"Tình hình diễn biến quanh Donbass là kết quả tồi tệ từ sự thiếu linh hoạt và thiếu ý chí của giới chức. Trong các cuộc bầu cử, 2/3 cử tri Ukraine bỏ phiếu cho hòa bình, để đưa Ukraine trở lại với Donbass và Donbass về với Ukraine. Nhưng chính phủ, vốn nhận được sự tín nhiệm lớn của công chúng, đã không thể đương đầu với nhiệm vụ mang tầm quan trọng quốc gia này", tuyên bố hôm 22/2 của đảng đối lập Opposition Platform - For Life cho hay.
Opposition Platform - For Life có 44 trên tổng số 450 ghế trong quốc hội Ukraine. Theo đảng này, trong hai năm rưỡi qua, bất chấp kêu gọi của các đối tác nước ngoài và phe đối lập tại Ukraine, yêu cầu của người dân cũng như nghĩa vụ quốc tế, chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky đã không có bước đi nào nhằm thực hiện vai trò chính trị của các thỏa thuận Minsk, hòa bình và thống nhất.
Ngược lại, đại diện của chính quyền liên tục tuyên bố không vụ lợi, yêu cầu sửa đổi và đơn giản là không chấp hành thỏa thuận, tuyên bố tiếp tục nêu.
"Những người theo chính sách của cựu tổng thống Petro Poroshenko đã phớt lờ khuôn khổ thỏa thuận quốc tế về trao trả Donbass và khiến đất nước leo thang xung đột nghiêm trọng. Opposition Platform - For Life tin rằng chính phủ nên ra đi vì không thể khôi phục hòa bình và giành lại Donbass. Đất nước và công dân Ukraine không nên trả giá cho sự hèn nhát, tham vọng và vô trách nhiệm của các chính trị gia. Sự thất bại của chính phủ Zelensky không nên là thất bại đối với đất nước", tuyên bố nhấn mạnh.
Zelensky, cựu diễn viên truyền hình kiêm diễn viên hài, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 4/2019 trước Poroshenko, người là tổng thống Ukraine từ tháng 5/2014.
"Trong mọi tình huống, chúng tôi sẽ tiếp tục theo hướng các cuộc đàm phán theo thỏa thuận Minsk và hướng tới mục tiêu đạt lệnh ngừng bắn", Zelensky nói khi đó.
Hai tỉnh Donetsk và Lugansk nằm ở vùng Donbass phía đông Ukraine, trở thành điểm nóng giao tranh từ năm 2014, sau khi người dân ở đây đòi tăng quyền tự trị bất thành và tổ chức phong trào phản kháng vũ trang. Chính phủ Ukraine hai lần phát động chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm giành lại quyền kiểm soát Donbass nhưng đều không thành công.
Căng thẳng xung quanh Ukraine tăng nhiệt từ cuối năm ngoái, sau khi Mỹ và nhiều đồng minh phương Tây cáo buộc Nga tập trung hơn 100.000 quân ở biên giới phía tây để lên kế hoạch tấn công nước láng giềng. Trong những tuần qua, Mỹ liên tục phát cảnh báo Nga "sắp tấn công".
Nga nhiều lần khẳng định mọi hoạt động quân sự ở biên giới là vấn đề nội bộ và chỉ nhằm mục tiêu diễn tập trước mối đe dọa từ kịch bản NATO mở rộng sang phía đông, đồng thời chỉ trích Mỹ và đồng minh phóng đại nguy cơ chiến tranh.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 21/2 ký sắc lệnh công nhận độc lập Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) và Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, lệnh cho Bộ Quốc phòng Nga điều quân tới khu vực này làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo tại Mosvka ngày 22/2, Putin nói rằng quyết định điều quân đến đông Ukraine "phụ thuộc vào tình hình thực địa".
Trong phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 22/2, Mỹ và các nước phương Tây lên án động thái của Nga. Trong khi đó, Nga cáo buộc Ukraine phá hoại thỏa thuận Minsk và chỉ trích phương Tây đẩy Ukraine về phía xung đột. Tuy nhiên, phía Nga nhấn mạnh vẫn để mở cánh cửa ngoại giao trong khủng hoảng Ukraine.
(Theo VnExpress)