Mỹ ban hành luật hỗ trợ cựu chiến binh bị phơi nhiễm chất độc

  • Cập nhật: Thứ năm, 11/8/2022 | 2:40:40 PM

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành đạo luật "Giải quyết toàn diện vấn đề chất độc" nhằm mở rộng quyền lợi cho hàng triệu cựu chiến binh bị phơi nhiễm chất độc trong chiến tranh.

Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 10/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành đạo luật nhằm mở rộng quyền lợi cho hàng triệu cựu chiến binh bị phơi nhiễm chất độc trong chiến tranh và để lại hậu quả nặng nề về sức khỏe.

Đạo luật "Giải quyết toàn diện vấn đề chất độc" (PACT) cũng nhằm mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe đối với nhiều tình trạng liên quan phơi nhiễm chất độc, theo đó cựu chiến binh không phải chứng minh bệnh tật của họ liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Trong một tuyên bố, Tổng thống Biden cho biết PACT là đạo luật quan trọng nhất mà Mỹ từng thông qua để hỗ trợ hàng triệu cựu chiến binh bị phơi nhiễm chất độc trong thời gian quân ngũ.

Tổng thống Biden ký ban hành PACT sau một tiến trình lập pháp kéo dài nhiều tháng.

Tham dự lễ ký có Bộ trưởng Cựu chiến binh Denis McDonough, các thành viên của Quốc hội, các cựu chiến binh bị phơi nhiễm chất độc và đại diện các tổ chức cựu chiến binh.

Đạo luật PACT do Danielle Robinson và Brielle Robinson - vợ và con gái của Thượng nghị sỹ Heath Robinson - đề xuất.

Ông Heath Robinson đã qua đời vì một dạng ung thư phổi hiếm gặp, phát triển do tiếp xúc với chất độc trong thời gian làm nhiệm vụ ở Iraq và Kosovo. Đạo luật này mang tên ông Heath Robinson.

Tên gọi đầy đủ của đạo luật là "The Sergeant First Class Heath Robinson Honoring our Promise to Address Comprehensive Toxics."

Thượng viện Mỹ ban đầu đã thông qua dự luật vào tháng 6/2022 với 84 phiếu ủng hộ và 14 phiếu chống, trước khi Hạ viện thông qua dự luật với tỷ lệ phiếu 342-88 vào tháng Bảy và chuyển lại Thượng viện do những thay đổi kỹ thuật.

Tuy nhiên, cuối tháng Bảy, Thượng viện đã thiếu 5 phiếu trong số 60 phiếu cần thiết để thông qua dự luật.

Thượng viện Mỹ sau đó đã thông qua dự luật với tỷ lệ phiếu 86-11 vào ngày 2/8 vừa qua, trong đó tất cả các phiếu chống đến từ các thành viên đảng Cộng hòa do lo ngại vấn đề kinh phí.

Đạo luật PACT mở rộng điều kiện hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo quy định của Bộ Cựu chiến binh Mỹ đối với các cựu chiến binh phục vụ sau vụ khủng bố 11/9

Đạo luật tạo ra một khuôn khổ để thiết lập các tiêu chuẩn mới liên quan đến phơi nhiễm chất độc, theo đó bổ sung 23 bệnh liên quan đến bỏng nhiệt và các bệnh này sẽ được điều trị theo thời gian.

Đạo luật cũng mở rộng các tiêu chuẩn liên quan đến phơi nhiễm chất độc da cam từ thời Chiến tranh Việt Nam đối với các cựu chiến binh từng phục vụ ở Thái Lan, Campuchia, Lào và đảo Guam.

(Theo Vietnam+)

Các tin khác
Hệ thống THAAD tại Seongju năm 2017.

Văn phòng tổng thống Hàn Quốc vừa nhấn mạnh hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ được triển khai tại Hàn Quốc là công cụ tự vệ, phản ứng lại lời kêu gọi của Trung Quốc về việc hạn chế sử dụng hệ thống này.

Binh sĩ Nga canh gác bên ngoài nhà máy Zaporozhye.

“Chúng tôi yêu cầu Nga ngay lập tức trao lại toàn quyền kiểm soát nhà máy Zaporozhye cho chủ sở hữu hợp pháp là chính quyền Ukraine”, trích tuyên bố được đưa ra hôm 10/8 bởi các Ngoại trưởng Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh và Mỹ.

Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi.

Thủ tướng Iraq, ông Mustafa al-Kadhemi ngày 10/8 đã tham dự lễ khởi công tái thiết sân bay quốc tế Mosul, 5 năm sau cuộc chiến đẩy tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng ra khỏi thành phố này.

Ảnh minh hoạ.

Lệnh cấm hoàn toàn của Liên minh châu Âu (EU) đối với than nhập khẩu từ Nga bắt đầu có hiệu lực từ đêm 10/8, vào thời điểm khối đang vật lộn với chi phí năng lượng tăng vọt sau khi xung đột tại Ukraine diễn ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục