Đức thừa nhận sai lầm trong thảm kịch tại Thế vận hội Munich 1972

  • Cập nhật: Thứ tư, 7/9/2022 | 9:31:38 AM

11 vận động viên Israel và một cảnh sát đã bị sát hại trong Thế vận hội Olympic Munich khai mạc vào ngày 26-8-1972. Diễn biến mới nhất cho thấy, Nhà nước Đức lần đầu tiên thừa nhận “trách nhiệm” của mình trong những thất bại dẫn đến thảm kịch 50 năm trước.

Kế hoạch thất bại

Ông Hans Völkl vẫn cảm thấy hơi buồn nôn khi nghe thấy âm thanh của cánh quạt. Nó khiến ông nhớ đến tiếng gầm rú của hai chiếc trực thăng Bell-UH 1, âm thanh đã gắn bó với ông kể từ đêm 6-9-1972. Vào thời điểm đó, Völkl là một người lính trẻ của quân đội Đức đóng quân tại một căn cứ không quân ngay bên ngoài Munich, Bavaria, cách Munich chỉ 20km.

Sáng 6-9, những kẻ khủng bố người Palestine đã đột nhập khu vực của đội Olympic Israel, bắn chết vận động viên cử tạ Josef Romano và huấn luyện viên đấu vật Mosche Weinberg và bắt 9 người Israel khác làm con tin. Đến tối, 8 kẻ khủng bố lên 2 trực thăng cùng với 9 con tin, yêu cầu thả một số đồng đội của họ đang bị giam ở các nhà tù tại Israel và Đức đã không thành công. Sau nhiều giờ đàm phán, Bộ trưởng Nội vụ Đức Hans-Dietrich Genscher hứa sẽ để nhóm khủng bố tới Thủ đô Cairo của Ai Cập an toàn. 

Ông đảm bảo với họ rằng, máy bay trực thăng sẽ đưa họ đến sân bay Riem, nơi có một chiếc máy bay chở khách đang đợi. Tuy nhiên, thay vào đó, các phi công của Lực lượng Biên phòng Liên bang đã cho máy bay đến căn cứ không quân Bundeswehr ở Fürstenfeldbruck. Ở đó, Völkl thấy những chiếc trực thăng hạ cánh ngay trước cửa sổ của văn phòng ở tầng trệt của ông vào lúc 22h30.

Kế hoạch của lực lượng cảnh sát đặc nhiệm là cho các tay súng bắn tỉa nhanh chóng tiêu diệt những kẻ khủng bố và giải thoát các con tin. Nhưng kế hoạch đã sai lầm khủng khiếp. Những kẻ bắt giữ con tin đã bắn trả bằng súng Kalashnikovs, trong khi quân Đức phối hợp kém. Giải cứu con tin chưa bao giờ là một phần trong khóa đào tạo của cảnh sát trước đó và các binh sĩ tại hiện trường không liên lạc trước với nhau. Völkl và đồng đội thậm chí còn không được thông báo rằng, những kẻ khủng bố và con tin đang đến Fürstenfeldbruck.

Tại cuộc đấu súng, một sĩ quan cảnh sát bị bắn vào đầu ngay trước mắt Völkl. Những tràng pháo nổ vang khắp sân bay đến tận nửa đêm. Sau đó, có một vụ nổ lớn. Một tên khủng bố đã ném lựu đạn vào một trong những chiếc trực thăng - nơi các con tin vẫn đang bị trói. Khi trời sáng, ngoài cảnh sát Fliegerbauer, 5 trong số những kẻ khủng bố đã bị bắn chết, không có con tin Israel nào sống sót.

Sau hàng thập kỷ chìm trong im lặng

Thế vận hội Olympic ở Munich được kỳ vọng là một lễ kỷ niệm hòa bình, đánh dấu 27 năm kết thúc Thế chiến thứ hai và nạn diệt chủng, trong đó Đức quốc xã sát hại 6 triệu người Do Thái. Nhưng người Do Thái lại bị sát hại trên đất Đức và nhà nước Đức đã không bảo vệ được họ.

Sau khi Thế vận hội tạm dừng chỉ một ngày và tổ chức tang lễ, các cuộc tranh tài ở Munich vẫn tiếp diễn. Không có lời xin lỗi nào từ các chính trị gia hoặc cảnh sát về thất bại ở Fürstenfeldbruck. Không có ủy ban điều tra nào được thành lập, không ai nhận trách nhiệm về chiến dịch giải cứu thất bại. 

Mặt khác, những người thân của nạn nhân đã phải đấu tranh hàng thập kỷ để các hồ sơ liên quan được điều tra kỹ càng hơn và để được bồi thường thỏa đáng hơn. Chỉ trong khoảng 10 năm trở lại đây, người ta mới nỗ lực ghi nhớ và đối đầu với các sự kiện, đơn cử như lập một đài tưởng niệm ở Công viên Olympic của Munich.

Trong diễn biến mới nhất, ngày 5-9, phát biểu với Tổng thống Israel Isaac Herzog đang ở thăm Đức để tham gia lễ tưởng niệm 11 vận động viên Israel bị các tay súng Palestine sát hại tại Thế vận hội Munich năm 1972, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier đã cầu mong sự tha thứ từ gia đình của các vận động viên Israel tại Thế vận hội Munich. 

Tại lễ tưởng niệm diễn ra ở căn cứ không quân Fürstenfeldbruck, nơi xảy ra vụ tấn công khủng bố 50 năm trước, ông Steinmeier nói: "Chúng tôi không thể bù đắp cho những tổn thất đã xảy ra cũng như sự bất công mà các bạn đã trải qua và phải chịu đựng. Điều đó khiến tôi xấu hổ. Với tư cách là người đứng đầu đất nước và nhân danh Cộng hòa Liên bang Đức, tôi cầu mong sự tha thứ của các bạn vì sự bảo vệ không đầy đủ đáng tiếc dành cho các vận động viên Israel tại Thế vận hội Olympic ở Munich cũng như cuộc điều tra không đầy đủ sau đó”.

Chuyến thăm của Tổng thống Israel tới Munich diễn ra sau khi Đức và gia đình các nạn nhân Israel đạt được một thỏa thuận bồi thường vào phút chót hồi tuần trước. Theo đó, Đức đồng ý bồi thường 28 triệu euro cho người thân các nạn nhân. Trong thỏa thuận này, Nhà nước Đức lần đầu tiên thừa nhận "trách nhiệm” của mình trong những thất bại dẫn đến cái chết của 11 người Israel.

(Theo ANTĐ)

Các tin khác
Đoàn xe chở các thanh sát viên của IAEA tới nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở miền nam Ukraine, ngày 1/9/2022.

Lò phản ứng hoạt động cuối cùng của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine đã không còn kết nối với lưới điện, sau khi cơ sở này bị ngắt khỏi đường dây điện còn lại.

Bà Liz Truss phát biểu tại London, Anh, ngày 5/9/2022.

Sau khi đảng Bảo thủ cầm quyền tại Anh ngày 5/9 công bố kết quả bầu chọn vòng cuối cho thấy Ngoại trưởng Liz Truss đã vượt qua cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak để trở thành người kế nhiệm Thủ tướng Boris Johnson, các chính trị gia Anh và nước ngoài đã gửi lời chúc mừng tới bà.

Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Hôm 5/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin phê duyệt học thuyết chính sách đối ngoại mới dựa trên khái niệm "Thế giới Nga".

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu tại cuộc họp báo ở Tokyo ngày 10/8/2022.

Chính phủ Nhật Bản đang lên kế hoạch sửa đổi Hiến chương Hợp tác Phát triển - văn bản quy định các định hướng cấp vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) của nước này cho các nước đang phát triển.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục