Đây là thông tin do người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết.
Ông Josep Borrell xác nhận, 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu đã nhất trí về các biện pháp trừng phạt Nga tại một cuộc họp không chính thức ở Paris (Pháp) bên lề một diễn đàn quốc tế.
Các biện pháp trừng phạt sẽ nhắm vào một số thành viên Quốc hội Nga, những người ủng hộ việc công nhận các khu vực ly khai là độc lập ở Ukraine, một quyết định được Tổng thống Vladimir Putin đưa ra hôm 21/2.
Ông Borrell nói trong cuộc họp báo với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian: "Các lệnh trừng phạt sẽ gây tổn hại cho Nga và sẽ gây tổn hại rất nhiều".
Các mục tiêu đóng băng tài sản và cấm thị thực sẽ được áp đặt đối với 351 thành viên của Duma, Hạ viện Nga, những cá nhân đã kêu gọi ông Putin công nhận hai khu vực ly khai ở Ukraine là quốc gia độc lập, ông Borrell nói thêm.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, quốc gia giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU, cho biết, các nước thành viên EU đã "nhất trí về một gói trừng phạt ban đầu". Ông cáo buộc Nga "vi phạm luật pháp quốc tế" và "vi phạm các cam kết của mình". Liên minh châu Âu đã sẵn sàng áp dụng các gói trừng phạt tiếp theo dựa trên diễn biến của cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố, Anh sẽ áp đặt lệnh trừng phạt đối với nhà tài phiệt Timchenko và 5 ngân hàng của Nga.
Theo ông Borrell, EU cũng đồng ý nhắm mục tiêu vào 27 cá nhân và thực thể "đang đóng vai trò phá hoại hoặc đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và độc lập của Ukraine". Các ngân hàng cấp vốn cho những nhà hoạch định chính sách của Nga và nhiều hoạt động khác ở các vùng lãnh thổ này cũng đang bị nhắm tới.
Vào tối 22/2, các Đại sứ EU nhóm họp tại Brussels (Bỉ), khi các lệnh trừng phạt dự kiến sẽ được chính thức thông qua.
Ông Le Drian thông tin, sau tuyên bố của Tổng thống Putin về việc công nhận các khu vực ly khai, ông sẽ hủy lời mời từ Paris (Pháp) tới người đồng cấp Nga Sergei Lavrov liên quan đến việc hội đàm.
Trong khi đó, ông Borrell nói thêm rằng, "hành động ngoại giao sẽ tiếp tục ngăn chặn một cuộc chiến tranh ở trung tâm châu Âu".
Liên quan đến việc trừng phạt Nga, ngày 22/2, Anh đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với ông Gennady Timchenko và hai tỷ phú khác có liên hệ mật thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin sau khi ông Putin triển khai lực lượng quân sự tới hai khu vực ly khai ở miền Đông Ukraine.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, Nga đang hướng tới "tình trạng pariah" (bị ruồng bỏ trong cộng đồng quốc tế) và thế giới hiện phải chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo trong kế hoạch của ông Putin, đồng thời nói rằng Điện Kremlin đang đặt nền móng cho việc tấn công toàn diện vào Ukraine.
Ông Johnson nói với Quốc hội Anh rằng 5 ngân hàng gồm Rossiya, IS Bank, GenBank, Promsvyazbank và Black Sea Bank nằm trong danh sách bị trừng phạt, cùng với 3 người gồm ông Timchenko và hai anh em Igor và Boris Rotenberg.
Trong số năm ngân hàng bị trừng phạt, chỉ có Promsvyazbank nằm trong danh sách các tổ chức tín dụng quan trọng của Ngân hàng trung ương Nga.
Ngày 22/2, Thủ tướng Đức tuyên bố, nước này bắt đầu thực hiện các bước đi trong lộ trình tạm dừng việc triển khai dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy Phương Bắc 2. Quá trình này được thực hiện từng bước dựa trên những diễn biến tiếp theo liên quan tới khủng hoảng Ukraine.
(Theo VOV)