Trung Quốc ra luật mới, dọa phạt tàu cá nước ngoài

  • Cập nhật: Thứ ba, 28/12/2021 | 3:38:50 PM

Trung Quốc ban hành quy định mới, đe dọa phạt nặng ngư dân nước ngoài đánh bắt trong vùng biển mà nước này cho là thuộc quyền tài phán của mình.

Tàu hải cảnh Trung Quốc tại Biển Đông tháng 4/2017.
Tàu hải cảnh Trung Quốc tại Biển Đông tháng 4/2017.

Quy định mới mang tên "Tiêu chuẩn tùy nghi xử phạt hành chính nghề cá trên biển" có hiệu lực từ ngày 26/11, song chỉ được công bố trên cổng thông tin của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc hôm 22/12.

Theo quy định trên, ngư dân nước ngoài có thể bị phạt tới 400.000 nhân dân tệ (62.700 USD) nếu hoạt động không có sự đồng ý của Trung Quốc trong "vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa" mà nước này tuyên bố. Những ngư dân này cũng có thể bị hải cảnh Trung Quốc xua đuổi và tịch thu ngư cụ.

Nếu ngư dân nước ngoài đánh bắt trong khu vực Trung Quốc coi là "lãnh hải" hoặc sát bờ biển nước này, họ có thể bị phạt tới 500.000 nhân dân tệ (78.500 USD) và bị tịch thu tàu thuyền.

Quy định mới của Trung Quốc còn cảnh báo nếu các "hoạt động bất hợp pháp" xảy ra tại một khu vực mà chính quyền địa phương đã quy định mức xử phạt nặng hơn thì sẽ áp dụng hình phạt của địa phương trước.

Giới chức Trung Quốc cho biết các quy định mới được đưa ra nhằm tiêu chuẩn hóa các hình thức xử phạt hành chính trong lĩnh vực nghề cá và "đảm bảo công bằng, chính đáng và hợp lý". Quy định này đang được áp dụng thử nghiệm trước khi có hiệu lực lâu dài.

Giới quan sát lo ngại Trung Quốc sẽ áp dụng quy định mới trên Biển Đông, nơi nước này đơn phương nêu yêu sách chủ quyền phi lý, thậm chí cho rằng một số vùng biển thuộc "lãnh hải" của mình trái với quy định của luật pháp quốc tế.

Đây không phải lần đầu Trung Quốc đơn phương đưa ra các quy tắc mang tính áp đặt trên biển. Từ năm 1999, Trung Quốc hàng năm đều tự ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và các nước trong khu vực.

Đầu năm nay, Trung Quốc cũng thông qua luật cho phép hải cảnh dùng vũ lực với tàu nước ngoài hoạt động trong vùng biển nước này tuyên bố chủ quyền, động thái có thể khiến căng thẳng gia tăng trong khu vực.

Khi bình luận về luật hải cảnh này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trong thông cáo hồi tháng 1 đề nghị các nước khi ban hành và triển khai văn bản pháp luật quốc gia liên quan đến biển cần tuân thủ luật pháp, điều ước quốc tế mà mình là thành viên, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS)

"Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển phù hợp với UNCLOS và sẽ kiên quyết, kiên trì các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ các quyền hợp pháp, chính đáng đó", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam nói thêm.

(Theo VnExpress)

Các tin khác
Cuộc họp qua video giữa ông Ngụy và ông Kishi vào ngày 27-12 là cuộc họp đầu tiên giữa hai bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản và Trung Quốc kể từ tháng 12-2020

Ngày 28-12, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi đã đồng ý mở đường dây nóng quân sự với Trung Quốc vào năm 2022.

Bão tuyết nghiêm trọng ảnh hưởng tới hàng chục nghìn người dân tại Mỹ.

Một cơn bão tuyết cường độ cực mạnh đã tấn công miền Tây nước Mỹ, làm đảo lộn cuộc sống của hàng chục nghìn người, trong khi đó số người thiệt mạng vì lũ lụt tại bang Bahia, Brazil tăng lên 20 người.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un

Hãng thông tấn trung ương (KCNA) của Triều Tiên đưa tin nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã khai mạc Hội nghị toàn thể lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên (WPK) lần thứ 8 hôm 27/12.

Tuyết rơi dày ở thành phố Nagoya, miền Trung Nhật Bản ngày 27/12/2021.

Ngày 27/12, tuyết rơi dày tại Nhật Bản đã gây ách tắc giao thông, khiến nhiều chuyến bay bị hủy và làm gián đoạn dịch vụ đường sắt tại miền Trung nước này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục