Khủng hoảng Syria là đề tài nóng tại hội nghị Liên hiệp quốc
- Cập nhật: Thứ ba, 29/9/2015 | 7:45:06 AM
Cuộc xung đột đẫm máu tại Syria là đề tài nóng bỏng nhất tại cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở New York (Mỹ) hôm 28-9.
![]() |
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon kêu gọi lập tòa án quốc tế xét xử tội ác ở Syria
|
Tổng thư ký LHQ bày tỏ quan ngại đối với chiến sự ở Syria gây đau thương, mất mát cho thường dân nước này, đồng thời kêu gọi lập tòa án quốc tế xét xử tội ác ở Syria.
Đây là lần đầu tiên Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đề cập đến Tòa án hình sự quốc tế khi nhắc đến cuộc xung đột ở Syria, trong cuộc họp của Đại hội đồng LHQ diễn ra hôm 28.9 tại thành phố New York, Mỹ, theo AP.
Trong bài diễn văn đọc trước Đại hội đồng với sự tham gia của đại diện 193 quốc gia thành viên, Tổng thư ký Ban nói rằng nhiều thường dân Syria vô tội đã “phải trả giá cho những trận bom và cả những cuộc khủng bố”. Ấy vậy mà theo người đứng đầu LHQ, cho đến nay chưa có một sự trừng phạt nào đối với kẻ gây ra tội ác tàn bạo đó.
Lời kêu gọi của ông Ban mở đầu cho cuộc họp của Đại hội đồng với sự tham gia của những nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới gồm Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, là những người cũng có bài phát biểu trong cuộc họp này.
Theo người đứng đầu LHQ, Syria đang bị “xâu xé” bởi những nhóm quyền lực và ganh đua của khu vực, dẫn đến chiến sự kéo dài ở đây, năm nay là năm thứ 5 nội chiến xảy ra, giết hại hơn 250.000 thường dân vô tội, theo Fox News.
Tổng thư ký Ban kêu gọi 5 nước có vai trò quan trọng trong vấn đề của Syria gồm Nga, Mỹ, Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran hợp tác để tìm ra giải pháp nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Syria.
Tổng thư ký Ban cũng cảnh báo các nguồn lực giải quyết các cuộc khủng hoảng của LHQ đang sụt giảm nghiêm trọng. "Các nguồn lực hỗ trợ nhân đạo toàn cầu của LHQ gần như cạn kiệt", ông Ban nói. LHQ chỉ có khả năng hỗ trợ một nửa nhu cầu cần giúp của người dân ở Iraq, Nam Sudan và Yemen, và chỉ một phần ba trong số này cho Syria, Fox News cho hay.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng kêu gọi thế giới đoàn kết chống lại sự "tàn bạo trắng trợn" của các nhóm cực đoan, trong đó Nhà nước Hồi giáo (IS).
* Theo Reuters, ngay sau khi đọc bài phát biểu tại Đại hội đồng LHQ, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có cuộc gặp song phương để thảo luận về các đề xuất giải quyết khủng hoảng Syria.
Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có bài phát biểu tại Đại hội đồng LHQ và gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Matxcơva cho biết đã có kế hoạch lập “nhóm liên lạc quốc tế” về Syria bao gồm Nga, Mỹ, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Ai Cập. Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Bogdanov tiết lộ cả Nga và Mỹ đều sẽ tham gia các cuộc đàm phán hòa bình về Syria vào tháng tới cùng với các quốc gia thuộc nhóm liên lạc.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi thành lập một “cơ cấu điều phối khu vực” để chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Bên lề Đại hội đồng LHQ, ông Putin cũng sẽ gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Chủ tịch Cuba Raul castro.
Tổng thống Rouhani, một đồng minh thân cận của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đã khẳng định chính quyền Assad ở Damascus “không thể bị làm suy yếu” nếu cộng đồng quốc tế muốn đánh bại IS. Phương Tây cũng đã giảm quyết tâm lật đổ ông Assad.
Báo chí Anh đưa tin trong bài phát biểu trước LHQ, Thủ tướng Anh David Cameron sẽ tuyên bố rằng ông Assad có thể tạm thời giữ chiếc ghế quyền lực ở Damascus với tư cách là người đứng đầu một chính phủ chuyển tiếp.
Trước đó ông Cameron, ông Obama và Tổng thống Pháp Francois Hollande liên tục yêu cầu ông Assad phải từ chức. Nhưng Nga quyết liệt phản đối yêu cầu này. Ngoài việc đưa lực lượng quân sự đến Syria, Nga đã đạt thỏa thuận hợp tác về an ninh và tình báo với Iraq, Iran và Syria để chống IS.
Ước tính hơn 200.000 người dân Syria đã thiệt mạng kể từ khi nội chiến nổ ra năm 2011. Khoảng 4 triệu người đã di tản ra nước ngoài.
(Theo TNO - TTO)
Các tin khác

Kết quả sơ bộ cuộc bầu cử tại Catalonia, Tây Ban Nha cho thấy: Đảng Hội tụ và Dân chủ xứ Catalonia do ông Artur Mas đứng đầu đã giành thắng lợi.

Anh, Đức, Mỹ cho biết Tổng thống Syria Bashar al-Assad có thể lãnh đạo nước này trong thời kỳ chuyển tiếp nhưng không nên nắm quyền lâu dài trong tương lai.

Nhật Bản, nước chỉ nhận vỏn vẹn 11 người xin tị nạn trong tổng số 5.000 trường hợp hồi năm ngoái, vừa lên tiếng cam kết sẽ chi 810 triệu USD để giúp đỡ người tị nạn Syria và Iraq.