Lấy ý kiến Nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần thực chất, hiệu quả, đúng thời gian, tránh hình thức.
Ngày 23 tháng 12 năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Thời gian lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 03 tháng 01 năm 2023 và kết thúc vào ngày 15 tháng 3 năm 2023. Để triển khai Nghị quyết này, ngày 31 tháng 12 năm 2022 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 170/NQ-CP ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Theo đó, đối tượng lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bao gồm: các tầng lớp Nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên của Mặt trận, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác; các viện nghiên cứu, trường đại học và chuyên gia, nhà khoa học.
Góp ý hoàn thiện chính sách về đất đai, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định theo hướng tăng thêm độ che phủ rừng, bảo tồn đi liên với việc đảm bảo sinh kế cho người dân địa phương nơi có rừng. Sửa đổi các quy định kết hợp giữa chỉ tiêu sử dụng đất với không gian sử dụng đất và xác định vị trí, ranh giới, diện tích thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất đến từng thửa đất trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.
Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các quy hoạch quốc gia cũng như quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ thúc đẩy lẫn nhau để phát triển. Đặc biệt, quy định về quy hoạch sử dụng đất cần đảm bảo đồng bộ với Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Quốc hội ban hành tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Quan tâm tới sự kiện này, luật sư Phạm Thanh Bình, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, việc lấy kiến Nhân dân nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Luật sư Phạm Thanh Bình, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
Tạo sự thống nhất và đồng thuận của Nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai. Nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đồng thời, việc lấy ý kiến Nhân dân cho thấy Nhà nước muốn lắng nghe tâm tư nguyện vọng của Nhân dân và giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Luật Đất đai và tổ chức thi hành Luật.
Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn thể hiện sự tôn trọng quyền của chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai. Đây là vấn đề có tính cấp thiết và ý nghĩa khoa học về quyền dân chủ đối với tài sản là đất đai của Nhân dân. Có như vậy, người dân mới nâng cao trách nhiệm, nhận thức của mình đối với chính sách, pháp luật của Nhà nước.
"Với tư cách là một luật sư, cũng là công dân Việt Nam, tôi mong muốn sửa đổi quy định liên quan đến giá đất. Quy định khung giá đất không còn cần thiết, nên giao địa phương tự quyết định bảng giá đất. Đồng thời, quy định cụ thể nguyên tắc định giá đất phù hợp với giá trị thị trường, bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, trung thực, khách quan; bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm”, luật sư Phạm Thanh Bình nêu quan điểm.
Trong khi đó, luật sư Trịnh Cẩm Bình cho rằng, việc lấy ý kiến Nhân dân cần được tiến hành thực chất, hiệu quả, tránh hình thức, đặc biệt đảm bảo đúng thời gian tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây là việc làm hết sức cần thiết vì Nhân dân (bao gồm các thành phần: người sử dụng đất cá nhân hoặc tổ chức, người làm trong các cơ quan Nhà nước giải quyết thủ tục hành chính, người làm trong các cơ quan giải quyết tranh chấp đất đai…) là những người trực tiếp chịu ảnh hưởng và liên quan đến Luật Đất đai trong quá trình thực hiện các quyền, nghĩa vụ trong Luật Đất đai. Do đó, Nhân dân sẽ là người gặp các vướng mắc, tiếp nhận các ý kiến, yêu cầu trong quá trình thực hiện Luật đất đai trên thực tế và đặt ra những yêu cầu trong việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai. Đây là hiện thực khách quan mà cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan ban hành pháp luật cần nghiên cứu, tổng hợp để đưa ra điều luật phù hợp với thực tế khách quan luôn biến động không ngừng.
"Từng tham gia giải quyết nhiều vụ án tranh chấp đất đai, khiếu kiện hành chính về đất đai và các vụ án hình sự liên quan đến đất đai, tôi quan tâm và mong muốn ban soạn thảo quan tâm sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất trong quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chính sách về bồi thường, hỗ trợ cho người dân và giá đất, để đảm bảo tính công khai, minh bạch và áp dụng nhất quán Luật Đất đai”, Luật sư Trịnh Cẩm Bình, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội kiến nghị.
Đẩy nhanh tiến độ lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Mặc dù việc lấy ý kiến Nhân dân là việc làm rất cần thiết nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tạo sự thống nhất và đồng thuận của Nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai. Tuy nhiên, đến thời điểm này việc triển khai đang chậm so với yêu cầu đề ra. Tính đến ngày 7/2/2023 mới có 25/63 tỉnh xây dựng kế hoạch lấy ý kiến Nhân dân và có 3 bộ, ngành gồm: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao tiến hành lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường – cơ quan chủ trì soạn thảo đã xây dựng trang web lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai tại địa chỉ: https://luatdatdai.monre.gov.vn/. Đến nay có khoảng 200 ý kiến của tổ chức, cá nhân góp ý đối với hệ thống lấy ý kiến qua trang web này, tập trung vào 4 nội dung: tài chính đất đai, thu hồi bồi thường, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và chuyển đổi đất khu công nghiệp và đất nông nghiệp…