Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lại họp khẩn về Ghouta, Syria

  • Cập nhật: Thứ năm, 8/3/2018 | 9:35:02 AM

Liên Hợp Quốc ước tính hiện còn khoảng 400.000 người đang bị mắc kẹt tại Đông Ghouta, trong khi thực phẩm và vật tư y tế đã cạn kiệt.

Người dân Đông Ghouta nhận hàng viện trợ hôm 5/3/2018.
Người dân Đông Ghouta nhận hàng viện trợ hôm 5/3/2018.

Tối ngày 7/3 (theo giờ Việt Nam), Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ có cuộc họp khẩn để bàn về sự thất bại của lệnh ngừng bắn trong 30 ngày tại Syria. Cuộc họp do Pháp và Anh đề nghị này sẽ diễn ra trong bối cảnh các cuộc không kích và xung đột vẫn tiếp diễn tại khu vực Đông Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus của Syria, khiến nhiều thường dân thiệt mạng và gây ra thảm hỏa nhân đạo tại khu vực.

Hiệp hội Chữ thập Đỏ quốc tế (ICRC) thông báo, họ đã phải ngừng các hoạt động nhân đạo ở Ghouta vì bạo lực vẫn tiếp diễn. Kể từ khi xung đột leo thang ác liệt ở Ghouta hôm 18/2 tới nay, mới chỉ có duy nhất trong ngày 5/3 các đoàn xe cứu trợ và cứu thương của Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế vào được khu vực Đông Ghouta.

Đoàn cứu trợ gồm 46 xe tải chở 247 tấn lương thực và các nhu yếu phẩm cơ bản cho người dân Ghouta. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, đoàn cứu trợ sẵn sàng sơ tán tới 1.000 người dân, nhưng chỉ có 13 người, trong đó có 5 trẻ em đã được ra khỏi Ghouta.

Tình hình an ninh ở đây ngày càng tồi tệ bất chấp lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày của Liên Hợp Quốc và lệnh ngừng bắn đơn phương kéo dài 5 giờ mỗi ngày của Nga. 

Người đứng đầu Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế (ICRC) tại Trung Đông Krzysiek cho biết: "Hiện hàng ngàn người đang phải sống tại tầng hầm. Mọi người đều rất đói vì đã phải ở những nơi trú ẩn này quá lâu. Nhiều người đã phải ra ngoài kiếm đồ ăn, nhiều người trong số họ đã chết vì trúng phải đạn pháo”.

Liên Hợp Quốc ước tính hiện còn khoảng 400.000 người đang bị mắc kẹt tại Đông Ghouta, trong khi thực phẩm và vật tư y tế đã cạn kiệt. Theo thống kê, khoảng 800 người đã thiệt mạng kể từ ngày 18/2, riêng trong ngày 5/3 đã có 80 người thiệt mạng tại Ghouta.

Liên quan đến tình hình tại Syria, cùng ngày, quân đội Nga thông báo các tay súng đối lập Syria được phép mang theo vũ khí rời khỏi vùng Đông Ghouta cùng với gia đình qua hành lang nhân đạo. Phía Nga cho biết, lần này hành lang không chỉ được mở cho dân thường ở Đông Ghouta mà cho cả các tay súng và gia đình của họ.

"Những tay súng muốn rời khỏi Đông Ghouta cùng với vũ khí và gia đình của họ sẽ được Trung tâm hòa giải của Nga bảo đảm. Chúng tôi kêu gọi lãnh đạo các nhóm vũ trang làm mọi thứ càng sớm càng tốt để giúp dân thường thoát khỏi đau khổ và đảm bảo việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho Ghouta không bị cản trở”, người phát ngôn Trung tâm hòa giải Syria của Nga Yuri Yevtushenko cho biết.

Nga từng nhiều lần bày tỏ mong muốn lập hành lang an toàn để phiến quân cùng dân thường rút lui khỏi Đông Ghouta, qua đó cho phép quân đội Syria và các lực lượng thân cận được quyền đẩy nhanh tấn công các phẩn tử khủng bố cố thủ ở Đông Ghouta. 

Tuy nhiên, các nhóm phiến quân đã lợi dụng thiện chí của Nga để tiến hành hàng loạt cuộc pháo kích vào lực lượng Chính phủ Syria cũng như thủ đô Damascus. Ngoài ra, các nhóm phiến quân cũng bị tố cáo ngăn cản người dân rời khỏi vùng chiến sự, biến họ thành lá chắn sống trước các cuộc giao tranh khốc liệt.

Trước đó, ngày 24/2, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết 2401 yêu cầu chấm dứt ngay các hoạt động thù địch trên toàn Syria trong vòng 30 ngày, để cho phép các hoạt động vận chuyển "an toàn và đều đặn" hàng viện trợ và sơ tán những người ốm hoặc bị thương ở khu vực Đông Ghouta. Nghị quyết cũng yêu cầu chấm dứt tất cả các cuộc bao vây, bao gồm ở Đông Ghouta, Yarmouk, Foua và Kefraya, đồng thời yêu cầu tất cả các bên "chấm dứt việc cướp bóc thuốc men và thực phẩm của dân thường".

Tuy nhiên, bất chấp lệnh ngừng bắn, chiến sự tại Syria vẫn tiếp diễn, cướp đi sinh mạng của nhiều dân thường, cũng như đẩy nhiều người khác vào hoàn cảnh nguy hiểm. Giới phân tích nhận định, việc triển khai một lệnh ngừng bắn toàn diện vào thời điểm hiện nay là khó khả thi khi chưa tìm được tiếng nói chung giữa các bên tại Syria.
 
(Theo TTXVN)

Các tin khác
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.

Theo Reuters, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 6/3 cho rằng Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) không có cơ hội tiến hành xét xử ông vì "một triệu năm nữa" ICC cũng không có thẩm quyền truy tố ông.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.

Ngày 6/3, Ủy ban Bầu cử quốc gia Venezuela (CNE) đã công bố danh sách các ứng cử viên tham gia cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào ngày 20/5 tới, trong đó có đương kim Tổng thống Nicolas Maduro.

Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra.

Theo hãng tin Kyodo, Tòa án Tối cao Thái Lan ngày 6/3 đã mở lại phiên tòa xét xử tội danh tham nhũng đối với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, vốn bị hoãn lại sau khi ông này ra nước ngoài vào năm 2018, cũng như phát lệnh bắt giữ mới sau khi ông Thaksin không thực hiện lệnh triệu tập của tòa.

Một máy bay vận tải quân sự An-26 của Nga

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, ngày 6/3 một máy bay vận tải quân sự của nước này đã rơi ở Syria làm 32 người thiệt mạng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục