Kế hoạch tang lễ của Nữ hoàng Elizabeth II; Quốc ca Vương quốc Anh thay đổi sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/9/2022 | 2:20:14 PM

Kế hoạch tổ chức tang lễ của Nữ hoàng Elizabeth II đã được Hoàng gia Anh chuẩn bị cẩn thận trong một thời gian dài, thậm chí còn được đích thân Nữ hoàng thông qua.

Nữ hoàng Anh Elizabeth II
Nữ hoàng Anh Elizabeth II

Ngày 8/9 theo giờ địa phương, Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã qua đời tại lâu đài Balmoral ở Scotland, hưởng thọ 96 tuổi.

Dự kiến, lễ quốc tang Nữ hoàng Elizabeth II sẽ diễn ra trong 10 ngày. Quan tài của Nữ hoàng sẽ được rước từ lâu đài Balmoral tới cung điện Holyrood, sau đó là nhà thờ St. Giles, nơi sẽ cử hành một buổi lễ với sự tham gia của các thành viên Hoàng gia Anh.

Sau đó, thi hài Nữ hoàng sẽ được di chuyển về Cung điện Buckingham trước khi được quàn tại Hội trường Westminster ở thủ đô London để quan khách và người dân trên khắp thế giới có thể đến viếng bà trong 5 ngày.

Nghi lễ quốc tang sẽ được tổ chức tại Tu viện Westminster. Sau đó, một đoàn rước lớn sẽ đưa di quan của Nữ hoàng Elizabeth II đi qua một số địa điểm tại London trước khi được hạ xuống hầm mộ hoàng gia.

Hiện các thông tin chi tiết về lễ tang chưa được công bố.


Tang lễ của Hoàng thái hậu Elizabeth, thân mẫu của Nữ hoàng Elizabeth II

Sau khi Nữ hoàng Anh Elizabeth II qua đời, con trai cả của bà - Thái tử Charles, đã trở thành tân vương của quốc gia này, với vương hiệu Vua Charles III. Lễ đăng quang chính thức của ông nhiều khả năng sẽ được tổ chức tại Cung điện St. James's vào thứ 7, ngày 10/9.

Nữ hoàng Elizabeth II, sinh ra ở London, Anh vào năm 1926. Bà là con gái đầu lòng của Đức vua George VI và Vương hậu Elizabeth. Nữ hoàng Elizabeth II lên ngôi vào ngày 6/2/1952. Tính đến thời điểm hiện tại, bà đã trị vì Vương quốc Anh hơn 70 năm.

Ngoài Vương quốc Anh, Nữ hoàng Elizabeth II còn là nguyên thủ của 14 quốc gia khác thuộc Khối Thịnh vượng Chung, bao gồm Australia, Canada, New Zealand, Antigua và Barbuda, Bahamas, Belize, Grenada, Jamaica, Papua New Guinea, Saint Lucia, Quần đảo Solomon, St Kitts và Nevis, St Vincent và Grenadines.

* Quốc ca Vương quốc Anh thay đổi sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời

Quốc ca của Vương quốc Anh - "God Save the Queen" (Chúa bảo vệ Nữ hoàng) - sẽ có sự thay đổi về ca từ, sau khi Nữ hoàng Anh Elizabeth II qua đời.

Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã qua đời ở tuổi 96 trong ngày thứ 5 (8/9) tại lâu đài Balmoral ở Scotland. Giờ đây, người con cả của bà - Thái tử Charles - sẽ kế vị và lên ngôi Quốc vương Anh.

Từ đây, quốc ca của Vương quốc Anh sẽ đổi tên từ "God Save the Queen" (Chúa bảo vệ Nữ hoàng) thành "God Save the King" (Chúa bảo vệ Quốc vương). Về cơ bản, ca từ của quốc ca Anh vẫn giữ nguyên, chỉ có từ "queen" (nữ hoàng) sẽ được thay bằng từ "king" (quốc vương), các từ "she/her" (bà) sẽ được thay thành "he/him" (ngài).

Quốc ca Anh đã được sáng tác từ năm 1745, cho tới nay, người ta không còn xác định được danh tính của nhạc sĩ sáng tác nữa. Kể từ khi chính thức được sử dụng làm quốc ca của Vương quốc Anh hồi đầu thế kỷ 19, tên của nhạc phẩm đã thay đổi giữa "God Save the King" và "God Save the Queen", phụ thuộc vào việc người đang trị vì vương quốc là nữ hoàng hay quốc vương.

Vậy là sau 70 năm Nữ hoàng Elizabeth II trị vì Vương quốc Anh, giờ đây, quốc ca của Vương quốc Anh sẽ có sự thay đổi.

Vì sao lúc sinh thời, Nữ hoàng Anh Elizabeth II luôn mặc trang phục rực rỡ?

Nữ hoàng Anh Elizabeth II là một trong những biểu tượng thời trang của Anh. Nhớ về Nữ hoàng Anh, công chúng nhớ ngay tới những bộ trang phục sang trọng, quý phái với các tông màu rực rỡ, tươi tắn. Theo ngôn ngữ thời trang hiện đại, đó là những bộ trang phục mang màu sắc "neon".

Trong suốt những năm tháng trị vì của mình, Nữ hoàng đã luôn lựa chọn những sắc màu ấn tượng nhất, từ hồng tím tới vàng chanh… Theo người con dâu của Nữ hoàng - công nương Sophie, Nữ hoàng muốn đảm bảo rằng người dân có thể dễ dàng nhìn thấy bóng dáng của bà trong các sự kiện lớn đông người.

Chia sẻ trong bộ phim tài liệu "The Queen at 90" (Nữ hoàng tuổi 90), công nương Sophie từng nói: "Nữ hoàng Elizabeth II cần phải nổi bật để người dân có thể thốt lên rằng: Nữ hoàng ở kia, tôi đã nhìn thấy Nữ hoàng rồi. Mỗi khi bà xuất hiện ở đâu, công chúng đều sẽ phải ở cách xa một khoảng, trong khi ai cũng đều muốn được thấy bà dù chỉ là một thoáng khi bà đi qua".

Người phụ trách bộ sưu tập hiện vật của Hoàng gia Anh - bà Caroline de Guitaut cũng từng khẳng định điều này: "Nữ hoàng luôn hiểu rằng bà cần phải nổi bật trong đám đông".

Rất hiếm khi đưa ra phát ngôn về thời trang, nhưng Nữ hoàng từng nói: "I have to be seen to be believed" (Ta cần phải được nhìn thấy để được tin tưởng).

Đối với túi xách, Nữ hoàng chỉ sử dụng túi do một nhà sản xuất thực hiện, bà đã dùng túi của hãng này từ năm 1968. Thực tế, túi xách không chỉ là một phụ kiện thời trang mà còn là một cách giao tiếp ngầm giữa Nữ hoàng Anh và những người phục vụ bà.

Theo chuyên gia nghiên cứu lịch sử Hoàng gia Anh - ông Hugo Vickers, Nữ hoàng Anh sử dụng túi xách để gửi đi những tín hiệu bí mật, bởi khi xuất hiện ở bên ngoài, Nữ hoàng hiếm khi nói ra những yêu cầu của mình, những người phục vụ bà sẽ quan sát những cử chỉ của bà để biết cần làm gì tiếp theo. Trong đó, cách Nữ hoàng cầm túi xách là một mật hiệu quan trọng.

Nữ hoàng rất thích những chiếc túi màu đen. Cấu trúc một chiếc túi xách của Nữ hoàng đã được bà thống nhất với nhà sản xuất từ lâu. Những chiếc túi của bà thường có thiết kế cổ điển với mức giá dao động quanh con số 1.650 bảng Anh (gần 50 triệu đồng).

Về những đôi giày, Nữ hoàng chuộng giày da màu đen được thực hiện bởi một công ty đóng giày đã được bà tín nhiệm đặt hàng suốt hơn nửa thế kỷ. Những đôi giày của Nữ hoàng được thiết kế theo yêu cầu riêng của bà và có giá vào khoảng 1.200 USD/đôi (tương đương 28 triệu đồng).

Giày của Nữ hoàng làm bằng chất liệu da bò, mềm mại, ôm chân, có nâng gót nhẹ nhưng cơ bản vẫn là dáng giày rất dễ đi. Khi nhận một đôi giày mới được thực hiện cho Nữ hoàng, một nhân viên phụ trách phục trang sẽ đi đôi giày này trước để đảm bảo giày mềm ra, đến khi Nữ hoàng sử dụng, bà sẽ cảm thấy thật thoải mái.

Tất cả các phục trang của Nữ hoàng đều được giữ lại cẩn thận. Có một ê-kíp chuyên chăm sóc cho phục trang của Nữ hoàng. Với những phục trang không còn được Nữ hoàng sử dụng nữa, người ta sẽ lưu giữ cẩn thận như những món kỷ vật về Nữ hoàng.

(Theo Dân trí)

Các tin khác
Lệnh cấm nhập khẩu dầu của EU từ Nga sắp có hiệu lực.

Châu Âu đang nhập khẩu hơn một triệu thùng dầu mỗi ngày của Nga, nhằm tìm cách lấp đầy kho dự trữ trước khi lệnh cấm vận của toàn khối đối với nhập khẩu dầu thô của Nga có hiệu lực.

Hoàng tử William và Công nương Kate.

Sau khi Nữ hoàng Anh qua đời và Thái tử Charles lên làm vua, con trai ông là Hoàng tử William trở thành người đứng đầu trong danh sách kế vị.

Thủ tướng Anh Liz Truss khẳng định "nước Anh trở thành đất nước tuyệt vời như ngày nay nhờ có Nữ hoàng". Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden ca ngợi "hơn cả một vị quân vương, Nữ hoàng đã định nghĩa một kỷ nguyên".

Ngày 8/9 (theo giờ địa phương), hãng tin CNN xác nhận Nữ hoàng Anh Elizabeth II qua đời ở tuổi 96.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục