Phát biểu khi tới Brussels (Bỉ) dự Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng May xác nhận trước thềm cuộc bầu cử tiếp theo của Anh, dự kiến trong năm 2022 là thời điểm thích hợp để bà từ chức.
Nghị sĩ đảng Bảo thủ Alec Shelbrooke và một số thành viên nội các Anh cũng xác nhận, bà Theresa May sẽ không lãnh đạo đảng này tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử năm 2022.
Trước đó, vào tối 12-12 (theo giờ địa phương) Thủ tướng Theresa May đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong đảng Bảo thủ với 200 phiếu ủng hộ và 117 phiếu phản đối.
Đây là kết quả đã được dự báo từ trước, vì ngay sau khi kế hoạch bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với bà May được thông báo vào sáng cùng ngày, đa số các nghị sĩ đảng Bảo thủ tại Hạ viện, trong đó có toàn bộ các thành viên nội các, đã công khai tuyên bố sẽ bỏ phiếu tiếp tục ủng hộ bà trên cương vị người đứng đầu đảng Bảo thủ, cùng với đó là cương vị Thủ tướng Anh.
Ngay trong khi quá trình bỏ phiếu và kiểm phiếu còn đang diễn ra tại Hạ viện, một loạt các nhân vật tên tuổi trong đảng Bảo thủ đã đăng công khai lá phiếu ủng hộ Thủ tướng của mình trên các mạng xã hội. Nghị sĩ Alan Duncan kêu gọi các nghị sĩ Bảo thủ trong đảng của mình ủng hộ bà May, "vì lợi ích của nước Anh, Chính phủ và đảng Bảo thủ”. Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Liam Fox cho rằng, đây là thời điểm "hoàn toàn không thích hợp” cho một cuộc đua thay thế vị trí lãnh đạo nước Anh.
Việc vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với 200 phiếu ủng hộ có thể xem là một thắng lợi lớn đối với bà May, người trở thành lãnh đạo của đảng Bảo thủ năm 2016 với 199 phiếu ủng hộ. Chiến thắng này càng trở nên có ý nghĩa tại thời điểm khó khăn này đối với Thủ tướng Anh trong việc khẳng định uy tín của mình trước sức ép từ mọi phía những ngày vừa qua, và tranh thủ thêm sự ủng hộ của các nghị sĩ Bảo thủ đối với thỏa thuận Brexit đạt được giữa Anh và EU hồi tháng 11.
Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm này là kết quả trực tiếp của việc Thủ tướng Anh quyết định hoãn việc đưa thỏa thuận Brexit ra thông qua tại Hạ viện vào ngày 11-12 như kế hoạch ban đầu, vì triển vọng thất bại là gần như chắc chắn khi có hơn 100 nghị sĩ trong đảng Bảo thủ khẳng định sẽ bỏ phiếu chống.
Đảng Bảo thủ của bà May chỉ chiếm 317 trong tổng số 650 ghế tại Hạ viện Anh sau cuộc bầu cử sớm năm 2016, và phải liên minh với đảng Dân chủ Tự do Bắc Ireland (DUP) (với 10 ghế tại Hạ viện) mới có thể thành lập chính phủ. Số nghị sĩ Bảo thủ phản đối thỏa thuận Brexit hiện tại là những người theo quan điểm ủng hộ Brexit cứng. Họ cho rằng thỏa thuận Brexit hiện tại của bà May sẽ khiến nước Anh tiếp tục bị ràng buộc với EU vô thời hạn, và không được tự do đàm phán các thỏa thuận thương mại với những đối tác khác ngoài EU sau Brexit. Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond đã gọi các nghị sĩ Bảo thủ đứng sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm này là những "kẻ cực đoan” đang tìm cách thúc đẩy kịch bản Brexit không thỏa thuận.
Việc vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong đảng Bảo thủ không thay đổi một thực tế rằng, thách thức lớn nhất đối với Thủ tướng Anh trong những ngày tới vẫn là làm thế nào để thông qua được thỏa thuận Brexit tại Hạ viện. Nếu bà May không giành được những nhượng bộ đủ sức thuyết phục sau các cuộc gặp với những nhà lãnh đạo châu Âu từ nay đến cuối tuần, ít có khả năng thỏa thuận Brexit hiện tại sẽ giành đủ đa số phiếu ủng hộ khi được đưa ra thông qua trở lại sau Giáng sinh. Bên cạnh đó, còn phải kể đến nguy cơ về một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm khác đối với Thủ tướng Anh và chính phủ của bà, lần này là tại Hạ viện, do Công đảng đối lập phát động.
Thủ tướng Anh khẳng định, bà vẫn đang đạt được tiến triển trong đàm phán với các nhà lãnh đạo châu Âu, và cam kết sẽ thực hiện đến cùng kết quả cuộc trưng cầu dân ý của cử tri Anh về Brexit. Trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, bà May cũng đã cảnh báo, mọi nỗ lực thay thế người đứng đầu chính phủ lúc này đều chỉ đe dọa trì hoãn hoặc đảo ngược hoàn toàn tiến trình Brexit, vì bất kỳ ai kế nhiệm bà cũng sẽ không có đủ thời gian để đàm phán một thỏa thuận với EU.
(Theo HNMO)