Triển lãm tư liệu về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa
- Cập nhật: Chủ nhật, 2/6/2013 | 2:04:59 PM
Ngày 2/6, tại Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh tổ chức khai mạc Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam-Những bằng chứng lịch sử.”
Đảo Đá Thị thuộc quần đảo Trường Sa.
|
Triển lãm giới thiệu gần 200 bản đồ và nhiều tư liệu, văn bản, hiện vật và ấn phẩm tập hợp các nguồn tư liệu đã được công bố từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu, học giả ở trong nước và quốc tế. Đây là những bằng chứng lịch sử và pháp lý chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó có một số văn bản Hán Nôm, Việt ngữ, Pháp ngữ do các Nhà nước phong kiến Việt Nam ban hành trong các thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX.
Ngoài ra, triển lãm còn giới thiệu các bản đồ cổ của Trung Quốc, một số nước phương Tây từ thế kỷ XVI, ba cuốn Atlas của các nước Anh, Đức, Mỹ từ khoảng từ năm 1626 đến 1980 thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa nằm trong vùng lãnh hải Việt Nam.
Những văn bản, tư liệu này khẳng định các Nhà nước Việt Nam trong lịch sử đã xác lập và thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đó là một quá trình liên tục, lâu dài, được ghi nhận trong nhiều nguồn sử liệu của Việt Nam và các nước trên thế giới.
Bên cạnh đó, triển lãm còn trưng bày bộ sưu tập những vỏ ốc biển từ vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa. Những vỏ ốc do ngư dân Việt Nam đi đánh bắt từ ngư trường này mang về là những hiện vật sinh động, giàu ý nghĩa trên vùng biển đảo của Tổ quốc.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh triển lãm giới thiệu 95 bản đồ do Việt Nam, phương Tây và Trung Quốc công bố, 102 ấn phẩm xuất bản tại các nước phương Tây và các tài liệu, công trình nghiên cứu, khẳng định Việt Nam xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ rất sớm.
Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa nhằm góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong nước, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là tầng lớp thanh niên trong việc bảo vệ và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; qua đó thể hiện tầm quan trọng của biển, hải đảo trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc cũng như tôn vinh những giá trị, hiện vật và việc gìn giữ bảo vệ các tư liệu, bằng chứng lịch sử về các quần đảo.
Triển lãm mở cửa đến ngày 8/6.
(Theo TTXVN)
Các tin khác
Sáng 31.5, ông Biswaroop Roy Chowdhury (người Ấn Độ, Tổng giám đốc Trung tâm kỷ lục châu Á) đến chùa Hội Khánh (Bình Dương) để trao Kỷ lục châu Á cho danh hiệu Tượng Phật nhập Niết bàn dài nhất trên mái chùa châu Á (tượng dài 52 m, nằm ở độ cao 22,5 m).
YBĐT - Tôi muốn đưa tới người xem hai bức ảnh, một là sự “hủy diệt” mà phi công Mỹ đã dã tâm trút xuống thị xã Yên Bái xưa, hai là tấm ảnh “còn lại” của một góc Thư viện Tổng hợp Yên Bái. Hai bức ảnh sẽ tự nói lên điều nhân loại hằng quan tâm: cái ác hại phi nhân tính sẽ mất, cái còn lại là văn hóa, là công sức của nhân dân.
Ngày 30-5, tại Khu di tích lịch sử đền Hùng, tỉnh Phú Thọ tổ chức trao giải cuộc thi ý tưởng thiết kế kiến trúc tháp Hùng Vương lần thứ hai. Trong 39 phương án đủ điều kiện dự thi, Ban tổ chức đã chấm điểm và lựa chọn được hai phương án đạt giải A và sáu phương án đạt giải khuyến khích.
YBĐT - Nhà thơ Nông Quang Khiêm dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên ở thôn Cà Lồ, xã Xuân Lai, huyện Yên Bình, Yên Bái. Anh tốt nghiệp Đại học Văn hóa Hà Nội, hiện là hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái. Anh đã xuất bản 2 tập sách viết về thiếu nhi: "Cánh diều tuổi thơ" và "Rừng Pha Mơ yêu dấu".