NATO tuyên bố hỗ trợ Ukraine giành chiến thắng bất chấp lằn ranh của Nga; ông Medvedev nói NATO vô tình thừa nhận tham gia vào xung đột ở Ukraine

  • Cập nhật: Thứ tư, 12/10/2022 | 3:28:17 PM

NATO tuyên bố cung cấp sự hỗ trợ "chưa từng có tiền lệ" cho Ukraine, bất chấp cảnh báo của Nga về việc liên minh quân sự này có thể trở thành một bên xung đột.

Lính Ukraine giao tranh với lực lượng Nga ở Donetsk
Lính Ukraine giao tranh với lực lượng Nga ở Donetsk

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 11/10 tuyên bố NATO cung cấp "sự hỗ trợ chưa từng có tiền lệ" cho Ukraine, tuy nhiên liên minh quân sự này không phải một bên tham gia xung đột.

Phát biểu trước các phóng viên trước thềm cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng NATO, ông Stoltenberg cho biết việc tiếp tục chuyển giao vũ khí cho Ukraine là rất quan trọng để đảm bảo "Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại các lực lượng Nga".

"Nếu Nga giành chiến thắng, đó không chỉ là một thất bại lớn đối với Ukraine, mà còn là thất bại và nguy hiểm đối với tất cả chúng ta", Tổng thư ký NATO nói.

NATO vẫn đang hỗ trợ mạnh mẽ cho Ukraine. Các thành viên của liên minh quân sự này đã cung cấp vũ khí trị giá hàng chục tỷ USD, hỗ trợ huấn luyện và tình báo cho quân đội Ukraine.

Lãnh đạo NATO tuyên bố các hệ thống vũ khí của liên minh đã giúp quân đội Ukraine đạt được một loạt bước tiến ở miền Nam và miền Đông trong những tuần gần đây.

Tuy nhiên, việc hỗ trợ cho Ukraine cũng khiến các thành viên NATO gặp nhiều khó khăn. Kho vũ khí và đạn của Đức đã cạn kiệt nghiêm trọng kể từ cuối tháng 8. Trong khi đó, Wall Street Journal đưa tin kho dự trữ đạn pháo 155mm của Mỹ cũng cạn dần.

Khi được hỏi liệu việc NATO chấp nhận suy yếu lực lượng để củng cố Ukraine có phải là một chính sách khôn ngoan hay không, ông Stoltenberg cho biết cuộc xung đột ở Ukraine là sự tồn tại của liên minh.

Tổng thư ký NATO cũng kêu gọi các đồng minh tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine, đặc biệt là các hệ thống phòng không hiện đại. Tuyên bố được đưa ra một ngày sau khi Nga tập kích tên lửa vào một loạt thành phố ở Ukraine. Theo ông Stoltenberg, Ukraine có thể ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga nếu kho vũ khí hiện đại của Kiev được mở rộng.

Ông Stoltenberg khẳng định NATO đang giám sát chặt chẽ các lực lượng hạt nhân của Nga. Mặc dù NATO không thấy bất kỳ thay đổi nào trong động thái của Nga, song ông Stoltenberg cho biết liên minh vẫn cần cảnh giác.

"Chúng tôi đã nói rõ ràng với Nga rằng sẽ có hậu quả nghiêm trọng nếu họ sử dụng vũ khí hạt nhân theo bất kỳ cách nào", Tổng thư ký NATO nói thêm.

Nga nhiều lần cảnh báo việc Mỹ và các nước phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine là "lằn ranh đỏ" và Moscow sẽ đáp trả bằng mọi cách có thể. Nga gọi đó là dấu hiệu cho thấy phương Tây "can dự trực tiếp vào cuộc chiến" tại Ukraine.

Mỹ từng từ chối đề nghị từ Ukraine nhằm cấp cho Kiev các tên lửa tầm xa hơn vì lo ngại chúng sẽ được sử dụng để tấn công vào lãnh thổ Nga, diễn biến có thể làm leo thang xung đột và có khả năng dẫn đến Chiến tranh thế giới thứ 3.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 9 cáo buộc phương Tây "tống tiền hạt nhân" Nga. Ông cảnh báo, Nga có nhiều vũ khí để đáp trả mối đe dọa từ phương Tây và đây không phải là tuyên bố nhằm hù dọa.

*  Ông Medvedev nói NATO vô tình thừa nhận tham gia vào xung đột ở Ukraine

Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho rằng, phát ngôn của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg vô tình thừa nhận liên minh này đang trong cuộc chiến với Moscow.


Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev

RT đưa tin, ông Medvedev cho rằng, ông Stoltenberg ngày 11/10 đã vô tình thừa nhận khối liên minh quân sự NATO đang trong cuộc chiến với Moscow. Theo đó, ông Stoltenberg hôm qua tuyên bố rằng, chiến thắng quân sự của Nga ở Ukraine sẽ được xem là thất bại của NATO.

Ông Medvedev gọi bình luận của nhà lãnh đạo NATO là "một lời xác nhận mở về sự tham gia của liên minh vào cuộc chiến chống lại Nga - một bình luận thiếu khôn ngoan nhưng thành thật". "Quan chức người Na Uy thành thật này cuối cùng đã thừa nhận điều đó", ông Medvedev nói.

Ông Stoltenberg, cựu Thủ tướng Na Uy, đã đưa ra bình luận trên trong một buổi họp báo trong bối cảnh các bộ trưởng NATO chuẩn bị gặp Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Aleksey Reznikov vào ngày 12/10. Khối liên minh sẽ thảo luận về cách để đáp ứng nhu cầu cấp bách của Ukraine nhằm đối phó với chiến dịch quân sự đã kéo dài hơn 7 tháng qua của Nga.

Về vấn đề viện trợ cho Ukraine, ông Stoltenberg nói: "Có nhu cầu cấp bách về hệ thống phòng không, nhưng tất nhiên cũng có nhiều nhu cầu khác như đạn dược dẫn đường chính xác, hệ thống hỏa lực phóng loạt HIMARS và các hệ thống tiên tiến, hiện đại khác theo tiêu chuẩn NATO". Ông khẳng định, NATO đang viện trợ chưa từng có tiền lệ cho Ukraine để đảm bảo Kiev chiến thắng trong cuộc đối đầu với Nga.

Ông Medvedev cảnh báo, việc phương Tây gửi thêm vũ khí hiện đại tới Ukraine sẽ làm gia tăng rủi ro xung đột bùng phát ở quy mô rộng hơn. "Cách nhanh nhất để đưa cuộc xung đột ở Ukraine đến mức không thể quay trở lại là trang bị cho Kiev các hệ thống rocket phóng loạt tầm xa hơn", quan chức Nga cho biết, kêu gọi các lãnh đạo NATO cân nhắc kỹ về vấn đề này.

Trong khi đó, ông Stoltenberg khẳng định, NATO không phải là một bên của cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine, nhưng khối liên minh đóng vai trò chủ chốt.  

"Điều quan trọng đối với tất cả chúng ta là Ukraine sẽ chiến thắng trong cuộc chiến chống lại Nga, bởi vì nếu Moscow thắng, đó không chỉ là một thất bại lớn đối với người Ukraine, mà đó sẽ là một thất bại và nguy hiểm cho tất cả chúng ta", ông Stoltenberg cho hay.

Trong một diễn biến khác, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 11/10 tuyên bố, Moscow có bằng chứng cho thấy, quân nhân Mỹ và một số quốc gia phương Tây dường như đã hiện diện trên lãnh thổ Ukraine trong cuộc xung đột chống lại Nga.

"Các binh sĩ  của quân đội Mỹ, cũng như quân đội của một số quốc gia châu Âu đang hoạt động tại hiện trường, bao gồm hỗ trợ tính toán các tổ hợp súng, hệ thống hỏa lực phóng loạt HIMARS để giúp Ukraine sử dụng", ông Lavrov cáo buộc.

Tuy nhiên, nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh, Moscow hiện chưa có bằng chứng xác định cáo buộc trên chính xác 100%. Mặc dù vậy, ông nói rằng Nga bắt đầu nhận thấy những bằng chứng trên. Ông nhận định, phương Tây có thể bắt đầu nhận ra họ đang đi xa hơn tại Ukraine so với những gì họ dự kiến ban đầu.
(Theo Dân trí)

Các tin khác
Phụ nữ trên đường phố tại Ghazni, Afghanistan.

Ngoại trưởng Mỹ đã công bố chính sách hạn chế thị thực mới đối với các thành viên hiện tại hoặc trước đây của Taliban và những người khác có liên quan đến việc bạc đãi phụ nữ và trẻ em gái.

Bà Aung San Suu Kyi.

Bà Suu Kyi đã bị kết án 6 năm tù do dính líu đến hai vụ tham nhũng, trong đó bà bị cáo buộc nhận hối lộ 550.000 USD từ doanh nhân Maung Weik.

Vua Charles III phát biểu trước Hội đồng Tấn phong ở London, Anh, ngày 10/9.

Thông báo của Điện Buckingham cho biết lễ đăng quang của Vua Charles III sẽ diễn ra vào tháng 5/2023 và do đức Tổng Giám mục Canterbury, người đứng đầu Anh giáo, thực hiện.

Đại sứ Nga Vasily Nebenzia phát biểu trước Đại hội đồng LHQ ở Mỹ ngày 10-10, với rất nhiều ghế trống

Với 107 phiếu thuận, 13 phiếu chống, 39 phiếu trắng và một số nước như Nga, Trung Quốc... không bỏ phiếu, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã quyết định sẽ bỏ phiếu công khai với dự thảo nghị quyết lên án Nga sáp nhập bốn khu vực của Ukraine.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục