Đáng chú ý, những cuộc tấn công khủng bố có dấu hiệu gia tăng trong thời gian gần đây đang làm dấy lên mối lo ngại về sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vốn đã suy yếu sau khi thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi bị tiêu diệt.
Theo Viện Quốc tế và An ninh Đức, trong 6 tháng qua, chi nhánh địa phương của IS có tên gọi Nhà nước Hồi giáo tỉnh Khorasan (IS-K) đã thực hiện hàng chục cuộc tấn công vào lực lượng an ninh và dân thường ở thành trì cũ của IS tại Nangarhar, Thủ đô Kabul, cũng như Kandahar, Kunduz và Kunar. Đây được cho là một thách thức lớn đối với chính quyền Taliban đang trong tình trạng thiếu kinh phí, nhân sự và bộ máy tổ chức còn chưa ổn định. Do đó, Taliban khó có thể triển khai kiểm soát hiệu quả trên toàn bộ lãnh thổ Afghanistan để tiếp tục kiềm chế các nhóm cực đoan liên quan tới IS.
Hiện tại, IS-K là chi nhánh IS mạnh nhất trên thế giới. Bất chấp bị truy quét và tổn thất liên tục, nhóm khủng bố có trụ sở tại Hindu Kush đã chứng tỏ khả năng trỗi dậy cao. Số liệu thống kê của một số quốc gia thành viên Liên hợp quốc đầu tháng này cho thấy, IS-K đã tăng gần gấp đôi quân số kể từ khi Mỹ rút khỏi Afghanistan, lên gần 4.000 tay súng.
Nhóm Al-Qaeda cũng đang có dấu hiệu "tái xuất” thông qua sự xuất hiện của chục thành viên cấp cao của nhóm này, bao gồm cả thủ lĩnh Ayman al-Zawahiri. Riêng nhánh Al-Qaeda ở tiểu lục địa Ấn Ðộ được cho là có tới 400 chiến binh ở Afghanistan.
Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc về Afghanistan Deborah Lyons cảnh báo, IS hiện đã có mặt ở hầu hết các tỉnh của Afghanistan và đã tăng số lượng các cuộc tấn công từ khoảng 60 cuộc vào năm 2020 lên hơn 330 cuộc vào năm 2021. Hàng chục quân Taliban ở các tỉnh Logar, Nangarhar và Kunar đã bị sát hại từ tháng 12-2021 đến tháng 1-2022.
Nói một cách khác, những thiếu hụt về mặt an ninh sẽ tạo điều kiện để IS-K và các nhóm cực đoan mở rộng hoạt động ra ngoài lãnh thổ Afghanistan. Trong khi các quốc gia láng giềng gồm: Pakistan, Iran, Uzbekistan và Tajikistan đặc biệt gặp rủi ro, thì châu Âu cũng có thể trở thành mục tiêu.
Trả lời phỏng vấn báo Indian Express mới đây, Tướng Kenneth McKenzie thuộc Bộ tư lệnh Trung tâm Mỹ cho biết, hiện IS hoành hành cả ở những khu vực do chính quyền Afghanistan kiểm soát. Đây là một nguy cơ đáng lo ngại. Trong khi đó, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) Stanislav Zas cảnh báo, sự xuất hiện trở lại của các nhóm khủng bố bao gồm Al-Qaeda và IS không chỉ là mối đe dọa đối với Afghanistan mà còn đối với toàn khu vực.
Mặc dù chính quyền Taliban khẳng định, mối đe dọa từ các chiến binh IS sẽ được giải quyết và Taliban sẽ không để Afghanistan trở thành căn cứ cho các cuộc tiến công vào các nước khác, tuy nhiên, theo nhận định của các nhà phân tích, chỉ khi Afghanistan bình ổn về mọi mặt, nguy cơ khủng bố mới có thể bị đẩy lùi.
Trong khi đó, vào thời điểm hiện tại, hàng triệu dân ở quốc gia này đang chịu cảnh đói kém cùng cực, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 30%, hệ thống giáo dục và dịch vụ xã hội bên bờ vực sụp đổ. Liên hợp quốc đã phải kêu gọi dành 4,4 tỷ USD hỗ trợ nhân đạo cho Afghanistan trong năm 2022 và 3,6 tỷ USD cho giáo dục, hạ tầng cơ bản, thúc đẩy sinh kế và gắn kết xã hội.
Những bất ổn về an sinh xã hội có thể là nguyên nhân thúc đẩy bất mãn lên cao và hạ thấp uy tín của chính quyền Taliban. Điều này sẽ tạo cơ hội cho các nhóm khủng bố, đặc biệt là IS-K, vốn đang coi Taliban như một đối thủ chiến lược, thực hiện chiêu bài tuyển mộ và mở rộng lực lượng tại quốc gia đã hơn nửa thế kỷ chìm trong nội chiến này.
(Theo HNMO)