn lớn đối với giới học giả nước ngoài”.
Anh Nguyễn Thành Hoan, người dịch bộ phim ra tiếng Việt, đã có những ấn tượng đặc biệt đối với bộ phim: “Đây là bộ phim do người nước ngoài sản xuất cho thấy lòng kính trọng của họ đối với vị lãnh tụ của dân tộc. Mỗi tập phim đều trích dẫn một câu nói rất nổi tiếng của Bác Hồ, điều ấy quả thật rất ấn tượng và rất đáng được trân trọng”.
GS-TS Artha Nantachukra từng là nghiên cứu sinh tại Việt Nam. Trong thời gian học tập tại Việt Nam, Artha đã chịu khó thu thập tư liệu về Bác Hồ chủ yếu từ Bảo tàng Hồ Chí Minh. Xuất phát từ lòng yêu kính Bác và nhận thấy chưa có ai làm phim về những tháng ngày Bác Hồ sống và hoạt động cách mạng tại Thái Lan, nên ông quyết tâm thực hiện bộ phim Linh hồn Việt Nam. Artha cũng chính là người khởi xướng dự án xây dựng Làng hữu nghị Thái - Việt tại bản Nachok, huyện Mương, tỉnh Nakhonphanom.
Trước phim Linh hồn Việt Nam, VTV đã mua bản quyền một số phim tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh do truyền hình nước ngoài sản xuất như phim tài liệu màu Lễ quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh do hãng NDN Nhật Bản thực hiện; phim tài liệu Hồ Chí Minh – Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, cũng do truyền hình Thái Lan sản xuất.
Bộ phim Linh hồn Việt Nam được GS-TS Artha Nantachukra gửi tặng VTV vào tháng 2-2011. Bộ phim sẽ được phát sóng lúc 22 giờ 15 trên VTV1 các tối thứ hai và thứ tư hàng tuần, bắt đầu từ 11-4.
(Theo SGGP)
Các tin khác
Bốn bộ phim tài liệu về Việt Nam (cụ thể là về Hà Nội) do người Việt thực hiện cho kênh Discovery khu vực châu Á Thái Bình Dương sẽ lên sóng vào tháng sau.
Cuộc thi Hoa hậu châu Á - Thái Bình Dương 2011 (Miss Asia Pacific 2011) bất ngờ thay đổi lịch thi, Á hậu Hoàng My không thể thu xếp tham gia và cô đành nói lời từ chối với cuộc thi nhan sắc này.
Chuyện một vị giáo sư đạo mạo phải xin lỗi ông giáo về hưu Lưu Đức Ngò (thường được gọi là Ngò “rùa”), người chuyên bán ảnh rùa Hồ Gươm lấy tiền làm từ thiện có lẽ ít ai biết.
YBĐT - Xá Phó là một trong 13 dân tộc bản địa của tỉnh Yên Bái, là thành phần của 30 dân tộc anh em cùng cư trú lâu đời trên mảnh đất giàu bản sắc các giá trị văn hóa dân gian truyền thống. Người Xá Phó thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến.