Nhớ nhà báo viết lời của nhiều bài ca cách mạng
- Cập nhật: Thứ sáu, 21/6/2013 | 8:19:17 AM
Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng đã viết lời cho ca khúc “Giải phóng miền Nam”, “Đông Nam Á Châu”, “Giờ hành động”, “Xuống đường”…
Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng (ảnh tư liệu)
|
Sau khi chị Đỗ Thị Lan (tức nghệ sĩ Xuân Mai) từ Đoàn ca nhạc chuyển về làm biên tập văn nghệ, tôi mới hay chị là vợ của nhà báo Huỳnh Văn Tiểng - Phó Tổng biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV). Vì chị thạo tiếng Pháp, nên hai ông Phạm Tuân và Phạm Tuyên (Trưởng, phó phòng) phân công chị chuyên trách các chương trình ca nhạc quốc tế.
Ông Tiểng thỉnh thoảng hỏi chúng tôi liệu Xuân Mai có làm được không? Bởi lẽ, ông rất chú ý đến các chương trình văn nghệ trên Đài: "Tuần này thu được mấy tiết mục? Tháng này thu được những bài hát nào, những vở sân khấu nào? Bài thơ nào hay?". Tiết mục nào nghe được, ông khen. Cũng có tiết mục ông chê về diễn xuất.
Có một lần, ông Từ Anh, ông Văn Viễn, bà Kim Nhụy và tôi vào phòng thu thanh "chập cải lương", đang thu thì ông Tiểng ghé vào đứng ngoài nghe. Ông bắt dừng và thu lại một đoạn. Đoạn ấy do tôi phát âm không đúng giọng Nam Bộ. "Mời Cô Ba Cà Mau vô ca bài vọng cổ: Việt Nam hình chữ S".
Tôi là người miền Bắc mới tập đóng kịch, nên đôi khi chú ý được chữ này câu trên, lại sai chữ ấy câu dưới. Ông góp ý là phải nói chữ Cà Mau (không được nói là Cà Mâu). phải uốn lưỡi chữ "vô" và chữ "vọng cổ" để cho đúng giọng Nam bộ, nhưng riêng chữ Việt Nam không được phát âm thành “Diệt Nam”… Ông đã cho tôi một bài học nhớ đời về "âm điệu phương ngữ" trong đó còn có cả ý thức chính trị. Ông chỉ dẫn cặn kẽ cho tôi những tiếng Nam bộ mà tôi chưa rành.
Ông nhiều lần rủ tôi đến nhà ông ở khu tập thể Phương Mai chơi. Một vài lần tôi ngủ lại và giúp thêm cho cháu Lưu - con trai ông, học. Có lần, ông bảo đi công tác vài ngày nhưng kéo dài đến mấy tháng liền, hai chú cháu tôi ở với nhau như ruột thịt. Sau ngày đất nước thống nhất, những lần vào Sài Gòn thăm ông ở Đài Truyền hình, ông đều dành thời gian cho xe chở chú cháu tôi đi dạo cảnh và đích thân ông giới thiệu rất tỉ mỉ các địa danh mà ông từng hoạt động và quen biết. Chúng tôi đã về thăm xã Tân Phú Trung, Củ Chi - nơi ông sinh ra và trường trung học Trương Vĩnh Ký - nơi ngày xưa ông học…
Một hôm rất tình cờ, cháu Lưu "lộ bí mật", đưa bản nhạc "Giải phóng miền Nam" (bài hát chính thức của Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam) ra khoe với tôi: "Ba cháu viết lời bài này với bác Phước đấy”. Sau đó, tôi tò mò gặng hỏi thì ông mới nói thật.
"Giải phóng miền Nam, chúng ta cùng quyết tiến bước/ Diệt đế quốc Mỹ, phá tan bè lũ bán nước/ Ôi xương tan máu rơi/Lòng hận thù ngất trời/Sông núi bao nhiêu năm cắt rời…Vận nước đã đến rồi/ Bình minh chiếu khắp nơi/Dựng xây non nước sáng tươi muôn đời". Đây là một ca khúc chính trị cổ động toàn quân dân, nhưng lại phải đảm bảo có ngôn ngữ văn học, phải vần, để cho người nghe người hát dễ nhớ dễ thuộc. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước rất tôn trọng người viết lời ca khúc nên tên tác giả để chữ Huỳnh đầu: Huỳnh Minh Liên. Đây cũng là cách gọi khác của “bộ ba” Hoàng Mai Lưu.
Ba nhân vật nổi tiếng này đã xuất hiện trong cao trào chuẩn bị tổng khởi nghĩa năm 1945. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước lúc đó đang là sinh viên ở Hà Nội, đã cùng một số bạn khác đứng ra thành lập nhóm tổ chức văn hóa “Hoàng Mai Lưu” (lấy họ của 3 người sáng lập “Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước) gọi tắt là “Hoàng Mai Lưu” để tạo ra một hình tượng có ý nghĩa là bông mai vàng lan tỏa nhằm phổ biến văn hóa dân tộc.
Nhóm “Hoàng Mai Lưu” đã nhanh chóng tập hợp được đông đảo sinh viên, văn nghệ sĩ, trí thức yêu nước, nhân sĩ ở cả 3 kỳ Việt Nam, lấy tôn chỉ mục đích là sáng tác và phổ biến các loại hình nghệ thuật, nhạc, kịch, thơ, họa trong đó âm nhạc là mũi nhọn làm vũ khí tuyên truyền giáo dục lòng yêu nước và ý chí cứu nước trong các tầng lớp nhân dân, chủ yếu là thanh niên. Nhóm “Hoàng Mai Lưu” đã đóng góp tích cực vào phong trào thanh niên trí thức tham gia công cuộc tổng khởi nghĩa tiến tới Cách mạng tháng tám với việc cho lưu hành toàn quốc hàng chục bài hát, kịch lịch sử yêu nước.
Nhóm "Hoàng Mai Lưu"(ảnh tư liệu) |
Tiêu biểu là bài “Tiếng gọi sinh viên” (sau đổi tên là “Quốc dân hành khúc”), “Lên đàng”, “Xếp bút nghiên”, “Ải Chi Lăng”… (nhạc Lưu Hữu Phước, lời Huỳnh Văn Tiểng); một số vở kịch lịch sử như: “Đêm Lam Sơn”, “Nợ Mê Linh”, “Hội nghị Diên Hồng”…và vở ca kịch “Tục Lụy” theo âm điệu dân tộc (các vở này kịch bản đều của Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước soạn nhạc nền). Thời gian sau này, Huỳnh Văn Tiểng còn cộng tác với nhạc sĩ Lưu Hữu Phước các bài hát: “Đông Nam Á Châu”, “Giờ hành động”, “Xuống đường”… Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước cho biết, quá nửa các ca khúc của ông là do nhà báo Huỳnh Văn Tiểng viết lời.
Cách đây 4 năm, cũng đúng vào tháng 6, nhà báo Huỳnh Văn Tiểng (1920 – 2009) từ giã trần gian về miền cực lạc khi tôi đang đi tham quan nước ngoài. Tôi chỉ nghe được lời điếu của ông Lê Hoàng Quân - Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, mà lòng cảm động. Bởi nhớ ông Huỳnh Văn Tiểng là nhớ về một thời đầy kỷ niệm.
(Theo VOV)
Các tin khác
Cách đây 88 năm là ngày ra đời của báo Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Sự ra đời của tờ báo này đã mở ra một dòng báo chí mới: Báo chí cách mạng Việt Nam.
Ở tuổi 81, nhà báo lão thành Hữu Thọ vẫn khiến người tiếp xúc với ông ngạc nhiên bởi sự minh mẫn và lòng nhiệt tình của người cầm bút. Nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6, nhà báo Hữu Thọ đã có cuộc trò chuyện với Báo Hànộimới.
Sau phần thi bikini, tối 19/6, các thí sinh Hoa hậu Dân tộc 2013 đã hoàn thành tiếp 1 phần thi quan trọng là trang phục truyền thống và trang phục dạ hội.
Vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn đã được công nhận là vườn Di sản ASEAN. Khu vườn trên độ cao 2000-3000m luôn hấp dẫn khách du lịch với muôn vàn những loài cây "độc và lạ" quý hiếm.