Nhật Bản tái khởi động 17 nhà máy điện hạt nhân

  • Cập nhật: Thứ sáu, 7/10/2022 | 7:37:18 AM

Nhật Bản đã quyết định tái khởi động 17 nhà máy điện hạt nhân cũ, đồng thời xây dựng thêm các nhà máy điện hạt nhân mới bắt đầu từ mùa hè năm sau.

Để đảm bảo nguồn cung năng lượng và thực hiện mục tiêu trung hòa khí thải, Nhật Bản đang trở lại với điện hạt nhân với công nghệ mới hiện đại và an toàn hơn.

Cuối tháng 9, tập đoàn Mitsubishi cho biết tập đoàn này sẽ hợp tác với 4 công ty điện lực lớn là công ty điện lực Kansai, Hokkaido, Shikoku và Kyushu để phát triển các nhà máy điện hạt nhân mới. Các nhà máy này sẽ sử dụng công nghệ lò phản ứng nước nhẹ cải tiến, có độ an toàn cao hơn và hướng tới mục tiêu thương mại hóa vào giữa những năm 2030.

Kế hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới thể hiện sự thay đổi lớn trong chính sách đối với điện hạt nhân của Nhật Bản sau hơn một thập kỷ.

Sau thảm họa hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, Nhật Bản thay đổi hoàn toàn khi gần như không sử dụng điện hạt nhân cũng như hủy bỏ những dự án xây mới, nhưng để đảm bảo nguồn cung điện năng ổn định trong tương lai, Chính phủ Nhật Bản vừa qua đã xem xét thúc đẩy xây dựng các nhà máy điện hạt nhân thế hệ mới trên cơ sở kiểm chứng được mức độ hiệu quả và an toàn.

Tuy nhiên, việc phát triển cũng sẽ gặp một số trở ngại. Đến năm 2020, số người làm việc trong lĩnh vực điện hạt nhân đã giảm xuống còn 10.000 người, tức là giảm hơn 20% so với năm 2011. Trong khi đó, một số nhà đầu tư đã rút khỏi lĩnh vực kinh doanh điện hạt nhân vì họ không thể nhìn thấy triển vọng kinh doanh.

Để khôi phục lại điện hạt nhân, các chuyên gia điện hạt nhân cho rằng, Chính phủ Nhật Bản cần phải có nhiều chính sách hỗ trợ hơn, ngoài đảm bảo tương lai và lợi nhuận cho các nhà đầu tư cũng như những người làm việc trong lĩnh vực điện hạt nhân, chính phủ còn cần đảm bảo tính hiệu quả và an toàn khi đưa vào hoạt động để nhận được sự ủng hộ của người dân.

Tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân được xem là giải pháp tối ưu

Điện hạt nhân từng rất quan trọng, chiếm tới 30% tổng lượng điện tiêu thụ tại Nhật Bản. Kể từ năm 2011, nước này không xây dựng thêm nhà máy mới nào. Năng lượng hạt nhân hiện chỉ chiếm khoảng 6% tổng năng lượng điện của Nhật Bản, tuy nhiên sức ép cần tự chủ nguồn cung điện năng đang khiến Nhật Bản thay đổi cái nhìn đối với điện hạt nhân.

Cần phải khẳng định rằng, tái khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân được xem là giải pháp tối ưu đối với Chính phủ Nhật Bản hiện nay để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Thứ nhất là để giảm áp lực nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt của người dân tăng mạnh vào mùa Đông tới và đáp ứng nhu cầu lớn về điện sản xuất trong kế hoạch phục hồi và tăng trưởng kinh tế giai đoạn hậu COVID-19. Theo ước tính, 9 lò phản ứng hạt nhân nếu được đi vào hoạt động sẽ đóng góp khoảng 10% năng lượng quốc gia.

Thứ hai là từng bước giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu nhiệt điện từ bên ngoài, đặc biệt là than đá và khí tự nhiên đang tăng giá mạnh do tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine.

Thứ ba, điện hạt nhân cũng được xem là một phần quan trọng của chính sách năng lượng tương lai của Nhật Bản với mục tiêu giảm thiểu khí thải carbon từ các nhà máy nhiệt điện.

Ám ảnh thảm họa hạt nhân Fukushima

Phần lớn người dân Nhật Bản ủng hộ kế hoạch tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân, nhưng không ít người vẫn còn ám ảnh thảm họa hạt nhân Fukushima cách đây 11 năm. Do đó, song song với quyết tâm chính trị, Chính phủ Nhật Bản đặc biệt đề cao các quy định khắt khe về đảm bảo an toàn khi vận hành, bảo trì các lò phản ứng hạt nhân cũng như sẵn sàng các biện pháp khẩn cấp nếu xảy ra sự cố ngoài ý muốn.

Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản đang nghiên cứu kế hoạch xây dựng các lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới để dần thay thế gần 50% số lượng các lò phản ứng hạt nhân đã có tuổi đời trên 30 năm. Các lò phản ứng mới này có quy mô nhỏ hơn, an toàn hơn và dễ dàng xây dựng ở các khu vực hẻo lánh, xa nơi tập trung dân cư.

Năng lượng của Nhật Bản chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu. Điện hạt nhân vẫn được đánh giá là một giải pháp hiệu quả cho một quốc gia nghèo tài nguyên như Nhật Bản. Mục tiêu mà chính phủ của Thủ tướng Kishida Fumio đặt ra đó là đưa năng lượng hạt nhân chiếm khoảng 20-22% trong cơ cấu năng lượng Nhật Bản vào năm 2030.

(Theo VTV)

Các tin khác
Lúa mỳ tại kho lưu trữ ở Izmail, vùng Odessa, Ukraine, ngày 14/6/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ukraine không tiến hành đàm phán trực tiếp với Nga mà tham gia tiến trình đối thoại với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc về gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen, dự kiến hết hạn vào 19/11.

Phiên họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hôm 5/10 về vấn đề tên lửa Triều Tiên.

Thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có các quan điểm khác biệt trong vấn đề tên lửa của Triều Tiên.

Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Hãng tin TASS đưa tin Tổng thống Vladimir Putin đã ký đạo luật chính thức sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine vào Nga hôm nay 5-10.

Mỹ và Hàn Quốc phóng tên lửa.

Động thái của Mỹ và Hàn Quốc diễn ra chỉ một ngày sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm trung qua vùng trời Nhật Bản.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục